Bi hài vụ "trộm tình" và các tình tiết của vụ án bắt vạ chiếc xe máy

ANTĐ - Sau phiên tòa bị hoãn mới đây, chiều 15-7, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên xử phúc thẩm đối với Kiều Đức Hạnh về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Vụ án sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có chuyện trước khi bị bắt vạ chiếc xe máy, bị hại bỗng dưng xuất hiện tại buồng ngủ của người phụ nữ lúc đêm khuya… 

Lĩnh án vì bắt vạ “kẻ trộm tình”

Chiều 15-7, có mặt tại phiên xử phúc thẩm, ông Tạ Văn P (SN 1963, trú ở huyện Mê Linh) nhất quyết giữ nguyên nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Trong đó, trọng tâm là tăng nặng hình phạt đối với Kiều Đức Hạnh (SN 1975, trú tại thôn Nam Cường, xã Tam Đồng, Mê Linh, Hà Nội) về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và đề nghị Tòa án Hà Nội xem xét kỹ vai trò của chị Nguyễn Thị T (SN 1979, vợ Hạnh) ở vụ án.

 Xét lại bản án sơ thẩm của TAND huyện Mê Linh, HĐXX phúc thẩm nhận thấy, tội danh cũng như hình phạt 18 tháng tù (cho hưởng án treo) của bị cáo Hạnh bắt nguồn từ việc, khoảng 22h ngày 28-1-2015, ông P phóng chiếc xe máy Honda Wave đến nhà chị T ở cùng thôn.

Khi ông P xuất hiện, vợ Hạnh liền dắt chiếc xe máy của người cùng thôn vào tận trong nhà. Trong khi ấy, người đàn ông vừa bước qua tuổi 50 lại đi vòng ra phía mương nước phía sau nhà chị T, rồi trèo qua tường rào vào bên trong. Và rồi tại phòng ngủ của người đàn bà đã có 3 mặt con với chồng, chị T và ông P lập tức quấn chặt lấy nhau.

Bị cáo Kiều Đức Hạnh tại phiên tòa phúc thẩm

Nhưng chỉ ít phút sau thì bị cáo Hạnh bất ngờ hiện hữu với đoạn gậy gỗ lăm lăm trong tay. Bắt quả tang đôi “gian tình”, Hạnh nổi khùng và vụt gậy tới tấp vào đầu, người ông P. Vừa đánh, gã chồng bị “cắm sừng” vừa gào thét: “Mày chiếm đoạt vợ tao, phá hoại hạnh phúc gia đình tao, tao sẽ báo công an và gọi vợ mày đến giải quyết”.

Cũng theo nội dung bản án sơ thẩm, “ăn vụng” bị bắt quả tang nên ông P cuống quýt thanh minh: “Không phải anh đến phá hoại hạnh phúc gia đình chú. Anh biết đến nhà chú là sai… Chú cho anh giải quyết tình cảm”. Cuộc đàm phán giữa anh chồng bị vợ phản bội với “kẻ trộm tình” sau đó được “chốt hạ” bằng việc ông P tự nguyện đền bù bằng chính chiếc xe máy phóng đến tình tự với chị T.

Thế nhưng sự việc vẫn chưa thể kết thúc, bởi đêm ấy, Hạnh khóa trái cửa phòng ngủ, nhốt ông P ngay tại hiện trường. Sáng hôm sau, đối tượng gọi vợ ông P đến nhà thông báo sự việc, rồi mới chịu phóng thích cho “kẻ trộm tình”. Về phần mình, băng bó thương tích xong, ông P liền đến CAX Tam Đồng trình báo vụ việc.

Chỉ những người trong cuộc mới rõ…

Bị thẩm lại hành vi tội phạm tại phiên phúc thẩm, Hạnh trình bày, hôm xảy ra vụ án, anh ta đi Hà Nội có việc. Khoảng gần 23h về đến nhà, bị cáo thấy cổng và phòng khách phía ngoài tối om om và khóa trái chặt bên trong. Nhưng lạ là ở phòng ngủ phía bên trong của vợ chồng Hạnh vẫn sáng đèn.

