Bi hài cô gái bịa chuyện bị cướp đòi cắt cổ để được chồng yêu

ANTĐ - Hàng chục công an cuối cùng đã ngao ngán lắc đầu khi “bóc mẽ” được sự thật phía sau lời khai “cướp vác dao” của bà mẹ trẻ thiển cận.

“Băng cướp có dao” hung hãn

19h ngày 2/11, anh Lý Văn D (SN 1983, chồng của chị V) khi đang đi ăn cưới tại nhà một người bác ruột cùng làng thì nhận được cuộc điện thoại của vợ với nội dung “sét đánh ngang tai”: “Anh ơi về ngay đi, nhà mình bị cướp’. Vừa lo cho người vợ, vừa lo cho đứa con mới sinh, người chồng cuống cuồng sợ hãi đến mức không chạy được cả xe máy, phải nhờ người họ hàng đèo về.

Trong ngôi nhà xập xệ, cô vợ 20 tuổi đang ôm ghì đứa con nhỏ 5 tháng tuổi vào lòng, vẻ mặt lộ vẻ kinh hoàng dù hai mẹ con vẫn bình an vô sự. Chị vợ bắt đầu nước mắt ngắn dài kể về vụ cướp cho chồng nghe: “Em ở nhà đang bế con thì có hai thanh niên đi xe máy đến để xe dưới cổng rồi chúng cùng đi lên nhà. Chúng tiến đến bất ngờ kề dao vào cổ con mình, định bắt cóc con hoặc cắt cổ con. Em sợ quá nên phải cầu xin chúng và mang hai chỉ vàng cùng 10 triệu đồng đưa cho chúng, van xin mãi chúng mới nhận. Chúng lấy được tiền thì lên xe máy bỏ đi”.

Nghe người vợ kể lại mà anh chồng sợ hãi toát hết cả mồ hôi hột, nhưng sự việc đã rồi nên anh trấn an vợ: “Thôi việc đã xảy ra, tiền mất thì đành chịu chịu, coi như “của đi thay người”. Em và con không sao là tốt rồi”. Thông tin lan ra cả làng, người thân của nạn nhân hớt hải chạy đến xúm đông xúm đỏ nhưng ai cũng thở phào nhẹ nhõm khi thấy hai mẹ con không hề hấn gì.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lạ một điều là dù bị cướp táo tợn, bị đe dọa tính mạng như thế nhưng bà mẹ không muốn báo chính quyền, can ngăn mọi người: “Thôi chuyện đã qua rồi, rầy rà làm gì”. Phải 4 tiếng đồng hồ sau đó, khi nhận được thông tin từ quần chúng nhân dân, cơ quan chức năng mới biết sự việc và cử cử người xuống bảo vệ hiện trường, đồng thời báo cáo lên cơ quan công an huyện. Một tổ công tác đặc biệt được điều ngay xuống nơi xảy ra vụ án để thu thập thông tin và chứng cứ phá án.

Ở một vùng quê quanh năm yên ổn thì đây là một việc động trời. Sự việc xảy ra làm cả nhà nạn nhân vô cùng hoảng hốt, lo lắng. Cả đêm hôm đó chẳng ai ngủ được; ngày hôm sau cũng không ai còn bụng dạ nào mà cỗ bàn trong đám cưới người trong họ nữa, bà nội cháu bé chỉ ở nhà ôm lấy cháu vì lo sợ “bọn cướp quay lại lần nữa thì khổ”.

Cô gái trẻ lừa hàng chục công an

Qua lời khai của nạn nhân, công an nhận thấy đây là một vụ cướp nghiêm trọng, kẻ cướp rất manh động khi dám liều lĩnh xông vào nhà để cướp nên các điều tra viên bất kể đêm tối vẫn đi thu thập thông tin liên quan đến vụ án. Theo miêu tả của nạn nhân thì hai thanh niên này đi xe máy đến cổng, dựng xe trước đó rồi đi vào nhà. Cả hai đều đội mũ bảo hiểm che kín nửa mặt, một tên mặc quần bò cùng áo phông trắng không cổ, tên còn lại cũng mặc quần bò nhưng áo sơ mi kẻ. Từ những đặc điểm này, công an thông báo đến các nơi đề nghị phối hợp truy tìm nhưng chẳng thu được kết quả gì. Không một ai nhìn thấy những thanh niên giống với đặc điểm trên vào trước và sau thời điểm xảy ra vụ án.

Trong quá trình điều tra, có một chi tiết khiến tổ điều tra “mừng như bắt được vàng” cứ ngỡ đã tìm ra nghi phạm. Đó là lúc khoảng gần 7 giờ tối ngày xảy ra vụ án, có một người thanh niên là họ hàng của nạn nhân đang trên đường đi chơi thì “có nối buồn” nên tạt qua nhà để đi vệ sinh nhờ. Lúc đó có mỗi hai mẹ con chủ nhà ở nhà nên anh chỉ “giải quyết” xong rồi đi luôn mà không vào nhà chơi. Sau đó, người này đến đám cưới, gặp chồng nạn nhân thì có kể chuyện: “Em vừa ghé qua nhà anh đi vệ sinh nhờ”.

