Bi hài chuyện viết tắt

ANTĐ - Trong một cuộc họp tổng kết của một doanh nghiệp, khi giới thiệu 1 đại diện của Công ty Cung ứng tư vấn thông tin lên phát biểu ý kiến, người dẫn chương trình dõng dạc “mời ông N.V.Q - Giám đốc Công ty “Cút vê tê tê” khiến những người có mặt được phen cười vỡ bụng. Nguyên nhân là do trong tờ giấy dẫn chương trình được đánh máy sẵn chỉ ghi tắt tên công ty.


Loạn viết tắt

Trên đây chỉ là một trong vô số những câu chuyện bi hài do viết tắt. Đáng buồn là trong khi soạn thảo văn bản, trong sinh hoạt hàng ngày, thậm chí trên các phương tiện thông tin đại chúng, tình trạng viết tắt diễn ra rất phổ biến.

Trong thực tế, có không ít từ viết tắt nhưng người ta có thể suy diễn theo nhiều nghĩa khác nhau như NT có thể hiểu là nhà thơ, nhạc trưởng. Còn NS có thể là nhạc sỹ, nghệ sỹ hay nhân sự, CN là cử nhân, công nhân hay công nghệ , QC có thể hiểu là quảng cáo hay quần chúng, TS có thể là tiến sĩ, thí sinh, toà soạn, tập sự.

Chị Nguyễn Thanh Phương ở khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân chia sẻ: “Không ít lần khi đọc báo, xem sách hay xem truyền hình gia đình tôi đã xảy ra tranh luận về những từ viết tắt ở trong đó và ai cũng cho mình là đúng. Ngay hôm trước khi xem một chương trình ca nhạc trên tivi, cô con gái 8 tuổi của tôi cứ hỏi đi hỏi lại “N sứt là gì”. Tôi giải thích cho con đó là viết tắt của cụm từ “nghệ sỹ ưu tú”. Còn cậu con trai học lớp 5 khi nhìn thấy những từ VHVL  (vừa học vừa làm) lại dịch thành vừa hát vừa… lộn”.

Viết tắt là cách viết giản lược, bỏ bớt một số chữ sao cho từ ngữ đó ngắn gọn hơn. Trong cuộc sống, viết, nói tắt là một nhu cầu bình thường với mọi ngôn ngữ nhằm đơn giản hoá và tiết kiệm ngôn từ. Xu hướng này ngày càng phổ biến trong ngôn ngữ chat và nhắn tin của giới trẻ. Thậm chí tên các nhân vật lịch sử, các lãnh tụ của Đảng và Nhà nước như PBC (Phan Bội Châu), HBT (Hai Bà Trưng), NCT (Nguyễn Chí Thanh) cũng được viết tắt… cho ngắn ?! Những tin  nhắn kiểu như “wá bùn, bjt l j bi h” (quá buồn, biết làm gì bây giờ), hay “Đang l` gì đ’.  I hate cs ntn” (đang làm gì đấy ? Mình ghét cuộc sống như thế này)… xuất hiện ngày càng nhiều khiến người đọc phải vắt óc suy luận được nội dung của nó. “Tôi không phản đối chuyện viết tắt, nhưng nếu viết tắt nhiều quá rất dễ gây hiểu lầm, đặc biệt là với những từ nhạy cảm. Trong một số hoàn cảnh, viết tắt có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người. Chẳng hạn khi kê đơn thuốc, bác sỹ chỉ cần viết ẩu viết tắt có thể khiến người bệnh dùng sai thuốc hoặc sai liều lượng. Do đó, về lâu dài các cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể về vấn đề này”… Nguyễn Đình Tùng - sinh viên ĐH Hà Nội bày tỏ quan điểm.

Vô vàn lý do

Ở các nước phương Tây, một số từ thông dụng như Pr., Prof. (giáo sư), Dr (tiến sĩ), G9 (chúc ngủ ngon), min (phút), gonna (going - đi)… cũng được viết tắt. Tuy vậy, trong các văn phong trang trọng hay nói về những nhân vật tôn kính, thì việc viết tắt được coi là khiếm nhã.

Theo bà Nguyễn Thanh Hồng - giảng viên ngôn ngữ học, khi viết tắt cần chú ý là phải viết hợp lý, không gây cản trở trong giao tiếp khiến người đọc hiểu sai, khó suy luận và phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của từng địa phương, dân tộc, môi trường sống.

Cũng theo bà Nguyễn Thanh Hồng, cho dù với lý do nào đi nữa, sự trong sáng của tiếng Việt biểu hiện ở chỗ từng câu chữ phải đúng ngữ pháp, chính tả và rõ nghĩa. Nếu viết tắt để tiết kiệm thời gian và tạo phong cách riêng thì cũng rất có thể bạn sẽ mất thời gian “dịch” lại, hoặc khiến cho người đọc hiểu lầm. Bởi không phải ai cũng hiểu được quy ước của từng cá nhân và không phải ai nào cũng đọc hết được các từ viết tắt. Không ít bạn cẩu thả trong viết lách sẽ trở thành thói quen xấu dần trở thành “tật” rất khó sửa.

Sẽ không mất thời gian để viết rõ một vài từ, nhưng bạn sẽ tốn thời gian gấp nhiều lần để giải thích lại về những từ bạn đã viết tắt. Nếu bạn truyền đi một thông tin mà thông tin đó không ai hiểu được thì việc làm của bạn sẽ trở thành vô ích. Cuộc sống càng hiện đại, càng tiện nghi, các giá trị truyền thống, cũng như sự bảo tồn và nâng niu các giá trị đó, cần được gìn giữ và phát huy. Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, mỗi cá nhân hãy tôn trọng cấu trúc ngữ pháp, nên viết đúng và đủ từ, không nên lạm dụng viết tắt…