Bi kịch khi sân khấu hài ê hề, thừa mứa

ANTD.VN - Mấy năm trước tôi rất thích một nữ diễn viên hài ở phía Nam, dáng người thấp đậm, có giọng nói duyên không lẫn vào đâu, diễn như không diễn. 

Đến giờ thì chị nổi tiếng lắm, điều đó thể hiện qua việc chỉ cần bật ti vi vào giờ vàng thì thế nào cũng có dăm ba kênh, hoặc chị đang diễn, hoặc đang làm giám khảo. Chẳng biết có phải bay show nhiều chẳng kịp nạp vốn hay trời chỉ cho đến thế, mà tự dưng tôi thấy duyên hài của chị ngày nào lặn sạch.

Trên đài truyền hình quốc gia hẳn hoi, chị mồm năm miệng mười, “đè” thí sinh ra bắt họ hôn mình, hoặc là chân tay sờ xẩm vào bạn diễn để chọc cười khán giả… Người khác xem thấy thế nào tôi không rõ, cá nhân tôi thấy rùng cả mình, không cười nổi.

Trường hợp của nữ diễn viên nói trên tôi cho đó là điển hình của cả làn sóng gameshow hài đang làm mưa làm gió trên hầu khắp các kênh truyền hình. Ít và tiết kiệm thì còn duyên, còn thông minh dí dỏm, chứ nhiều mà vung vãi, thừa mứa chứa chan đến mức bội thực thì đến mếu còn chưa xong nữa là cười, là thư giãn.

Hai hôm nay, mạng xã hội dậy sóng vì câu đùa được cho là hỗn của ca sĩ Hương Giang Idol với nghệ sĩ Trung Dân trên gameshow “Siêu sao đoán chữ”. Nhìn rộng ra thì câu nói của Hương Giang có thể là “tổng kết tiêu biểu” cho tất cả các loại hài nhảm đang ê hề bắt người xem phải cười trên sóng truyền hình.

Có lẽ đã đến lúc phải siết lại các chương trình hài, “khai tử” những thứ nhảm nhí, thô tục. Nói không với những nghệ sĩ chẳng phải sao xẹt gì cả, nhưng vỗ ngực ngộ nhận mình là “sao”, lại thêm được nhà sản xuất đưa đẩy thổi phồng cùng sóng truyền hình được sử dụng như “công cụ hỗ trợ”.

Vì sao Hương Giang Idol chỉ nghĩ đến duy nhất từ “cầu tiêu”? Vì sao Trấn Thành cổ vũ và còn khen ngợi thí sinh văng tục trên truyền hình rồi “ban thưởng” cho thí sinh những nụ cười có thể quy ra bạc triệu ở “Thách thức danh hài”? Ấy là bởi, đã có quá nhiều chương trình dùng yếu tố dung tục để chọc cười như là một thói quen, trong điều kiện họ không thể nghĩ ra những thứ thông minh, duyên dáng và sâu cay. Đương nhiên, khán giả cũng chẳng học được gì từ những chương trình vô bổ kể trên.

Ông bà ta ngày xưa có kiểu đố tục giảng thanh. Ca dao tục ngữ so sánh ví von thoạt nghe rõ tục, nhưng hóa ra lại thanh nhã cực kỳ. Truyền thống thì dày dặn thế mà phông văn hóa bây giờ hóa lại mất gốc cả. “Quanh quẩn mãi vài ba dáng điệu/ Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người”, kịch bản cũ, lối mòn, đành phải thò tay ra mà cù khán giả theo đúng nghĩa đen. Ở miền Bắc, tiểu phẩm nào cũng thấy những nhân vật xấu xí, răng vẩu, gương mặt biến dạng bị lôi ra làm trò cười.

Trong khi hài chính luận là thương hiệu của sân khấu kịch phía Bắc với tình huống đả kích sâu cay lâu lắm rồi không còn thấy nữa. Ở phía Nam, các màn tấu hài vốn là thế mạnh thì nay các nghệ sĩ bắt đầu tìm cách gây cười bằng khai thác đời tư của nhau, gái thì giả trai, trai thì giả gái ưỡn ẹo đi lại… chả biết lấy nụ cười của khán giả cách nào thì đành phải văng tục.

Có một thực tế, sân khấu cả hai miền lâu nay thiếu vắng những tác giả hay, kịch bản trí tuệ. Viết một vở bi kịch đã khó, nhưng viết một vở hài kịch còn khó gấp trăm lần. Bởi xưa nay, cái hài “đáng đồng tiền bát gạo” phải được xây trên nền của cái bi. Hơn nữa, để viết nên một tiểu phẩm hài, với những câu thoại đối đáp chan chát thì tác giả đương nhiên phải có óc hài hước, tinh tế, có phông văn hóa dày dặn. Người cả đời “ngậm hột thị” nói ba vạn chín nghìn câu chả có câu nào hóm hỉnh, mà đi viết kịch bản hài thì… bi kịch lắm.

 Ai đó từng kết luận rất thú vị rằng, ở đời có 3 hạng người. Một là người bẩm sinh đã có óc hài hước, một nữa do luyện tập mà thành, và cuối cùng có những người dù cố gắng luyện tập đến đâu cũng không hài hước cho nổi. 

Hình như đang có sự nhầm lần, khi “số 3” kia lại đang ồ ạt đi viết kịch bản hài, làm gameshow hài, làm giám khảo các cuộc thi tấu hài thì phải?