Bi kịch kép trĩu nặng của kẻ sát nhân dại dột

ANTĐ - Điều khiến tôi dằn vặt nhất là nỗi xót xa cho hai giọt máu còn quá nhỏ. Lớn lên chỉ có bà và mẹ, hơn ai hết tôi hiểu sự khuyết thiếu tình cảm mà chúng đang phải gánh chịu. Tôi ước ao, con mình sẽ không phải khóc thầm như bố chúng ngày xưa. Nhưng, có lẽ, hi vọng ấy, tôi đã không thực hiện được với con trẻ.

Lời người viết: Trong suốt cuộc trò chuyện mòn mỏi, đứt đoạn, Nguyễn Văn Đ. (SN 1977, ở Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên) hiện đang thụ án ở trại giam Suối Hai chưa nhìn tôi lấy một lần. Anh ta luôn cúi gằm mặt, giọng lý nhí, thỉ thoảng liếc mắt nhìn vòm lá xanh có những tia nắng luôn chiếu để lộ đôi mắt sâu thẳm. Nhìn dáng vẻ thư sinh của gã đàn ông này, sự trầm tư, khép mình mang dấu hiệu của người mắc chứng trầm cảm khiến ít ai ngờ rằng, anh ta là một kẻ giết người. Nhưng, phía sau hồ sơ bản án luận tội, qua lời kể bập bõm của Đ. và nhận xét của cán bộ quản giáo, tôi không khỏi xót xa cho số phận nhiều bi kịch của gã.

Phận con hoang

Hồi còn nhỏ, khi tới lớp, chúng bạn thường trêu chọc, miệt thị tôi là đứa con hoang. Hoặc chúng gọi gia đình tôi là "Tây vương nữ quốc" (Vương quốc toàn đàn bà trong bộ phim Tây Du Kí). Nỗi mặc cảm ấy đã cản trở tôi bước ra khỏi ngôi nhà nhỏ bé như gánh hàng của mẹ để giao tiếp với thế giới. Tôi không có nhiều bạn bè. Người ta bảo, tuổi thơ là quãng thời gian tươi đẹp nhất cuộc đời mỗi con người với tất cả sự hồn nhiên, trong trẻo của nó, nhưng với tôi, tuổi thơ nhuốm một gam màu đen tối. Tôi muốn chối bỏ nó, giống như cách bố chối bỏ mẹ con tôi.

Không ai hiểu vì sao, nhưng mẹ tôi không muốn lấy chồng. Ngay cả tôi, khi trưởng thành cũng chưa bao giờ dám mở miệng hỏi mẹ lý do kì lạ ấy. Cuộc sống của bà là những ngày đều quẩn quanh bên dăm sào ruộng, khoảnh vườn nhỏ trước nhà, an phận với cảnh một mẹ, một con rồi sau đó thêm hai đứa con ngoài giá thú. Mọi người đều nói tôi giống mẹ, đặc biệt ở làn da trắng và vầng trán ngắn, đôi mắt lúc nào cũng sũng nước như chuẩn bị khóc, trong khi tôi muốn được thừa hưởng một chút ngoại hình của bố - để ít nhất tôi còn có thể mường tượng người đàn ông sinh ra tôi trông như thế nào.

Anh em chúng tôi lớn lên cùng bà ngoại và mẹ, chịu chung nỗi mặc cảm là đứa con hoang. Nỗi mặc cảm trở thành tâm điểm cho bại bè trêu chọc, nhạo báng đã đặt dấu chấm hết cho giấc mơ bảng đen, phấn trắng của tôi ở những năm tháng cấp 2 trung học.

Ý thức trọng trách của người con trai lớn, nghỉ học, tôi ở nhà phụ giúp bà ngoại, mẹ và em gái những lúc mùa vụ bận rộn. Từng ngày lặng lẽ trôi đi trong mờ nhạt, buồn tẻ và thiếu sức sống. Những buổi chiều làm đồng xong, tôi nán lại nằm dài trên triền đê gần nhà, nhắm nghiền mắt, hít thật sâu mùi hương cỏ mật nồng ấm và ngai ngái như mùi mồ hôi mẹ, rồi ngắm những vầng mây lững thững trôi trên trời với đủ hình thù kì quái. Đó là giây phút hiếm hoi tuyệt đẹp tôi dành tặng bản thân, phần nữa, tôi sợ bước chân về nhà, đối diện những phận đời lặng lẽ trong ngôi nhà ẩm thấp. Tôi cũng là một trong những phận đời trệu trạo ấy.

