Bi kịch mẹ già nuôi 2 con bị tâm thần

ANTD.VN - Năm nay đã 68 tuổi, mang trong mình đủ thứ bệnh tật, nhưng suốt 20 năm qua bà Phạm Thị Đát vẫn phải còm cõi nuôi 2 đứa con lớn ngộc nghệch mắc bệnh tâm thần. Hàng chục lần bị chính con mình đánh đập mỗi khi lên cơn, nhiều đêm phải bỏ nhà chạy ra đường ngồi thu lu lánh nạn, thế nhưng người mẹ ấy vẫn chưa bao giờ thốt ra một lời oán thán.

Có lẽ ngay cả những cư dân trong con ngõ 32 phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quân Ba Đình (Hà Nội) cũng đã hơn một lần phải tự hỏi: Tại sao lại có đến chừng ấy nỗi bất hạnh đổ ấp xuống đầu một người phụ nữ tội nghiệp như bà Đát? Với họ, bà là hiện thận của sự khốn khổ, nỗi tuyệt vọng và cảm giác cô đơn ngay trong chính căn nhà của mình. Hơn 20 năm, chỉ có một mình bà lặng lẽ chống chọi với bị kịch của đời mình mà không biết sẻ chia gánh nặng với ai. Ngay cả những đứa con, niềm hy vọng lúc tuổi già của bà bây giờ cũng điên điên dở dở.

Ngồi với chúng tôi trong căn nhà xập xệ và chẳng có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc tủ xiêu vẹo, bà Đát bảo, có lẽ số kiếp bà hẩm hiu nên đến cuối đời vẫn phải lo những mối lo nằm ngoài khả năng và sức lực của một người khỏe mạnh. Lấy chồng năm 1973 và sau 1 năm thì sinh đứa con đầu lòng, cuộc sống của bà những tưởng rồi cũng bình yên như bao người khác. Thế nhưng yên lành được ít lâu thì đùng một cái, bà phát hiện ra chồng mình có những biểu hiện không bình thường.

Ông Đặng Quốc Thái - chồng bà thường xuyên ở trong trạng thái hoang tưởng, thậm chí lắm lúc còn chẳng thể nhận ra ai với ai. Nhiều người bảo ông Thái bị điên, nhưng bà cứ gạt đi và cho rằng, có lẽ do cuộc sống lúc đó khó khăn quá nên chồng mình chỉ bị mất trí tạm thời. Thế nhưng cho đến khi giữa bữa ăn cơm, ông Thái chẳng nói chẳng rằng bỗng chồm lên túm tóc đánh vợ một trận thừa sống thiếu chết thì bà mới tin là thật. Hai năm sau, khi sinh đứa con thứ 2 thì bà không thể chịu đựng nổi những trận đòn từ chồng nữa.

“Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ phận mình bất hạnh, tốt nhất là nên chia tay. Nói thật với anh, ngày ấy còn lạc hậu nên việc vợ chồng ly dị cũng bị đàm tiếu lắm. Nhưng tôi vẫn cố chịu bởi ngoài việc giải thoát cho bản thân để còn lấy sức đi làm nuôi con thì đây cũng là một phương án cách ly cho các con mình không bị ảnh hưởng. Ông ấy đánh tôi thì được, nhưng ngộ nhỡ lên cơn đánh cả mấy đứa nhỏ thì biết tính sao?” - bà Đát nhớ lại.

Thoát khỏi sự đày đọa từ người chồng không bình thường, mấy mẹ con bà Đát đùm rúm nuôi nhau qua thời bao cấp khó khăn, nhưng rồi nỗi khổ vẫn chẳng buông tha. Năm 1995, đứa con lớn là Đặng Đông Đô bỗng dưng cũng có biểu hiện y như bố. Đang đi làm nghề thợ tiện ở phố Tố Tịch, bỗng một ngày bà Đát phát hiện ra con thường xuyên thức trắng đêm để… khóc. Đến khi thấy Đô hay bỏ làm để ở nhà lảm nhảm một mình, rồi đập phá đồ đạc thì bà Đát mới đưa con vào Khoa Thần kinh - Bệnh viện Bạch Mai. Kết luận của các bác sỹ khiến bà như muốn sụp đổ: Đô bị mắc bệnh tâm thần.

