Bi hài chuyện nhà thơ đi bán thơ

ANTD.VN - Sinh thời, thi sỹ Tản Đà đã viết: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”, câu thơ như một lời than nhưng cũng như một sự “tổng kết” hài hước và đau lòng. Thời nay, khi sáng tác thì nhà thơ là thi nhân, còn khi bán thơ liệu họ có thể trở thành “doanh nhân”?

Bán thơ đề trên... váy vợ

Nhà thơ Nguyễn Duy được nhiều thế hệ học sinh nhớ và thuộc lòng bài “Tre Việt Nam” trong sách giáo khoa tiểu học, lên cấp 2 lại học “Đò Lèn”, “Ánh trăng”... Suốt 30 năm làm thơ, ông đã xuất bản 20 tập thơ nhưng vẫn phải ngày ngày còng lưng viết báo để “nuôi chữ”. Đến năm 1995, Nguyễn Duy đi khám bệnh và phát hiện mình bị bệnh đường huyết, lo sợ lỡ mình có mệnh hệ gì mà vợ con chưa có được ngôi nhà tử tế, ông quyết tâm xây nhà. 

Quá trình xây dựng phát sinh thêm nhiều thứ, lúc khánh thành nhà thì ông nợ đến 200 triệu đồng. Đang đau đầu nghĩ cách kiếm tiền trả nợ, ngồi nhìn đống đồ đạc cũ những thúng mủng, nong nia, xoong chậu và cả váy áo cũ của vợ, bỗng dưng ông lóe lên một “ý đồ nghệ thuật” độc đáo: chụp ảnh từng thứ rồi đề thơ mình lên trên tấm ảnh.

Những tác phẩm này lọt vào mắt xanh của một công ty làm lịch, họ trả giá đến 30 triệu đồng. Năm đó, rất nhiều người treo lịch rổ rá, váy đụp đề thơ của Nguyễn Duy trong nhà. Thừa thắng, nhà thơ triển khai ý tưởng làm liền 5 mùa lịch và thu đủ tiền trả nợ làm nhà.

Làm thơ facebook, bán thơ chuyển phát nhanh

Nhà thơ Hồng Thanh Quang là một trong những cư dân hoạt động nhiệt tình trên mạng internet. Suốt một thời gian dài anh sáng tác trực tiếp và đưa thơ thẳng lên facebook và nhận được nhiều nghìn lượt đọc với rất nhiều lời bình luận, chia sẻ.

Sự tương tác đó đã tạo nên niềm hứng thú đặc biệt, tuy nhiên, nhà thơ không vì thế mà ảo tưởng về thị hiếu của đám đông, anh quyết định chọn một nửa trong số 700 bài thơ sáng tác trong một năm để in thành tập có tên “Nỗi buồn tốc ký 1”. Sau đó, anh in liền tập “Nỗi buồn tốc ký 2” gồm 433 bài, viết trong thời gian 30 năm (tính từ bài thơ tình đầu tiên viết năm 1979).

Các cuộc ra mắt hai tập thơ “Nỗi buồn tốc ký” được tổ chức ở Hà Nội và TP.HCM thu hút rất nhiều người yêu thơ. Theo tiết lộ của Hồng Thanh Quang trong một cuộc hội thảo văn học tổ chức tại Báo Văn nghệ thì ngay tại các cuộc ra mắt, hàng trăm tập thơ mang đến đã được bán hết. Bên cạnh đó, những độc giả không có điều kiện đến mua trực tiếp đã nhắn tin, gọi điện cho tác giả để đặt mua thơ qua đường... chuyển phát nhanh. Quả là nếu biết cách quảng bá và khéo thu xếp, nhà thơ hoàn toàn có khả năng “thu hồi vốn” để đầu tư sáng tác lâu dài.

 Nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thái

“Tôi bán thơ không phải để cho mình”

Tiến sĩ khoa học, nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thái quyết định xuất bản tập thơ đầu tiên khi bước qua tuổi 60, đúng vào lúc đứng trước những thử thách nghiệt ngã của số phận: bà phát hiện mình mắc trọng bệnh.

Tập thơ mang tên “Tị nạn chiều” chọn từ gia tài thơ viết từ năm 1972 đến 2016. Mỗi bài thơ như từng chiếc chìa khóa kỳ diệu mở ra những điều bí mật trong trái tim một người đàn bà khao khát sống và yêu thành thật đến tận cùng. 

Tập thơ được gửi tặng đến bạn bè, đồng nghiệp và các sinh viên cũ khiến nhiều người xúc động, có người vừa đọc vừa rơi nước mắt trên từng trang thơ. Vô tình một lần biết thông tin về một em bé là con liệt sỹ đảo Gạc Ma đang phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhà thơ lập tức nghĩ đến việc giúp em bé học hành đến nơi đến chốn. Bà bắt tay vào một việc rất cụ thể là bán tập thơ để lấy tiền gây quỹ chứ không mang tặng nữa.

Một số bạn bè khi biết ý định tốt đẹp này đã đến mua thơ với số tiền gấp nhiều lần giá bìa. Nghĩ rằng cần phải “mở rộng thị trường”, nhà thơ bàn với một sinh viên cũ (hiện đang làm trong ngành báo chí) mang thơ ra Văn Miếu bán đúng Ngày Thơ Nguyên tiêu 2017. Mang sách đến hội thơ, cả cô lẫn trò đều chắc mẩm sẽ thu được số tiền lớn vì người yêu thơ lên đến hàng vạn thế này.

Nửa buổi, nhà thơ vào nơi bán hàng thấy nhiều người xúm xít cầm tập thơ lật giở xoàn xoạt, lại có mấy độc giả nhận ra tác giả vì mặc chiếc áo giống hệt bức ảnh in ở bìa sách thì mừng húm, nghĩ phen này sẽ bán được nhiều.

Biết đó chính là tác giả, có 4 bác ăn mặc chỉnh tề, mặt mũi nghiêm túc đến bảo: “Cô phải ký tặng chúng tôi mỗi người một tập thơ vì chúng tôi ở tỉnh xa về đây dự hội thơ”, nhà thơ giải thích thơ mang ra đây không phải để tặng mà bán vì mục đích thiện nguyện nhưng các bác vẫn khăng khăng đòi tặng chứ nhất định không chịu mua dù chỉ một tập. Nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thái hết kiên nhẫn, nổi cáu: “Tôi bán thơ không phải để cho mình, vì thế tôi không thể tặng cho các bác hay bất kỳ ai đến dự hội thơ này được”.

Tan hội thơ, hai cô trò đi “tổng kết” buổi bán hàng mới té ngửa: không bán được một tập thơ nào! Thương cô giáo đứng lặng người nhìn thùng sách đầy nguyên, cô học trò an ủi: “Thôi cô cứ để em mang sách về rao bán trên facebook, chắc sẽ có người mua cô ạ...”.