Lớn hơn một chút, nhờ bạn bè hướng dẫn, chỉ bảo, tôi đã biết thồ rau củ ra Hà Nội bán, rồi có người yêu và nên duyên chồng vợ với một cô gái khá xinh xắn. Tính hiền lành, nhún nhường của tôi khiến được lòng bạn bè. Đôi khi, chấp nhận thua thiệt một chút, nhưng thứ mình có được sẽ trở thành vô giá, ví dụ như tình bạn. Và, trong suốt tuổi thơ thiếu thốn tình bạn của tôi được bù đắp bằng những năm tháng trưởng thành, bên những người bạn cùng "vào sinh ra tử" trên những nẻo đường làm ăn, kiếm sống.

Tôi luôn nghĩ rằng, cuộc đời đã không may mắn ban cho tôi một người cha, nhưng bù lại tôi có những người thân và bạn bè - hai thứ tài sản vô giá không gì đánh đổi được, nên tự nhủ lòng bằng mọi giá sẽ bảo vệ nó.

Đáng lẽ tôi phải yêu quý, bảo vệ tổ ấm, bình yên cho những người ruột thịt thân yêu nhưng một phút cả giận, tôi đã biến ngôi nhà của mình thành nơi ngằn ngặt tiếng nấc thương, buồn bã.

Ảnh minh họa

Án mạng không ngờ

Tôi vẫn nhớ như in buổi tối ngày 19/6 của 4 năm về trước - là một buổi tối oi bức, ngột ngạt, một người bạn tên Lê Văn Sáng cùng vài "anh em" khác sang Kim Lan, Gia Lâm (Hà Nội) chơi điện tử. Thấy có người lạ tới, với tính xấu "gà cậy chuồng", mấy thanh niên ở Kim Lan nhảy tới cà khịa bằng cách ngáng chân Sáng làm anh ta ngã sõng soài ra đất. Ít người, lại rơi vào thế yếu, Sáng kéo hội bạn cùng về. Nhưng, khi ra đến ngoài quán điện tử, thấy mấy thanh niên Kim Lan vẫn không chịu rời đi, vì sơ bị đánh hội đồng nên Sáng gọi cho tôi và mấy người bạn nữa tới "ứng cứu". Chúng tôi đi từ Văn Giang (Hưng Yên) lao về phía Thủ đô hòng nói chuyện phải trái với đám thanh niên làng Kim Lan.

Chuyện có lẽ đã ổn thỏa nếu như hai cậu bạn lao tới nơi trước, chưa hiểu "đầu cua tai nheo" thế nào đã cất tiếng chửi cả làng Kim Lan rồi xông vào đánh hai người đàn ông vô tình đi qua vì cho rằng họ "nhìn đểu". Thấy thái độ hống hách của mấy khách lạ, anh Bộ (SN 1958, người làng Kim Lan) nhặt mảnh gạch men đường ném đuổi. Xô xát xảy ra đúng lúc tôi tới nơi. Anh Bộ nghĩ tôi cùng "vây cánh" tới đánh anh nên anh đẩy tôi vào tường khiến tôi trầy xước tay chân, đầu gối. Sự giận dữ dâng lên, tôi vơ mảnh gốm nung dưới đất tấn công anh Bộ. Nào ai ngờ, miếng xỉ trộn qua lửa ấy vô tình trở thành công cụ gây án mạng. Anh Bộ chết và tôi phải trả giá bằng 18 năm tù với tội danh Giết người.

