Bi kịch của những đứa trẻ “tuyến sau”

ANTĐ - Sau cái chết tức tưởi của bé Tiểu Như, một đứa trẻ “tuyến sau” điển hình ở vùng quê Hứa Mạo, Hà Nam, Trung Quốc, số phận, tương lai cũng như những bất hạnh mà lớp trẻ này đã, đang và sẽ phải gánh chịu lại được dư luận quan tâm hơn bao giờ hết. 

Cây cỏ tự lớn lên

Đến thôn Giá Hiền, thị trấn Sơn Giang, huyện Phượng Hoàng, Hồ Nam, người ta dễ dàng nhận ngay ra cảnh vắng vẻ tiêu điều. Có tới hơn 1.000 nhân khẩu, nhưng mỗi khi nhà nào trong thôn có việc, muốn tìm thanh niên đến giúp cực kỳ khó khăn. Những người 30-40 tuổi cũng hiếm không kém. Ông Long Cầu Tử, người làm bí thư chi bộ hơn 20 năm ở thôn này cho biết, kể từ đầu năm 2000, những người ở độ tuổi lao động trong thôn đều đã đi “thoát ly”. Thảng hoặc họ mới về nhà vào dịp tết, nếu không, cũng chỉ là mang những đứa trẻ còn đỏ hỏn về gửi cho bố mẹ trông nom, rồi lại đi ngay.

Cũng không ai biết từ bao giờ, số lượng chó trong thôn Giá Hiền tăng vọt. Không có thanh niên ở nhà, để yên tâm đi ngủ mỗi đêm, người ta chỉ biết trông cậy vào… con chó. Nhưng phòng là đề phòng như vậy, chứ thực ra ở cái thôn khuất nẻo này cũng chẳng có mối đe dọa nào tới nỗi phải phòng bị - toàn người già với trẻ con, muốn trộm cắp cũng không tới lượt. 

Những đứa trẻ trong thôn từ bé tới lớn trông hao hao giống nhau: già dặn, buồn buồn, cô độc. 4-5 tuổi chúng đã phải biết chăn trâu, 8-10 tuổi thì xắn tay vào làm ruộng. Bố mẹ đi làm xa hết, chúng ở với ông bà, khoảng cách thế hệ quá xa khiến cho tình yêu thương - nếu có - cũng không thể nào bù đắp lại. Bọn trẻ bị buộc phải tự lớn lên như cây cỏ, thiếu tình thương, thiếu bàn tay chăm sóc, và những lỗ hổng lớn trong tâm lý, nhận thức và cả nhân cách cứ vậy rộng toác mãi ra, không sao có thể lấp đầy.

Giá Hiền chỉ là một trong nhiều thôn “tuyến sau” ở Trung Quốc. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, ngày càng có nhiều thanh niên, lao động nông thôn đổ về các thành phố kiếm sống, khiến “đội quân” những đứa trẻ bị bỏ lại nông thôn vốn đã khổng lồ lại gia tăng nhanh chóng. Theo kết quả một cuộc điều tra mới được tiến hành ở Trung Quốc, hiện ở nước này có tới 58 triệu trẻ em “tuyến sau”, 57,2% trong số đó chỉ “mất” bố hoặc mẹ, còn 42,8% cả bố và mẹ đều đi làm xa. Những đứa trẻ này được gửi lại nông thôn cho ông bà hoặc người thân, thiếu thốn tình cảm mẹ cha, nên dù chúng vẫn lớn lên, nhưng tâm lý, tính cách đều phát triển trong trạng thái mất cân bằng, và tương lai thì càng khó nói. 

Cuộc đời ngắn ngủi

Một số vụ việc xảy ra gần đây đã khiến người ta nhận ra rằng, nguy cơ mà những đứa trẻ “tuyến sau” đang đối mặt không chỉ có vậy. 2 tháng tuổi, cô bé Tiểu Như đã phải xa bố mẹ để về quê ở Hà Nam sống với ông bà nội. Cho tới tháng 8-2012, khi đầy 6 tuổi, Tiểu Như mới được đoàn tụ cùng bố mẹ. Tuy nhiên, cuộc đoàn tụ ấy không được lâu. Ngày 5-10, vì nghi ngờ Tiểu Như nghịch ngợm, làm bẩn nhà, bố cô bé đã đánh đập, phạt cô bé chạy bộ suốt 6 tiếng đồng hồ. Hình phạt dã man đã khiến Tiểu Như vĩnh viễn ra đi trong đêm đó, với vô số vết bầm dập trên người - hậu quả của những trận đòn cũ, mới chồng lên nhau. Người bố, vì sợ tội, thậm chí còn đem xác con vào rừng vứt để phi tang.

Việc những đứa trẻ “tuyến sau” bị bố mẹ đẻ ngược đãi không phải là hiếm. Sau một thời gian dài sống cùng ông bà, chúng thường nghịch ngợm, khó bảo, lười học, sống hết sức bản năng. Trong khi đó, các ông bố bà mẹ, vì không ở gần con nên tình cảm, sự gắn kết thiêng liêng cũng không có, thêm vào đó là cuộc sống khó khăn khiến họ hình thành tính cách thô bạo, dễ cáu giận, và cuối cùng hậu quả trút lên đầu những đứa con vốn đã thiếu thốn tình thương. Để giải quyết tình trạng này, Trung Quốc cũng đang sửa đổi “Luật bảo vệ trẻ vị thành niên”, đồng thời huy động toàn xã hội yêu thương và quan tâm đến những đứa trẻ “tuyến sau”. 

“Bố mẹ đi, con rất đau lòng…”

Ngày 25-2-2008, ngày đầu tiên của học kỳ mới, học sinh trường tiểu học liên hợp Thiên Đài ở thị trấn Phổ Hy, huyện Thái Hồ, An Huy đều được phát sách vở mới. Tan học, cậu bé 12 tuổi Chương Dương Vũ ra về với cặp sách rỗng không. Tất cả sách vở mới nhận, cậu bé để lại trong ngăn bàn.

Tới nhà, Dương Vũ gặp ông nội đang ngồi chơi mạt chược, bèn nói khẽ: “Ông ơi, cháu có thể hôn ông một cái được không?”. Ông nội Dương Vũ thấy vui vì cách biểu lộ tình cảm của đứa cháu nhỏ, mà không ngờ đó lại là lần cuối cùng được gặp cậu bé.

Đêm hôm đó, Dương Vũ treo cổ tự tử trong từ đường. Trong túi quần cậu bé, người ta tìm thấy một bức thư. “Bố mẹ yêu quý, xin hãy tha lỗi cho con, con không thể tiếp tục yêu thương bố mẹ được nữa... Mỗi lần bố mẹ đi, con đều rất đau lòng”. Hôm đó, tròn 10 ngày sau khi bố mẹ Dương Vũ trở lại thành phố làm thuê.