Bi kịch của “làng” ma túy

ANTĐ - Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) là một địa danh nổi tiếng, bởi nơi đây, người ta đã tìm thấy chiếc trống đồng mang tên Ngọc Lũ, biểu tượng rực rỡ của nền văn minh Ðại Việt. Nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường, Ngọc Lũ lại được biết đến như một bi kịch làng quê. Mảnh đất này đã nhiều năm nay quằn quại trong cơn bão ma túy, nhiều gia đình tan nát, nhiều người trẻ phải lìa đời, nỗi đau quặn thắt với người ở lại.
Bi kịch của “làng” ma túy  ảnh 1

Lá xanh đã rụng…

Chúng tôi trải qua đoạn đường khá dài để đến được xã Ngọc Lũ. Làng quê thuần nông này vẫn mang cái vẻ ngoài yên ả như bao làng quê khác ở đồng bằng Bắc bộ, thậm chí có phần lặng lẽ hơn bởi thanh niên trai tráng gặp rất ít, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Thế nhưng đằng sau đấy, cơn sóng ngầm mang tên ma túy đang quần thảo Ngọc Lũ. Ngọc Lũ đã được đưa vào danh sách địa bàn trọng điểm ma túy của tỉnh Hà Nam cách đây gần chục năm, sau nhiều cuộc họp với chỉ đạo của các cấp, các ngành nhưng thời điểm chúng tôi quay lại đây, xã vẫn là “địa bàn trọng điểm”. 

Một ngôi nhà mới dựng ven đường làng ở xóm 2, xã Ngọc Lũ, cánh cửa còn chưa kịp thửa khóa, khép hờ. Di ảnh người phụ nữ còn quá trẻ trên ban thờ đập vào mắt khiến khách thăm không khỏi nhói lòng. Đó là chị Trần Thị Thủy, người phụ nữ mới chỉ ngoài ba mươi tuổi nhưng khi chúng tôi đến thì cũng sắp tới ngày giỗ đầu của chị. Trong ngôi nhà dựng vội rộng chưa đầy 30m2, chỉ có một chiếc giường cũ  nơi đây chị đã trút hơi thở cuối cùng khi dọn về nhà mới chưa đầy 3 tiếng đồng hồ. Một chiếc bàn học nhỏ với những cuốn sách, cuốn vở đầy bụi bặm, có lẽ đứa con đang tuổi học hành của chị cũng mới kịp mang sách về đây, rồi lại bỏ đấy từ khi chị ra đi. Căn nhà mà chị cố gắng dựng lên những ngày cuối đời, nay lại chỉ làm nơi hương khói, hai đứa con chia cho nội ngoại hai bên nuôi.

Rời căn nhà đầy ám ảnh ấy, chúng tôi ghé vào nhà bố mẹ đẻ chị Thủy, ông Trần Như Giáp và bà Nguyễn Thị Sớm. Căn nhà cũ kỹ, hai bóng già lọm khọm bên bao tải nhãn khô, ông bà tranh thủ chút sức mọn, bóc long nhãn để kiếm hơn chục nghìn mỗi ngày nuôi cháu. Nỗi đau mà người mẹ khốn khổ ấy cố kìm nén bao lâu lại trực trào: “Con Thủy nó ngoan ngoãn, khỏe làm lắm. Bị bệnh mà nó vẫn đi làm bê tông  suốt, chỉ khi kiệt sức mới nằm, mà nằm có nửa tháng là nó đi”.

Như bao người con gái thôn quê khác, đến tuổi chị Thủy cũng lập gia đình, chồng chị - Nguyễn Văn Hòa cũng là một thanh niên khỏe mạnh, hoạt bát. Rồi kinh tế khó khăn, anh theo bạn bè lên Mộc Châu (Sơn La) làm thợ mộc rồi mắc nghiện. Khi biết chồng nghiện, vốn là người phụ nữ bản lĩnh nên chị đã quyết tâm đưa chồng vào Nam sinh sống để đoạn tuyệt với ma túy. Nhưng đã quá muộn, năm 2009 anh đã ra đi vì căn bệnh HIV. Nỗi đau tưởng đã tận cùng, nhưng sau ngày chồng mất ít lâu, cầm tờ phiếu xét nghiệm máu với kết quả dương tính với HIV thì lúc này cuộc đời đã sập cánh cửa cuối cùng trước mắt chị. Quá buồn chán, chị chẳng còn thiết ăn uống, chữa trị gì mà chỉ gắng gượng chút sức lực cuối cùng đi làm thuê nuôi 2 đứa con, rồi cố gắng dựng một ngôi nhà trên mảnh đất ven đường mà xã cho mượn. Ngày dọn về nhà mới, cũng là ngày cuối cùng chị sống trên cõi đời này.

