Bị hại xếp hàng khi tòa xử lại vụ lừa đảo nhà đất “ảo”

ANTĐ - Do vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự,  nên dù đã bị kết án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng Lê Hồng Bàng vẫn bị trích xuất tới Tòa án Hà Nội để xét xử sơ thẩm lần thứ hai. Vụ án dự kiến kéo dài trong 3 ngày liên tục vì có tới 287 bị hại tham gia tố tụng.

Bị hại xếp hàng khi tòa xử lại vụ lừa đảo nhà đất “ảo” ảnh 1“Vẽ” ra hàng loạt dự án nhà ở “ma”, Lê Hồng Bàng cùng đồng bọn
đã chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng 

Tài liệu truy tố xác định, Lê Hồng Bàng (SN 1976, trú ở xóm Đồi Cúc, xã Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đứng ra thành lập và làm Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Việt Nam (gọi tắt là Công ty Bất động sản Việt Nam) từ năm 2008. Mặc dù “đẻ” ra doanh nghiệp có tên “rất kêu” này, song công ty của Bàng lại không hề có một đồng vốn nào trong thực tế để hoạt động kinh doanh và ngay cả trụ sở cũng phải đi thuê mướn. Tuy nhiên, đối tượng lại cực kỳ liều lĩnh khi bất chấp pháp luật để ký các hợp đồng liên doanh, liên kết hàng loạt dự án nhà ở, chung cư “ma”, tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). 

Cụ thể, với tư cách là Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt Nam, tháng 12-2008, Lê Hồng Bàng ký hợp đồng liên doanh với Hà Tuấn Linh (hiện bỏ trốn) – Giám đốc Công ty Hoàng Hà để thực hiện dự án nhà ở thấp tầng, chung cư, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại trên lô đất 25.000m2, tại thôn Phúc Lý, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm. Bàng và Linh tự bịa ra cho dự án này cái tên là Khu nhà ở Phương Đông.

Tiếp đến, tháng 5-2009, Bàng ký hợp đồng liên doanh với Công ty Thịnh Cường, do Hoàng Văn Cường làm giám đốc (hiện cũng bỏ trốn) để thực hiện dự án Khu nhà ở 683 với tính năng là nhà ở thấp tầng, chung cư, văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại, trên nền đất 100.000m2. Một tháng sau, Bàng và Cường ký tiếp hợp đồng liên doanh, liên kết thứ hai để triển khai dự án Khu nhà ở Lộc Hà với diện tích mặt bằng 40.000m2. Đầu tháng 7-2009, Bàng “chốt hạ” với Linh thêm một hợp đồng cùng góp công, góp của nữa để xây dựng Khu nhà ở tổng hợp có tên 683b, trên diện tích 200.000m2. Tất cả các dự án này đều nằm ở xã Minh Khai, Từ Liêm. Tương tự như công ty của Bàng, cả 2 công ty của Linh và Cường cũng đều không hề có năng lực tài chính cũng như chức năng xây dựng dự án nhà ở, chung cư kết hợp với tổ hợp văn phòng cho thuê.

Để chiếm đoạt được tiền của bị hại, Bàng liên tiếp ký các hợp đồng với một công ty chuyên về thiết kế tổng mặt bằng xây dựng các khu nhà ở. Theo đó, doanh nghiệp này đã nhanh chóng cung cấp cho Bàng bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng từng dự án với tỷ lệ 1/500; bản đồ phân lô tỷ lệ 1/500 và bản đồ tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan của cả 4 dự án nêu trên. Quá trình thuê doanh nghiệp lập thiết kế các dự án, Bàng còn yêu cầu đối tác phải ghi rõ tên chủ đầu tư dự án là  Công ty Bất động sản Việt Nam, Công ty Hoàng Hà và Công ty Thịnh Cường. Nhằm tăng thêm độ tin tưởng từ khách hàng, Bàng cũng yêu cầu đơn vị lập thiết kế kỹ thuật dự án cũng phải ghi rõ tên trên từng bản đồ. Song song với công đoạn đó, Bàng và đồng bọn cho người đến xã Minh Khai mua lại đất nông nghiệp của chục hộ dân, nằm trong khu vực các dự án do đối tượng “vẽ ra”, rồi đưa máy móc tới san lấp mặt bằng.

Tạo được vẻ bề ngoài như thật đối với dự án nhà ở, chung cư, Bàng chỉ đạo nhân viên ra thông báo bán nhà, đất hình thành trong tương lai dưới hình thức ký hợp đồng góp vốn. Khi khách hàng nườm nượp kéo đến tìm hiểu dự án và tỏ ý muốn mua bất động sản, Bàng còn trực tiếp đứng ra tư vấn và cam kết về mặt pháp lý đối với từng khu nhà ở, chung cư. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 3 đến tháng 7-2009), Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt Nam đã ký 758 hợp đồng nhận vốn góp từ 397 người để thu về hơn 347 tỷ đồng. Vậy nhưng cả 4 dự án mà Bàng cùng đồng bọn “vẽ ra” chỉ là các dự án “ma” vì thời điểm đó không được bất kỳ cơ quan Nhà nước nào phê duyệt. Thậm chí trong thời gian tổ chức san lấp mặt bằng, công ty của Bàng còn nhiều lần bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính do tự ý thay đổi hiện trạng đất nông nghiệp. Khi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị phanh phui, Bàng mới chỉ trả lại được hơn 63 tỷ đồng cho 82 người. Hiện, Bàng cùng đồng bọn vẫn còn chiếm đoạt hơn 283 tỷ đồng của 315 bị hại, trong đó có 287 người tố cáo việc làm bậy bạ và có đơn đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật buộc Bàng phải hoàn trả lại tiền cho họ.