Bà Phạm Thị Đát

Niềm hy vọng cuối cùng của bà Đát là cô con gái Đặng Minh Đức (SN 1976) cũng chỉ tồn tại thêm được 2 năm sau cái tin sét đánh từ đứa con trai lớn. Năm 1997, Đức cũng bắt đầu phát bệnh khi đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Đẻ con thì lành, nay phải nuôi con điên điên dại dại, nhiều lúc bà Đát nghĩ quẩn chỉ muốn chết. Thế nhưng nhìn 2 đứa con tội nghiệp bà không đủ dũng khí để làm việc đó. Và những chuỗi ngày như địa ngục của cả 3 mẹ con mới chỉ bắt đầu.

Bây giờ thì nhà bà Đát chẳng có gì đáng giá ngoài 2 chiếc giường long mộng với chiếc chiếu rách. “Có bao nhiêu đồ đạc chúng nó đã đập hết rồi. Tôi bây giờ già cả, mấy mẹ con chỉ biết trông vào khoản lương hưu hơn 2 triệu đồng/tháng, đến ăn còn chẳng đủ thì biết sắm sửa cái gì?” - bà Đát thật thà kể. Quả thực nuôi 1 người điên đã khổ, đằng này bà Đát phải cáng đáng gấp đôi. So với em thì Đô có phần hung hãn hơn mỗi khi lên cơn. Có bữa anh ta túm bà Đát thụi lấy thụi để vì đinh ninh mẹ bỏ thuốc độc vào cơm để giết mình.

Hành vi hoang tưởng này kéo dài mấy ngày liền, đến mức Đô cấm cả em gái không được ăn vì sợ em chết. Đến khi Đức đói quá không chịu nổi và xúc trộm một bát để ăn thì bị anh trùm bao tải đánh đến ngất lịm vì dám… cãi lời. Mà người điên đã lên cơn thì khỏe gấp 3-4 lần người bình thường, những lúc ấy, dù mưa bão hay đêm hôm thì bà Đát cũng chỉ còn cách bỏ chạy ra đường đợi con mình qua cơn cuồng dại mới dám quay về.

Thu nhập không có, tiền ăn không đủ thì tiền thuốc quả là chuyện… trên trời. Vì thế mà đến bây giờ, cả Đô và Đức bệnh đều ngày một nặng. Tần suất bà Đát phải chạy trốn khỏi chính căn nhà của mình ngày một dày thêm. Bà bảo: “Tôi nuôi chúng suốt 20 năm nay nên biết được chu kỳ lên cơn của con mình. Thường thì chúng bắt đầu lên cơn vào đầu tháng 5 cho tới tháng 11. Ngày nào càng nóng thì cơn điên càng nặng và kéo dài. Những lúc ấy, thằng Đô cứ 10 phút lại phải đi vào tắm một lần. Nó cảm giác đầu như có lửa, có tháng tôi phải nộp mấy trăm nghìn tiền nước”.

Bây giờ bà Đát chẳng dám mong gì cho bản thân dù chính bà cũng đang mắc đủ thứ bệnh cần phải chạy chữa. “Tôi chỉ ước có giá có điều kiện thì mỗi năm có thể gửi 2 đứa con vào điều trị tại Bệnh viên tâm thần điều trị khoảng vài tháng. Chỉ ở đó mới có thuốc để chúng bớt đập phá, điên loạn và tôi không còn bị chúng hành hung. Nhưng khốn nỗi gia cảnh nghèo quá, đưa vào đó cũng phải đóng 1 triệu đồng/người/tháng thì tôi không kiếm đâu ra được” - bà Đát thật thà nói.

Với một người gần đất xa trời như bà Đát thì ước mong này là quá khả năng. Nhưng nếu có sự giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm thì đây là việc không khó để thực hiện. Mọi sự giúp đỡ gia đình bất hạnh này, xin bạn đọc gửi về Báo An ninh Thủ đô - 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội (SĐT: 0.439.426.355) hoặc bà Phạm Thị Đát - số nhà 32D (gác 2), ngõ 32 phố Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội (SĐT: 01.689.422.635)