Tai họa trút xuống gia đình bà lớn quá, cách đây mấy năm, 2 đứa cháu là anh em ruột con chị chồng bà cũng mới mất vì HIV. Vì vậy, dù kinh tế khó khăn nhưng bà cũng phải gọi 3 người con trai về, không dám cho đi làm ăn xa nữa. Nhưng cũng chưa yên, về nhà rồi mà thỉnh thoảng đám bạn xấu nghiện ma túy vẫn đến rủ rê. Nhiều tối, ông bà đã phải cầm dao, đòn gánh nấp ở cổng để canh chừng.

Cách nhà bà Sớm, ông Giáp không xa là nhà chị Nguyễn Thị Bình. Chồng chị là anh Phạm Bá Hùng cũng mất cách đây 4 năm vì căn bệnh HIV. Anh mắc nghiện thuốc phiện từ năm 1990 cũng vì ly hương đi làm ăn tại Mộc Châu, Sơn La. Anh là người rất chăm chỉ, nhưng làm được bao nhiêu của cải thì đốt vào thuốc phiện hết. Đến khi về, tiền của không còn, tài sản trong nhà cũng đội nón ra đi vì những cơn nghiện. Rồi anh phát hiện bị HIV. “Làm xong nhà năm 2007 thì anh ấy ốm nặng rồi chết. Trước khi chết, anh cứ nhìn vợ con mà khóc: “Bao nhiêu của cải tôi vét hết rồi, giờ tôi chết thì mẹ con lấy gì nuôi nhau!” – chị Bình nhớ lại. May mắn vẫn còn mỉm cười với chị vì sau khi anh chết, chị đi xét nghiệm thì kết quả không bị nhiễm HIV. Chị lại gắng gượng nuôi 4 đứa con khôn lớn.

Bi kịch ly hương

Cùng chung hoàn cảnh nghiệt ngã như gia đình bà Sớm, chị Bình, ở Ngọc Lũ còn có khoảng 50 gia đình khác đang phải gánh chịu nỗi đau mất người thân vì ma túy. Vì kinh tế khó khăn và tham vọng làm giàu, nhiều thanh niên đã rời quê hương đi làm ăn xa. Do thiếu hiểu biết lại sống tạm bợ xa nhà nên họ là đối tượng nguy cơ cao và dễ bị cám dỗ vào nghiện ma túy. Sau một thời gian dài tha phương họ đã trở về quê hương, kẻ thì mang theo bản án tử thần lơ lửng trên đầu, kẻ thì rước họa về cho họ hàng, làng xóm khi lôi kéo thêm bạn nghiện.

Ngọc Lũ có 8.000 dân. Theo thông tin lãnh đạo xã cung cấp thì hiện xã có trên 30 đối tượng nghiện và khoảng 40 đối tượng nghi nghiện. Đó chỉ là những đối tượng nghiện túng thiếu gây trộm cắp thì mới nắm được, chứ còn lại những đối tượng nghiện có điều kiện kinh tế khá giả “đủ dùng ma túy” thì không thể nắm được. Hoặc đối tượng là thanh niên đi làm ăn xa mà mắc nghiện thì xã cũng không thống kê được. Đấy là xã cung cấp. Còn khi hỏi chuyện một cụ ở Hội người cao tuổi thì cụ khẳng định: “Nhiều lắm, cũng phải đến 40% nam thanh niên ở xã nghiện ma túy”. Một anh cán bộ văn hóa cũng khẳng định như vậy: “Chỉ riêng năm ngoái, tôi cũng phải đi đám ma 5 - 6 người chết vì HIV”. 

