Bị giả mạo công văn 38.000 tỷ đồng, Ngân hàng VIB chính thức lên tiếng

ANTD.VN - Một văn bản được cho là “Thư bảo lãnh vốn” của ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đối với dự án bệnh viện Đông Phương có tổng vốn đầu tư lên tới 38.000 tỷ đồng được lan truyền trên mạng. Tuy nhiên, đây là thông tin giả mạo.

Mới đây, trên nhiều trang mạng đã lan truyền thông tin về một đại dự án bệnh viện lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam với quy mô 1.700 giường bệnh, tổng mức đầu tư 38.000 tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD) được VIB bảo lãnh vốn. Đó là dự án Bệnh viện Quốc tế Phương Đông tại xã Tường Hiệp, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, do Công ty Cổ phần Minh Sáng làm chủ đầu tư.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây một văn bản được cho là “Thư bảo lãnh vốn” của ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đối với dự án bệnh viện Đông Phương cũng được lan truyền với đầy đủ dấu đỏ của ngân hàng và chữ ký của Tổng giám đốc đương nhiệm là ông Hàn Ngọc Vũ.

VIB khẳng định văn bản trên là giả mạo

Cụ thể, in logo của VIB có thời điểm ban hành là vào ngày 9-5-2017 thể hiện, VIB thông báo đến Công ty Minh Sáng rằng nhà băng đã hoàn thành việc thu xếp vốn cho Dự án Bệnh viện Quốc tế Đông Dương tại xã Tường Hiệp, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Việc thu xếp vốn này “theo như đề nghị đồng tài trợ đã được ghi có trên Tài khoản đồng tài trợ. Nhóm ngân hàng đồng tài trợ thống nhất cử VIB làm ngân hàng đầu mối và thông báo”.

Văn bản cho biết, số tiền tài trợ là 38.000 tỷ đồng, thời hạn tài trợ 30 năm kể từ khi ký hợp đồng nhận vốn đầu tiên. Mục đích tài trợ vốn là để giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng, mua sắm máy móc thiết bị và các đầu tư dài hạn khác.

Tuy nhiên, thông tin này lập tức đặt ra nghi vấn. Bởi lẽ với mức vốn đầu tư 38.000 tỷ đồng thì theo tính toán, dự án bệnh viện này có quy mô bằng khoảng… 8 lần các bệnh viện hàng đầu Việt Nam như Bạch Mai hay Việt Đức. Còn với VIB, với vốn điều lệ 100.000 tỷ đồng thì theo quy định mức vay chung của NHNN về 15% tín dụng thì bản thân ngân hàng này cũng không thể cho vay với số tiền lên tới 38.000 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, đại diện VIB cho biết văn bản được lan truyền trên mạng không phải do VIB phát hành và hoàn toàn không có giá trị. Đại diện ngân hàng này cũng khuyến cáo “nếu nhận được các văn bản nghi giả mạo, VIB đề nghị các tổ chức cá nhân hãy trình báo đến cơ quan chức năng để làm rõ”.

Theo các chuyên gia, văn bản giả mạo nêu trên có thể được các đối tượng sử dụng để lừa các nhà đầu tư thứ cấp góp vốn đầu tư vào một dự án không có thực, hoặc có thể yêu cầu các nhà đầu tư chi những khoản “lót tay” để được trở thành nhà đầu tư, nhà thầu dự án.