Nhẹ nhàng đến gần nghe ngóng, Hạnh thấy có tiếng cãi cọ nhau văng vẳng từ trong phòng ngủ hắt ra và hơn thế bị cáo còn nghe rõ đó là tiếng của người đàn ông lạ. Nghi ngờ có kẻ “ăn vụng”, Hạnh lặng lẽ đi vòng ra phía sau và trèo qua tường để vào nhà.

Ông Tạ văn P (bên phải) cùng người vợ tại phòng xử án

Chạm chân xuống đất cũng là lúc anh ta đụng phải đoạn gậy của cây bạch đàn nên nhặt luôn làm hung khí. Với bộ dạng của một người bị “cắm sừng”, bị cáo khai báo tiếp, tung cửa phòng ngủ bước vào, Hạnh tận mắt thấy cảnh tượng hãi hùng. Vì rằng khi ấy, từ phía sau anh ta nhìn rõ một người đàn ông mình trần đang ngồi đè lên cơ thể vợ anh ta.

“Quá sốc và không thể giữ được bình tĩnh, vì thế bị cáo đã vụt luôn cho kẻ đang làm bậy bạ mấy phát gậy. Và chỉ khi ấy, bị cáo mới phát hiện ra người làm chuyện đồi bại là anh P” – Hạnh quả quyết. Từ đó, hai bên mới dẫn tới cuộc thương lượng, trao đổi có một không hai như bản án sơ thẩm xác định.

Hòng chứng minh cho hành cưỡng đoạt tài sản của mình chỉ là do “hoàn cảnh đưa đẩy”, bị cáo phân trần, khi ấy anh ta không hề bắt ép gì anh P. Việc người đàn ông cùng thôn “đền bù” danh dự cho bị cáo bằng chiếc xe máy là hoàn toàn tự nguyện.

Bị HĐXX “quay” hỏi về số tiền 800.000 đồng trong ví bị hại bị mất và cả một tờ giấy anh P bị ép phải viết nhận nợ vợ chồng Hạnh 100 triệu đồng, từ đầu đến cuối bị cáo đều ra sức phủ nhận. Tương tự, đối với chiếc điện thoại của bị hại bị ai đó xóa sạch danh bạ, nhật ký cuộc gọi và cả tin nhắn trong máy, người đàn ông bị “cắm sừng” cũng một mực nói “không biết”.    

Và "người vợ hiền" của bị cáo Kiều Đức Hạnh cũng đến tòa với 2 tư cách khác nhau

Ở phía bên kia, tận tai nghe rõ từng lời khai của bị cáo trước tòa, ông P đứng phắt dậy tỏ thái độ bức xúc khi tòa án yêu cầu trả lời các câu hỏi. Bởi theo người đàn ông bị cáo buộc có “gian tình” với vợ người khác, vợ chồng Hạnh đã sớm có mưu mô dàn dựng một cuộc “bẫy tình” từ trước.

Cụ thể, ông P kể lể, tối ấy ông đang hát karaoke ở một đám cưới trong làng thì nhận được tin nhắn của chị T bảo đến nhà nhờ tí việc. Chừng 15 phút sau, vợ Hạnh còn không ngần ngại gọi điện nài nỉ bị hại đến nhà luôn. “Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ sắp đến ngày vợ chồng Hạnh trả nợ nên có lẽ cô T bảo tôi đến để trả tiền” – ông P bày tỏ.

Với khẩu khí của người phải giãi bày nỗi oan tình, ông P trình bày tiếp, sau khi chị T dắt xe máy vào nhà, ông được vợ Hạnh chỉ dẫn đi vào buồng ngủ. Thế rồi, không biết từ lúc nào, chị T đã phanh áo ra và “vít đầu” ông xuống để thể hiện tình cảm. Và chỉ khoảng 2 phút sau thì Hạnh đột ngột xuất hiện đánh ông tới tấp.