Phiên tòa xử phúc thẩm là lần gần nhất, và có lẽ là cuối cùng tôi có cơ hội "đoàn tụ" với tất cả người thân. Sau lưng tôi là bà ngoại, là mẹ, là em gái, là vợ và hai đứa con nhỏ ngơ ngác nhìn bà và mẹ chúng len lén lau nước mắt. Khi chủ tọa tuyên phạt 18 năm, nước mắt tôi cứ lặng lẽ chảy dài cho tới khi về buồng giam. 18 năm là cả một quãng thời gian dài của một kiếp người. Trong 18 năm ấy, sẽ có biết bao đổi thay, biến suy. Bà ngoại tôi già cả, sức khỏe giờ lay lắt như ngọn đèn trước bão chẳng biết có thể chống đỡ nổi sức tàn phá của thời gian và nỗi đau được bao ngày. Mẹ tôi - người phụ nữ cả đời vất vả ấy, giờ gồng gánh sao đặng một gia đình trên vai khi tóc đã bạc màu, chân đã run rẩy và đôi vai đã nặng.

Từ ngày tôi đi trại, bà và mẹ ít thăm nom bởi sức khỏe không cho phép, chủ yếu có em gái và em rể lên thăm. Mỗi lần lên thăm, vợ chồng em động viên tôi rất nhiều và thường tránh nhắc tới chị dâu. Song nỗi nhạy cảm của một người đàn ông tù tội cùng với sự vắng mặt của người vợ kể từ khi tôi vào tù đã tự móc xích với nhau tạo nên đáp án đau lòng. Cô ấy đã bỏ đi. Cô ấy không còn ở ngôi nhà từng là tổ ấm của chúng tôi nữa. Cảnh thiếu vắng hơi ấm và bàn tay vững chãi của người đàn ông kéo cô ấy đi, bỏ lại hai đứa trẻ cho hai người già chăm sóc. Ban đầu, tôi rất giận cô ấy, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, quả thực 18 năm là một chặng đường quá dài, cô ấy còn trẻ, còn cả một bầu trời tương lai ở phía trước. Tôi chỉ mong, thi thoảng cô ấy về thăm hai đứa trẻ cho chúng đỡ tủi thân. Còn duyên phận vợ chồng giữa tôi và cô ấy đã chấm dứt kể từ ngày tôi sa chân vào vòng lao lý.

Khi bước chân tới trại giam Suối Hai cải tạo, tôi nhiều đêm liền không ngủ. Bạn cùng phòng và cán bộ quản giáo dường như biết rõ hoàn cảnh gia đình tôi nên họ động viên, khích lệ tôi rất nhiều. Có anh bạn cùng phòng nói với tôi, một câu tôi nhớ mãi: "Cậu cần phải sống và cải tạo thật tốt để trở về báo hiếu với mẹ và nuôi dạy hai đứa trẻ. Đừng để số phận của chúng thảm thương như cuộc đời của cậu". Hàng trăm, hàng nghìn lần tôi tự nhủ bản thân phải kiên cường đứng dậy, nhưng mỗi khi nghĩ tới bản án 18 năm dằng dặc, đôi dòng nước mắt không thể không tuôn.

Tôi được phân công làm việc ở đội khâu bóng. Công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận từng đường kim mũi chỉ. Mỗi lần khâu bóng, tôi lại nhớ tới hai đứa con thơ dại ở nhà. Bao câu hỏi ngổn ngang trong đầu tôi: nếu áo quần con rách, ai sẽ khâu vá, thêu thùa cho chúng, trong khi bà ngoại và mẹ tôi đều đã già cả, mắt mũi kèm nhèm, bàn tay run rẩy, còn mẹ chúng đã bỏ đi lâu rồi? Nhắc tới gia đình, nỗi lo âu càng thắt chặt con tim và nỗi ân hận vô bờ cảng giằng xé. Mỗi khi ai đó vui miệng nhắc về gia đình, vợ con, tôi chỉ biết âm thầm khóc.

Điều khiến tôi dằn vặt nhất là nỗi xót xa cho hai giọt máu còn quá nhỏ. Lớn lên chỉ có bà và mẹ, hơn ai hết tôi hiểu sự khuyết thiếu tình cảm mà chúng đang phải gánh chịu. Tôi ước ao, con mình sẽ không phải khóc thầm như bố chúng ngày xưa. Nhưng, có lẽ, hi vọng ấy, tôi đã không thực hiện được với con trẻ.

Ghi theo lời kể của phạm nhân Nguyễn Văn Đ. - trại giam Suối Hai