Bi hài chốn pháp đình

(ANTĐ) - Tại phiên tòa xét xử nhóm côn đồ dùng súng tấn công CSGT ở Hải Phòng, bạn của bị cáo đã tháo dép ném thẳng vào HĐXX. Hơn nữa, sau khi bị cảnh sát bắt giữ, phóng viên đến chụp ảnh, đối tượng này còn hung hãn chửi rủa và đấm thẳng vào mặt phóng viên…

Bi hài chốn pháp đình

(ANTĐ) - Tại phiên tòa xét xử nhóm côn đồ dùng súng tấn công CSGT ở Hải Phòng, bạn của bị cáo đã tháo dép ném thẳng vào HĐXX. Hơn nữa, sau khi bị cảnh sát bắt giữ, phóng viên đến chụp ảnh, đối tượng này còn hung hãn chửi rủa và đấm thẳng vào mặt phóng viên…

Một phiên xử hình sự có nhiều mâu thuẫn giữa thân nhân của bị hại và bị cáo. Ảnh minh họa.

Một phiên xử hình sự có nhiều mâu thuẫn giữa thân nhân của bị hại và bị cáo. Ảnh minh họa.

Đâu rồi sự tôn nghiêm?

Vụ việc trên xảy ra tại TAND thành phố Hải Phòng sáng 31-3-2010 khi xét xử sơ thẩm vụ án “Chống người thi hành công vụ”. Trước đó, chủ mưu Phạm Trần Công (SN 1976, trú tại 6/60 Lương Khánh Thiện, Ngô Quyền) cùng đồng bọn điều khiển ôtô tốc độ cao, sau đó sử dụng súng tấn công tổ tuần tra của Trạm Cảnh sát giao thông Quán Trữ. Khi mới bắt đầu phiên tòa, Nguyễn Hiệp Hưng (SN 1984, tạm trú tại số 6/60 Lương Khánh Thiện, Ngô Quyền, Hải Phòng) là bạn Công đứng phắt dậy lao lên phía trên, tháo dép ném thẳng về phía HĐXX. Mặc dù bị lực lượng cảnh sát còng tay nhưng đối tượng này vẫn hung hăng đe dọa, đấm và ném ghế về phía phóng viên đang tác nghiệp tại phiên tòa... CAQ Hải An - Hải Phòng đã hoàn tất hồ sơ để khởi tố Nguyễn Hiệp Hưng cùng tội danh với Công.

Vụ bị cáo Trần Tấn Duẫn phạm tội cố ý gây thương tích bị TAND huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) xét xử hồi tháng 8-2009 cũng đầy bi hài. Trong phần xét hỏi, khi nạn nhân đang trình bày việc mình bị liệt thì bất ngờ một nhân chứng được triệu tập đến tòa xông thẳng về phía nạn nhân chích điếu thuốc lá cháy đỏ vào tay để “thử xem” nạn nhân có phải bị liệt thật hay giả vờ. Thấy vậy, người nhà của nạn nhân nhao lên phản ứng khiến phiên xử bỗng chốc hỗn loạn bởi những tiếng chửi rủa, mạt sát lẫn nhau. Chưa dừng ở đó, khi được HĐXX cho phép nói lời sau cùng, bị cáo bất ngờ nhào lên đập đầu vào vành móng ngựa khiến hai cảnh sát tư pháp đứng bên phải rất vất vả mới kịp giữ bị cáo lại.

Đó là phiên tòa hình sự - nơi còn có hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát tư pháp. Còn tại những phiên tòa dân sự do không có lực lượng này, hiện tượng thẩm phán, luật sư bị đương sự đánh và chửi bới ngay tại pháp đình còn diễn ra thường xuyên hơn. Hầu hết phòng xử tại các tòa án hiện nay còn nhỏ, có phòng chỉ rộng 10m2, vì thế khoảng cách giữa HĐXX, luật sư và đương sự là quá gần. Trong lúc thẩm vấn, tuyên án hoặc bào chữa mà đương sự bất ngờ manh động thì tránh không kịp.

Ngoài tòa thì không biết đâu mà lần

Luật sư Nguyễn Văn Tiến - Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh bàng hoàng kể lại vụ việc mà luật sư là “nạn nhân”. Đó là vụ bị cáo T. cùng đồng phạm giết người được xét xử tại TAND thành phố Hà Nội vào đầu năm nay và luật sư Tiến được tòa chỉ định bào chữa cho bị cáo này. Tại phiên tòa, VKSND đã nhận định tội danh của bị cáo T. cùng với các bị cáo khác là “giết người” với tình tiết tăng nặng là “có tính côn đồ”.

Trong phần tranh tụng, luật sư Tiến đã đề nghị HĐXX xem xét chuyển sang tội giết người nhưng với tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo T và được HĐXX chấp thuận. Nhưng người nhà bị cáo T. phản đối vì cho rằng, mức hình phạt trên vẫn còn nặng. Sau phiên xử, người nhà bị cáo lùng sục luật sư Tiến khắp tòa khiến ông này phải trốn trong phòng thẩm phán, đợi người nhà bị cáo kéo về mới dám ra khỏi tòa.

Vụ việc khiến giới thẩm phán luôn nhắc tới như tai nạn nghề nghiệp đáng sợ của nghề là vụ tạt axít thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan - nguyên thẩm phán TAND quận Đống Đa, Hà Nội. Sau khi xét xử vụ kiện tranh chấp liên quan đến quyền thừa kế tài sản và tuyên nguyên đơn thua kiện, bà Loan không hề biết rằng đại diện bên nguyên đã bỏ ra gần một tháng theo dõi quy luật đi lại của thẩm phán này và hắt axít vào mặt khi bà Loan vừa ra khỏi nhà.

Ông Bùi Hoàng Danh - Chánh án TAND thành phố Hồ Chí Minh - khi trao đổi với phóng viên ANTĐ đã đề cập, nếu thực hiện đúng tinh thần cải cách tư pháp thì tại tất cả phiên tòa: hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế... đều phải có lực lượng Cảnh sát tư pháp tham gia bảo vệ, giữ trật tự. Ngoài chức năng bảo vệ các phiên tòa, Cảnh sát tư pháp còn có thể tham gia bảo vệ trụ sở tòa án, áp giải bị cáo, nhân chứng, bắt người gây rối tại tòa án... Theo ông Danh, phần lớn tòa án các nước đều có lực lượng Cảnh sát tư pháp để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra. Nếu không, những sự việc như trên sẽ ảnh hưởng đối với sự tôn nghiêm của ngành tòa án nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung hiện nay.

Nguyễn Hiếu