“Chung quy cũng tại cái nghèo” - Trưởng công an xã Trần Ngọc Sơn bảo thế. Ngọc Lũ vốn là xã thuần nông nhưng diện tích đất nông nghiệp trên đầu người rất ít. Trước đây xã cũng có một vài nghề thủ công mỹ nghệ, nhưng từ sau đổi mới thì hầu hết đã bị xóa sổ. Xã có địa thế “cụt”, không có đường liên huyện, liên xã. Kinh tế khó khăn thế nên những năm đầu đổi mới người ta bắt đầu kéo nhau đi làm ăn tứ chiếng, nhiều nhất là Lạng Sơn, Sơn La và các tỉnh biên giới khác. Kinh tế chẳng được bao nhiêu nhưng ma túy, trộm cắp, thói giang hồ cứ nhiễm vào thanh niên trai trẻ. Người ta trả công bằng thuốc phiện, dùng thuốc phiện để giữ lao động, rồi xa nhà, bạn bè rủ rê... Tệ nạn ma túy đã bùng phát ở Ngọc Lũ từ những năm 90 của thế kỷ trước, đã làm không ít gia đình tan nát. Như gia đình Trần Văn Tân và Trần Thị Tân vốn có hoàn cảnh khó khăn, được địa phương cấp cho miếng đất dựng túp lều để ở qua ngày. Rồi vợ chồng kéo nhau lên Mộc Châu làm ăn, chồng nghiện, rồi thế nào vợ cũng nghiện nốt. Hai đứa con còn nhỏ, không biết tương lai chúng sẽ thế nào. Gia đình Trần Văn Pha cũng bi đát không kém. Pha cũng ly hương và cũng bập vào ma túy không lâu sau đó. Người vợ không nghề nghiệp, suốt ngày đi làm thuê không đủ nuôi 2 đứa con đã đành, lại phải “nuôi” ông chồng nghiện ngập. Hay như năm ngoái, một đối tượng sinh sống tại xã đã bị tử hình vì buôn bán ma túy, để lại 2 đứa con bơ vơ...

Khó xóa “điểm đen”

Anh Phạm Bá Định là một nạn nhân của ma túy ở Ngọc Lũ nhưng đã may mắn vượt qua được cái bi kịch ấy. Hơn 10 năm nay anh trở lại cuộc sống của một người bình thường, với một gia đình hạnh phúc mà anh là trụ cột. Anh bảo, ngoài nghị lực của bản thân, quyết dứt khỏi ma túy thì sự yêu thương của gia đình, sự quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự các cụ cao niên trong dòng họ đã nâng đỡ anh rất nhiều…

Tuy nhiên, những người cai nghiện thành công như anh Định ở Ngọc Lũ không nhiều. Ông Trần Ngọc Sơn cho biết các đối tượng cai nghiện thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà thường thì chỉ những người nghiện thuốc phiện mới cai được, một khi đã bập vào heroin thì hầu như không ai cai được. “Dù chỉ tiêu cai nghiện của Ngọc Lũ luôn cao nhất huyện nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu, nhiều người đến xin cai nhưng không có chỉ tiêu đành chịu. Đối tượng cai nghiện về thường chỉ duy trì được mấy tháng, rồi không có công ăn việc làm, bạn bè rủ rê lại nhanh chóng tái nghiện. Có đối tượng cai 2-3 lần mà vẫn nghiện. Có đối tượng thì gia đình lên xin với xã “cho cai càng lâu càng tốt, 4-5 năm cũng được” vì cứ về là lại tái nghiện, gia đình không quản lý được...”. Hơn nữa ở Ngọc Lũ, các đối tượng nghiện lại thường xuyên đi lại làm ăn xa, không ở địa phương nên công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.

Thực thế thì trong những năm qua, Ngọc Lũ đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải thiện tình hình tệ nạn nghiện ma túy trong xã. Các tổ công tác thường xuyên tổ chức họp dân theo thôn đội sản xuất, theo dòng họ để quán triệt, nắm bắt tình hình, tổ chức ký cam kết tới từng hộ dân… Những đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội ma túy và những người mắc nghiện, nghi nghiện đều được người dân phát giác và được mời về trụ sở UBND xã để giáo dục, viết cam kết sẽ cai nghiện. Chính quyền xã Ngọc Lũ cũng đã đẩy mạnh sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tổ chức các hoạt động xã hội lành mạnh để thu hút mọi người, nhất là số người nghiện... Cùng với việc giáo dục, giúp đỡ người cai nghiện là cuộc đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy. Nhiều đường dây buôn bán ma túy phúc tạp đã được công an tỉnh bóc gỡ. Tuy nhiên, dường như sức tàn phá của cơn lốc ma túy ở nông thôn quá lớn, mà những nỗ lực đó là chưa đủ. 

Rời Ngọc Lũ, chúng tôi thực sự thấy buồn. Hơn ở đâu hết, cái thảm cảnh do ma túy gây ra thể hiện mồn một ở cái làng quê vốn chất phác này, cướp đi mạng sống của những người tuổi đời còn rất trẻ. Vì cuộc mưu sinh, họ đã phải đánh đổi quá nhiều, và trong cuộc mưu sinh ấy, họ thật nhỏ bé và thiếu bản lĩnh.