Công an cũng xác định thanh niên này sau đó có gặp gỡ hai thanh niên khác cùng làng. Nhận thấy những đối tượng này có nghi vấn, 3 người này được triệu tập lên cơ quan điều tra để lấy lời khai. Trong điện thoại của 3 thanh niên lại có các tin nhắn cho nhau với nội dung: “Biết đâu công an sẽ hỏi mày đấy”. Vậy là những đối tượng này bỗng dưng trở thành nghi can số một của vụ án. Nhưng khi lấy lời khai thì tất cả đều chứng minh được mình có chứng cứ ngoại phạm, những tin nhắn kia đều chỉ là những tin nhắn trêu đùa nhau. Vụ án lại đi vào bế tắc.

Quay trở lại hiện trường vụ án, lắp ráp các chi tiết trong lời khai của nạn nhân, các điều tra viên nhận thấy một số vấn đề không hợp lo – gic. Vì sao chỉ có một vài con đường nhỏ dẫn vào làng và lúc đó trên đường vẫn có người đi lại nhưng không một ai nhìn thấy hai thanh niên có đặc điểm giống như nạn nhân miêu tả? Tại sao bọn cướp không chọn nhà giàu có trong làng mà lại chọn căn nhà này làm nơi gây án khi nhìn bề ngoài, nhà khá lụp xụp và chưa từng là gia đình thuộc dạng có “của ăn của để”?. Trong một gia đình kinh tế eo hẹp như gia đình này, liệu có khoản tiền mặt 10 triệu cùng hai chỉ vàng trong nhà hay không?.

Với những điều bất thường đó, nhận thấy đây rất có thể là một vụ án bịa đặt nên công an tập trung hướng điều tra vào chính nạn nhân của vụ cướp. Nghe các điều tra viên chứng minh, thuyết phục, người phụ nữ này đã thú nhận sự thật về “vụ cướp”.

Người vợ thừa nhận vụ cướp là không có thật và những lời khai của mình là bịa chuyện. Lý do mà chị đưa ra làm cho các điều tra viên vừa giận vừa buồn cười: “Hàng tháng trời nay chồng em hay uống rượu chè, đã bỏ mặc em cùng với con nhỏ mà không ngó ngàng động chạm gì đến cả. Bực mình nên em nghĩ cách làm cho chồng thay đổi và phải chú ý tới mình hơn. Mới đầu em cũng chỉ muốn dọa cho anh chồng sợ mà quan tâm, nhưng không ngờ sự việc lại đi quá xa như vậy”.

Cách níu kéo chồng dại dột

Người vợ bịa chuyện cho biết, trước đây chị và chồng quen nhau khi cùng làm thuê cho một cơ sở sản xuất sữa đậu ở Bắc Ninh, yêu nhau chừng nửa năm thì tổ chức đám cưới và sinh được một bé trai kháu khỉnh. Thời gian đầu, cuộc sống của vợ chồng tuy còn khó khăn nhưng khá hòa thuận trong căn nhà nhỏ cùng với mẹ chồng. Có lẽ sẽ không có sự việc gì xảy ra nếu như gần đây, anh chồng không thường xuyên uống rượu và không ngó ngàng đến vợ sau khi chị sinh nở.

Các điều tra viên công an tỉnh Bắc Giang sau nhiều lần cân nhắc đã quyết định không xử lý gì với cô gái. Việc bịa đặt có đã vi phạm hành chính, thậm chí còn có dấu hiệu của vi phạm hình sự; nhưng nhận thấy người vợ còn trẻ người non dạ, học vấn thấp, hơn nữa cũng chỉ vì động cơ muốn chồng yêu thương nên chị mới có hành động bột phát như vậy, lại đã thành khẩn nhận lỗi và hoàn cảnh có nhiều khó khăn. Các điều tra viên cũng chỉ nhắc nhở và khuyên răn cô gái, không quên dặn anh chồng là “về không được đánh vợ nhé”. “Dù sao, cô ấy cũng vừa đáng giận, mà lại đáng thương”, một điều tra viên tham gia phá án bình luận.

Cơ quan điều tra thì thông cảm nhưng người chồng thì không. Người chồng thẳng thừng tuyên bố: “Có gì mày chịu. Nếu đi tù mày cũng chịu”. Bực mình vì vợ nói dối làm anh mất mặt, sợ điều tiếng của xóm làng và xấu hổ với họ hàng nên chỉ vài ngày sau, người chồng đưa vợ “trả về nhà ông bà ngoại nhờ bảo ban hộ vợ mình”. Đứa con tuy chưa cai sữa nhưng anh chồng cũng không cho theo mẹ vì sợ “để con theo mẹ sợ hỏng cả con vì cái tật nói dối của mẹ”.

Vậy là mục đích của người vợ khi bịa chuyện cuối cùng đã gây ra tác dụng ngược, đã chẳng gây sự chú ý của chồng với mình mà còn bị ghét bỏ hơn. Làng trên xóm dưới trước cơn giận “lôi đình” đã khuyên can anh chồng tha thứ nhưng xem ra anh chồng vẫn chưa nguôi cơn giận. Sự việc xảy ra vừa làm mọi người buồn cười, cũng vừa trách người vợ trẻ thiếu suy nghĩ, lại có người trách cũng có một phần lỗi của anh chồng đã thiếu quan tâm đến vợ con.