Bi kịch của một đồng tính nữ

ANTĐ - “Ngủ với cô như ngủ với xác chết” - người chồng hét lên, trước khi giáng cho tôi một cái tát lệch mặt. Tôi không đau, chỉ nhếch mép chua xót. Quả thật, tôi chỉ là một cái xác không hồn, không tình yêu, không cảm giác. Tôi chết kể từ khi tôi mặc áo cưới.

Hôn nhân truyền thống tan vỡ khi cả 2 không có sự đồng điệu (Ảnh minh họa)

Giấc mơ đàn ông

Từ nhỏ, tôi chỉ thích đá bóng, chơi cầu, trèo cây, đổ dế với con trai. Quần áo tôi lúc nào cũng xộc xệch, lấm lem. Mẹ tôi suốt ngày kêu trời: “Cái đồ nam không ra nam, nữ chẳng ra nữ rồi ai rước”. Vào cấp 3, mẹ tôi bắt tôi để tóc dài, mặc áo hoa, mặc váy nên tôi cũng ra dáng một thiếu nữ. Tính tôi thẳng thắn, vui vẻ nên bạn trai nhiều hơn bạn gái. Thậm chí, tôi và thằng bạn thân đã chơi trò “người lớn”, hôn hít, sờ soạng. Trong khi thằng bạn tôi rất hứng thú thì tôi như bị “cù vào nách”, phá lên cười. Thằng bạn tôi giận ra mặt, còn tôi thì không hiểu nổi cảm giác của mình. 

Một ngày, có một cô gái chuyển trường đến lớp tôi. Vừa nhìn thấy cô, tim tôi như rơi xuống. Mặt tôi đỏ bừng, chân tay luống cuống khi cô ấy ngồi xuống cạnh tôi. Ngày hôm đó, tôi mụ mị, không dám nhìn cô ấy, thậm chí, chỉ một sợi tóc cô ấy bay tạt qua mặt, tôi cũng thấy khó thở. Tòan thân tôi lúc nóng, lúc lạnh. Tôi trở thành bạn thân của cô ấy, có niềm hạnh phúc lúc nào cũng được nghe cô ấy ríu rít tâm sự, kể chuyện. Đồng thời, tôi phải chống chọi với nỗi ước ao được chạm vào cô ấy, dẫu chỉ là cầm lấy một ngón tay. Tôi lờ mờ hiểu rằng bà mụ đã lỡ đặt tâm hồn người con trai vào thân thể một cô gái như tôi. 

Từ đó, tôi chạy trốn chính mình. Tôi không dám kết bạn với ai, chỉ ru rú ở nhà, co rúm mình trong giấc mơ làm đàn ông. Tôi không thể nói ra với ai, tự dằn vặt, ức chế trong những khát khao. Có những lúc, tôi giam mình trong nhà tắm, kỳ cọ đến nỗi da thịt đỏ ửng, chỉ mong tẩy rửa được thân thể tôi, số phận tôi. 


Khát khao… đám cưới

Trong khi tôi âm thầm vật lộn với nỗi đau khổ của mình thì gia đình tôi cũng liên tục gặp rối ren. Chị gái tôi rất xinh đẹp, hiền thục. Còn em trai tôi cao to, khỏe mạnh. Chúng tôi đều tốt nghiệp đại học, công ăn việc làm ổn định, ngoan ngoãn, hiếu thuận với cha mẹ. Khỏi nói là bố mẹ tôi tự hào với họ hàng, bà con chòm xóm tới mức nào. Hai ông bà là viên chức, nên cuộc sống cũng nề nếp, giản dị, chỉ lấy con cái làm nguồn vui, làm “của để dành”. Từ khi con cái mới bước vào tuổi cập kê, bố mẹ tôi đã không ngừng “dựng chân dung” các chàng rể, nàng dâu “đáng mơ ước” để dạy dỗ chị em chúng tôi. Nhưng khát khao về một đám cưới của bố mẹ ngày càng tắt lịm.

