Bi hài nghề khóc thuê

ANTĐ - Mặc bộ đồ màu trắng và búi tóc cao, Jin Guihua (một người chuyên khóc thuê ở Thành Đô, Tứ Xuyên, trung quốc) trông giống nữ diễn viên bước ra từ một vở nhạc kịch truyền thống của Trung Quốc. Ngay khi người chủ trì tang lễ thông báo bắt đầu, Jin quỳ xuống trước di ảnh người quá cố. Tiếng nhạc nổi lên, Jin vừa đọc các đoạn thơ vừa gào khóc thảm thiết. Tiếng khóc não nùng tê tái của Jin khiến nhiều người đến viếng đám tang cũng không kìm được nước mắt.

Bi hài nghề khóc thuê  ảnh 1

Bi ai, thống thiết nhưng sôi nổi như hội…

Jin bắt đầu làm nghề khóc thuê cách đây 19 năm, sau khi cha của bà qua đời. Theo phong tục địa phương, gia đình bà đã chi một khoản tiền lớn cho các dịch vụ khóc thuê và tổ chức đám tang. Những tiếng khóc mướn bi thương, giàu cảm xúc ấy luôn văng vẳng bên tai người đàn bà vốn đa sầu đa cảm như bà Jin.

Rồi bà tự đặt câu hỏi: tại sao mình không mở một công ty tổ chức dịch vụ tang lễ? Cả Jin và chồng đều có khiếu ca hát và chơi được một vài nhạc cụ. Hai vợ chồng nghĩ rằng nếu lập một ban nhạc, họ có thể kiếm đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt. Sau đám tang của cha, vợ chồng Jin cùng một số bạn bè biết hát và múa đã thành lập nhóm nhạc Furious Wave Band, bắt đầu cung cấp phục vụ cho các lễ tang và đám cưới.

Lần đầu tiên Jin khóc thuê chuyên nghiệp là năm 23 tuổi. Bà thú nhận lần đầu đứng trước di ảnh của người quá cố bà đã cảm thấy rất căng thẳng và sợ hãi. “Khi đó tôi còn trẻ. Tôi sợ chết chóc và cả bóng tối”, Jin kể lại. Nhưng vì biết rằng đây là công việc để kiếm sống, bà lấy lại bình tĩnh và khóc lớn.

Để đảm bảo cho đám tang diễn ra trong không khí “giàn giụa nước mắt”, Jin luôn chuẩn bị đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng cùng các thành viên khác trong đội. Trong đám tang cụ Zang, Jin và đội kèn trống của mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Linh cữu của cụ Zang (qua đời ở tuổi 80) được đặt gần bàn thờ nghi ngút khói hương. Bên cạnh là một giỏ hoa quả cúng cho người đã khuất.

Rất nhanh chóng, Jin đặt vài câu hỏi với người nhà cụ Zang để nắm thêm những thông tin cần thiết về cuộc đời cụ. Để mọi việc diễn ra suôn sẻ, người nhà cụ Zang thết đãi bà Jin và ban nhạc một bữa tối khá thịnh soạn với bia Tứ Xuyên. Sau đó, Jin vận bộ đồ trắng - tang phục truyền thống của người Trung Quốc và khóc.

Sau những phút khóc than, Jin vung chân múa tay, rồi bò trên nền vài lần trước khi bắt tay những thành viên trong gia đình cụ Zang. Nhưng mọi thủ tục khóc mướn chưa dừng ở đó. Sau vài giây bồi hồi, an ủi người nhà cụ Zang. Jin và đội đàn ca của mình bỗng tấu lên những bài hát sôi nổi, với tiết tấu rộn ràng, thời thượng. Không khí bi thương trở nên tưng bừng như một đêm hội. Bỗng từ đâu xuất hiện một vũ nữ múa bụng, theo sau là một phụ nữ mặc áo ngực da báo, quần da đen bó sát nóng bỏng và tất lưới gợi cảm, uốn éo theo điệu nhạc techno.

Khóc cũng phải có nghệ thuật

Jin nói bà không đặt ra mức giá cố định cho dịch vụ khóc thuê. Mức thù lao cho mỗi lần khóc tại đám tang dao động từ 100-1.000 nhân dân tệ (15,6-156 USD). Khách hàng chủ yếu là người sống ở vùng nông thôn hay ngoại ô. “Người thành phố hiếm khi tìm đến tôi vì họ không chú trọng những thủ tục này”, Jin chia sẻ. “Khó khăn và cực nhọc” là những gì Jin miêu tả về nghề nghiệp của mình.

Theo bà, điều quan trọng nhất trong khi làm nghề là điều tiết cảm xúc của mọi người, giúp họ giải tỏa nỗi đau và phiền muộn bằng cách khóc thật to, khóc theo đúng điệu, khai thác đúng tâm trạng, hoàn cảnh, tình cảm, mối quan hệ giữa người sống với người đã khuất...

Đối với hoàn cảnh nào, khách viếng là ai thì mới đưa khóc “khô” (không có nước mắt) hay khóc “ướt” (nước mắt đầm đìa) ra áp dụng. Bà Jin cho biết, bí quyết độc đáo nhất của nghề chính là khóc “ướt”, nước mắt khi trào ra phải tự nhiên, chân thật và nhiều cảm xúc nhất, tuyệt đối không được rặn hay xoa dầu cho cay để nước mắt tuôn ra và mỗi khi tuôn lệ cũng phải khớp với các bài khóc đã được ấn định.

“Muốn làm tốt nghề này, phải dốc hết tâm can mà khóc, mà than, sao cho đủ cả nỗi đau của cả một gia đình người quá cố. Phải thực sự kiểm soát được cảm xúc của mình”, Jin nói.

Theo Hiệp hội Văn hóa Tang lễ Trung Quốc, tục lệ mướn kẻ khóc thuê, hay còn gọi là “kusangren” là tục lệ truyền thống tại nhiều vùng miền. Con cháu cần phải thể hiện nỗi thống thiết trong đám tang sao cho ồn ào nhất, kèm theo chút nước mắt khóc thương trước khi tiến hành nghi lễ chôn cất.

Tục lệ đó không phải là sự xúc phạm, bất kính với người quá cố. Phút lìa xa người thân là khoảnh khắc vô cùng quan trọng. Vì thế nó phải được diễn ra rộn ràng, vui nhộn, nếu không con cái họ sẽ bị dân làng chê trách là không tôn trọng người đã khuất... Do vậy, nghề khóc thuê vẫn được chuộng dùng để đảm bảo cho không khí đám tang trở nên ồn ào mà vẫn bi thương.