Nói về tài sản bị cưỡng đoạt, ông P quả quyết, ngoài chiếc xe máy ra, ông còn bị vợ chồng Hạnh ép phải viết giấy nhận nợ 100 triệu đồng. Lý giải vì sao lại phải viết như thế với tòa, bị hại trình bày, khi ấy Hạnh tay dao, tay gậy dọa chặt chân nên để bảo toàn tính mạng ông P buộc phải làm theo yêu cầu của bị cáo.

Theo người đàn ông này, Hạnh còn đọc từng chữ, từng câu và bắt ông phải viết đúng như lời bị cáo. “Khi đó, chính cô T là người lấy giấy bút cho chồng” – ông P chỉ rõ. Tuy nhiên quá trình điều tra, ngoài tố cáo của bị hại ra không có thêm chứng cứ nào khác, vì thế cơ quan tố tụng không có căn cứ để giải quyết món tiền đó.

Hòng làm rõ “bẫy tình” mà vợ chồng Hạnh giăng sẵn để “xù” nợ, không chỉ có ông P mà cả người vợ của bị hại cũng đều khẳng định, trước ngày xảy ra vụ án không lâu, vợ chồng chị T từng nhiều lần vay tiền của gia đình bị hại. Lần đầu là 7 triệu đồng để mua máy ép nước mía, lần khác là 54 triệu đồng và lần thứ ba là hơn 1 cây vàng.

Vậy nhưng khi vị nữ thẩm phán trong HĐXX căn vặn: “Giả sử vợ chồng bị cáo có ý đồ cài bẫy đi chăng nữa nhưng nếu ông là người đàng hoàng thì sự thể đâu đến nỗi như ngày hôm nay”, ông P liền “đánh trống lảng”. Muốn bị hại phải tâm phục, nữ thẩm phán này đã công bố một số lời khai của ông P ở giai đoạn điều tra.

Theo đó, tại một số bút lục thể hiện, người đàn ông ngũ tuần này đã có những hành động không bình thường, ngay sau chị chị T “mở lối”. Bởi tối hôm xảy ra câu chuyện ly kỳ này, ông P đã chấp nhận sự chèo kéo của chị T nhân lúc anh chồng đi vắng. Thậm chí, ông P không đi vào nhà Hạnh bằng cửa chính mà lại trèo qua tường rào phía sau, sau khi chị T dắt xe máy vào nhà và khóa toàn bộ các cửa phía trước.

Có mặt tại phiên tòa vừa với tư cách là nhân chứng, lại vừa mang tư cách người liên quan, vợ Hạnh cũng đưa ra nhiều lời khai ủng hộ chồng. Thế nhưng trong chuỗi những lời trình bày ấy, chị T đã để “hở” một số chi tiết phi thực tế. Trong đó đáng chú ý nhất là lời khai vợ Hạnh cho rằng ông P đã gửi xe máy để đi hóng mát, rồi mới đột nhập vào nhà tấn công người phụ nữ 3 con.

Bị HĐXX truy vấn về lời khai trên vì thời điểm vụ án xảy ra đang là mùa đông rét mướt, chị T buộc phải chống chế: “Đó là tôi tự suy nghĩ thế”. Kết lại phần thẩm vấn, nữ thẩm phán ngồi bàn xét xử buộc phải giáo huấn: “Chị T và ông P có quan hệ tình cảm với nhau không và có hay không việc cài bẫy thì chỉ những người trong cuộc mới rõ”.

Dứt lời, nữ thẩm phán nói tiếp: “Đứng ở góc độ đạo đức và pháp luật thì việc bị hại vào phòng ngủ của chị T lúc đêm khuya là rất không bình thường, còn hành vi của bị cáo Hạnh đã cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản. Chính vì thế mà bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa ngày hôm nay”.

Sau cùng, xét thấy các nội dung kháng cáo của ông P là không có căn cứ để chấp thuận nên khép lại vụ án gây râm ran cả một vùng quê ngoại thành Hà Nội, HĐXX phúc thẩm đã quyết định giữ nguyên các quyết định tại bản án sơ thẩm của TAND huyện Mê Linh. Theo đó, Kiều Đức Hạnh vẫn chỉ phải chấp hành 18 tháng tù (hưởng án treo) về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.