Chị gái tôi 36 tuổi nhưng vì đã trải qua vài lần đau đớn vì tình yêu nên tuyên bố “xanh rờn”, không lấy chồng. Bố mẹ tôi ngày ngày mắng mỏ, ép buộc, đến nỗi chị tôi không chịu nổi, phải dọn ra ngoài ở riêng. Đứa em trai trưởng thành đi làm ăn xa vài năm, bỗng dưng trở về với một đứa con gái 2 tuổi. Nó chỉ thủng thẳng bảo gặp nhau, lỡ có con nhưng không hợp nhau nên không cưới được. Mẹ con bé đã lấy người khác. Trong nhà chỉ còn mỗi mình tôi chịu trận. Bố mẹ tôi suốt ngày rên rỉ về nỗi đi dự đám cưới của con cái đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm còn mình có ba đứa con mà không có đám cưới nào. Ông bà cứ thấy mặt tôi là ca bài “con cái phải biết báo hiếu cha mẹ bằng một đám cưới”. 

Nhắm mắt, gượng lấy chồng

Tôi nhìn bố mẹ mà đau lòng. Hơn nữa, tôi cũng không chấp nhận được chính sự trắc trở của cuộc đời mình. Vì thế, tôi chui ra khỏi vỏ ốc, ăn mặc dịu dàng, trang điểm xinh đẹp, cố giăng lưới để tìm một đám cưới cho mát mặt cha mẹ. Anh chàng đồng nghiệp là mục tiêu gần nhất. Trong cơ quan, tôi luôn coi anh ấy như anh trai mình. Anh ấy cũng theo đuổi tôi đã lâu. Khi tôi ngỏ ý muốn làm đám cưới, anh ấy đã rơm rớm nước mắt vì xúc động. Nhưng chính sự chân thành, yêu thương mà anh ấy dành cho tôi khiến tôi thấy có lỗi. Tôi có thể lừa dối bằng lời nói, nhưng không thể làm ngơ trước cảm giác kinh sợ mỗi khi anh ấy ôm tôi vào lòng. Tôi không muốn lừa dối một người tốt bụng như vậy. 

Cuối cùng, con mồi của tôi là một người đàn ông tôi quen khi đi công tác ở tỉnh. Anh ta nhiệt tình, vui vẻ, xấu trai nhưng có học thức, gia đình khá giả, đúng mẫu “con rể mơ ước” của bố mẹ tôi. Và quan trọng, tôi không có tình cảm. Đám cưới diễn ra rất nhanh sau 2 tháng quen biết. Và tôi chỉ muốn mọi thứ qua thật nhanh, để báo hiếu bố mẹ và sau đó may mắn sẽ có con luôn để có thể quên đi tất cả. 

Khi mặc áo cưới, tim tôi chỉ chực vỡ ra trong nước mắt. Tôi cảm thấy mình bước vào một địa ngục, không lối thoát. Rồi người chồng cũng nhanh chóng nhận ra sự lạnh lẽo, khô cứng đến mức gỗ đá, ghẻ lạnh của tôi. Anh ấy dằn vặt, tra hỏi. Thậm chí, lý do đám cưới thật nhanh của tôi cũng khiến anh ta nghi ngờ là tôi có tật xấu gì đó phải chạy trốn hoặc quá khứ nhơ bẩn. Chửi chán, anh ta lại dằn tôi ra để hành hạ, tìm kiếm cảm xúc của tôi. Tôi chỉ biết âm thầm nuốt nước mắt vào trong, nằm trơ như gỗ đá cho chồng hành hạ. Như một sự tạ tội với anh ấy, cũng lại như sự trừng phạt với chính số phận éo le của mình. Có lẽ tôi đã quá lạnh lẽo, nên sau đám cưới 3 năm, tôi vẫn không có thai. Rồi không thể chịu đựng hơn, chúng tôi chia tay. Hai cuộc đời lỡ dở, đau đớn.

Đây là câu chuyện có thật của một bạn đọc giấu tên đã tâm sự với chúng tôi. Nó cũng là 1 trong số 40 số phận đồng tính nữ do Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế, môi trường ISEE tiến hành phỏng vấn. Đồng tính nữ luôn phải chịu đựng rất nhiều áp lực từ các quan niệm về vai trò làm vợ, làm mẹ, làm con. 4 người trong số họ đang hoặc đã từng lấy chồng để hài lòng cha mẹ hoặc hy vọng mình tìm được cảm giác với đàn ông nhưng đều không hạnh phúc. Chính vì thế, giờ đây họ phải nuốt nước mắt để gắng gượng sống, thậm chí bị người chồng bạo lực, dằn hắt, chỉ vì họ không thể làm một người vợ ấm áp và yêu thương.