Bi kịch của gia đình cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản

ANTD.VN - Ông Hideaki Kumazawa - cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản (76 tuổi) đã bị bắt cuối tuần trước do tình nghi giết con trai Eiichiro (44 tuổi). Vụ việc đã khiến truyền thông một lần nữa xoáy vào Hikikomori - hiện tượng có một không hai trong xã hội Nhật Bản.

Bi kịch của gia đình cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản ảnh 1Cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản Hideaki Kumazawa bị bắt vì nghi giết con trai mình

Sau khi nhận được tin báo của ông Kumazawa về án mạng tại nhà, cảnh sát Tokyo tới hiện trường và thấy con trai ông nằm bất động trong một căn phòng với nhiều vết thương ở ngực. Nạn nhân sau đó được xác nhận đã tử vong tại bệnh viện. Trình bày với cảnh sát, vị cựu quan chức này đã thừa nhận đã đâm Eiichiro bằng dao làm bếp do ông lo ngại tính mạng của mình bị nguy hiểm trước hành vi bạo lực của con trai. Cảnh sát cho biết, người cha có những vết bầm tím trên cơ thể, nhưng không thấy gia đình tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan chức năng.

Ra tay với con vì sợ gây hại cho người khác

Theo điều tra ban đầu, Eiichiro trở nên bạo lực sau khi gặp rắc rối ở trường trung học, từ đó nhất định không đi học và chỉ tự giam mình trong nhà. Ông Kumazawa nói với cảnh sát rằng, con trai ông có xu hướng sống khép mình trong nhiều năm. Một người đàn ông sống trong khu phố nhận xét: “Gia đình đó chuyển đến đây khoảng 10 năm nay, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy con trai họ cả”. Bên cạnh đó, anh Eiichiro còn thường xuyên có hành vi bạo lực với các thành viên khác trong gia đình. Trước khi sự việc xảy ra, giữa 2 cha con đã có một cuộc tranh cãi căng thẳng chỉ vì ông Kumazawa mắng Eiichiro khi anh này liên tục phàn nàn về tiếng ồn của một trường tiểu học gần đó.

Ông Kumazawa tốt nghiệp Đại học Tokyo, làm việc cho Bộ Nông nghiệp Nhật Bản từ năm 1967 và được bổ nhiệm chức Thứ trưởng giai đoạn 2001-2002. Ông cũng là Đại sứ Nhật Bản tại Cộng hòa Czech từ năm 2005-2008. Cảnh sát cũng dẫn lời ông Kumazawa nói rằng, ông lo ngại con trai mình có thể gây hại cho người khác. Ngay trước đó, Nhật Bản chấn động bởi vụ tấn công hàng loạt bằng dao ở Kawasaki.

Thủ phạm là một người đàn ông 51 tuổi, dùng dao tấn công nhóm học sinh và phụ huynh đang chờ xe buýt, khiến 2 người thiệt mạng và 18 người khác bị thương. Nghi phạm - người cũng hiếm khi rời khỏi ngôi nhà nơi ông ta sống chung với cô và chú ruột - đã tự sát ngay sau vụ việc. Cảnh sát nghi ngờ vụ án ở Kawasaki khiến ông Kumazawa ra tay với con trai khi không thể chịu đựng được sự bạo lực từ anh này.

Hikikomori - định kiến và sự  cảm thông

Thủ phạm dùng dao tấn công hàng loạt ở Kawasaki hay con trai của cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản được người Nhật gọi là Hikikomori (thế hệ lạc lối). Đây là khái niệm chỉ những người tự giam mình trong phòng và từ chối tham gia vào đời sống xã hội trong thời gian từ 6 tháng trở lên. Họ chỉ có một mối liên hệ duy nhất là những người thân trong gia đình. Theo một cuộc khảo sát thực hiện vào tháng 12-2018 và được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố hồi tháng 3-2019, “thế hệ lạc lối” sống ở ẩn trong độ tuổi từ 40-64 của Nhật lên tới khoảng 613.000 người. Bên cạnh đó, 46,7% số Hikikomori từ chối giao tiếp trong ít nhất 7 năm và 34,1% trường hợp cho biết họ được cha mẹ hỗ trợ tài chính.

Một số nhóm hỗ trợ những người Hikikomori đã bày tỏ lo ngại rằng, các sự cố gần đây tạo ra một ấn tượng xấu là những người sống thu mình có xu hướng bạo lực, mặc dù hầu hết không phải như vậy. “Những thông tin về vụ việc ở Kawasaki khiến nhiều người bức xúc. Nhưng cuộc sống của nghi phạm đôi khi được miêu tả hoàn toàn khác với thực tế. Là một phụ huynh, tôi hiểu điều đó là không công bằng. Một số người có thể dễ dàng đưa ra kết luận rằng, các Hikikomori đều nguy hiểm, nhưng đại đa số những người đang đấu tranh với tình thế này không phải như vậy” - bà Yuire Taguchi, người có con trai 44 tuổi là một Hikikomori nói.

Ở một khía cạnh khác, người ta kêu gọi cần quan tâm hơn nữa đến những bậc cha mẹ đã già khi con cái họ rơi vào nhóm Hikikomori. “Không chỉ số lượng người Hikikomori đang tăng lên mà còn bởi mức độ chịu đựng của các bậc cha mẹ lớn hơn nhiều so với người khác. Các bậc cha mẹ phải hy sinh rất nhiều để cho phép con cái của họ không đi làm và sống với 4 bức tường suốt nhiều năm là một điều đặc biệt của xã hội Nhật Bản” - Tom Gill, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Meiji Gakuin (Tokyo) nhận định.