Vòng xoáy “tín dụng đen“ (1)

Bị dồn đến đường cùng: Tất yếu… phạm tội

ANTĐ - Mấu chốt quan trọng cho sự tồn tại của “tín dụng đen” là những khoản lãi suất cao gấp nhiều lần so với mức lãi suất mà Nhà nước quy định. Không đáp ứng được “vòng xoáy” lãi suất này, “tín dụng đen” sẽ… chết, và đầu nậu đường dây huy động vốn tất yếu vào tù.

Ngôi nhà của Quang- Quyên đã góp phần “đánh bóng” hình ảnh vợ chồng họ

Xấu hổ vì sợ bị chê là “tham”!

Từ tháng 9-2011 trở lại đây, địa bàn Hà Nội ghi nhận có ít nhất 4 vụ vỡ nợ “tín dụng đen”, là vụ Tạ Việt Quang - Bùi Thị Quyên, giám đốc Công ty TNHH Du lịch Quang Quyên ở thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng; vụ Nguyễn Thị Dậu, 48 tuổi, nhà ở số 5 phố Nguyễn Thái Học, quận Hà Đông; vụ Nguyễn Thị Cúc, 32 tuổi, nhà ở thôn Văn Minh, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên; và vụ Phạm Thị Chinh, 36 tuổi, trú ở tổ 28, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Đến thời điểm này, duy nhất Phạm Thị Chinh đang bỏ trốn. Số đầu nậu huy động vốn còn lại, sau thời gian bỏ trốn đã lần lượt ra đầu thú và bị khởi tố, tạm giam về các hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đặc thù của các vụ án vỡ nợ khác nhiều với các vụ lạm dụng hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đó là sự “ngại” hoặc bất hợp tác của các bị hại đối với CQĐT. Cả 4 vụ án nêu trên, CQĐT đã có nhiều thông báo mời bị hại đến cung cấp tài liệu, củng cố hành vi phạm tội của những bị can đang bị tạm giam, song hồi âm rất ít. Lao vào vòng xoáy “tín dụng đen” theo tâm lý “bầy đàn”, có lợi là đua nhau nhảy vào, chẳng cần kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực kinh doanh; thế nên khi đường dây huy động vốn bị vỡ, đa phần chủ nợ ngại xuất hiện.

Có người vì xấu hổ sợ bị chê trách là tham; người lại sợ bị “gán” tội cho vay nặng lãi (tình huống này khó, vì đầu nậu huy động vốn khá tinh ranh, không bao giờ thực hiện giao dịch vay - trả quá ngưỡng quy định của tội danh cho vay nặng lãi). Thế nên chẳng có gì lạ trong vụ vỡ nợ điển hình, vụ Nguyễn Thị Dậu ở Hà Đông. Khi biết tin Dậu bỏ trốn, cả trăm chủ nợ kéo đến đập phá, tìm cách hôi của. Bản danh sách các chủ nợ Dậu lưu giữ có 52 người. Nhưng vận động, tác động đủ kiểu, CQĐT cũng chỉ ghi được lời khai của 31 chủ nợ. Tâm lý “xấu hổ” của các chủ nợ vô hình chung đã và đang gây khó khăn cho công tác điều tra.

Phạm tội do hoàn cảnh xô đẩy?

Về hình thức, xuất phát điểm của việc vay - trả “tín dụng đen” là giao dịch dân sự, là sự tự nguyện, thỏa thuận giữa bên cho vay và bên vay. Trong 4 vụ vỡ nợ thời gian qua, theo tìm hiểu của chúng tôi, “đáng tiếc” nhất là vụ vợ chồng Quang - Quyên. Ngày 17-9, thời điểm cả 2 vợ chồng này vắng mặt đột ngột tại nơi cư trú, dư luận “thổi” vô số tình huống dẫn đến nguyên nhân bỏ trốn. Nào là Quang - Quyên đã thu dọn sạch đồ đạc giá trị trước khi đi; nào là có một nhóm người đến tận nhà đe dọa vợ chồng chủ hiệu vàng cách đó mấy hôm; rồi chắc giờ này vợ chồng nó đã vượt biên trốn ra nước ngoài… “Vợ chồng em không hề trốn. Trước khi bỏ đi, em đã để lại số điện thoại để liên lạc với người có trách nhiệm. Và khi CQĐT liên lạc, yêu cầu đến làm việc, em đã chấp hành”, Bùi Thị Quyên bày tỏ như vậy hôm gặp tôi tại CQĐT. “Chúng em phải đi vì sợ bị chủ nợ hành hung”, Quyên thú nhận.

Quá trình vay nợ của vợ chồng Quang - Quyên diễn ra trong vòng 2, 3 năm, trước khi cơn lốc vỡ nợ ập đến. Tạ Việt Quang vốn được xem là doanh nhân trẻ, năng động ở huyện Đan Phượng. Bùi Thị Quyên cũng tháo vát, nhanh nhẹn không kém người chồng. Nếu chỉ thuần túy kinh doanh vàng bạc, làm dịch vụ cho thuê xe ô tô du lịch, có lẽ Quang - Quyên đã không “thân bại danh liệt” như hôm nay. Tính chuyện làm ăn lớn, đầu tư vào bất động sản phải cần đến vốn lớn, Quang - Quyên bắt đầu lao vào “tín dụng đen”. Thời gian đầu, kinh doanh nhà đất thuận lợi, những khoản lãi suất của “tín dụng đen” chưa thấm so với lợi nhuận bất động sản mà Quang - Quyên có được.

Nhưng sự đời không bao giờ “thuận” thế! Bất động sản đóng băng cũng là lúc ông bà chủ Quang - Quyên cảm nhận được sự khủng khiếp của lãi suất “tín dụng đen”. Bao nhiêu lời lãi, vốn liếng tích cóp được cũng không đủ trả lãi suất. Vụ Quang - Quyên ban đầu bị CQĐT khởi tố theo tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau quá trình điều tra mở rộng, CQĐT ra quyết định khởi tố bổ sung tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bùi Thị Quyên được xem là “đầu vụ” ở tội danh này, bởi cô ta đã thực hiện 3 “phi vụ” gian lận liên quan đến “sổ đỏ” và ô tô. Tôi nhớ mãi tâm sự trong nước mắt của Quyên hôm gặp ở CQĐT: “Trong 2 năm trở lại đây, vợ chồng em chủ yếu đi “cày” để trả lãi cho các khoản tiền đã vay mà vẫn không xuể”. CQĐT ước tính, các khoản nợ của Quang - Quyên đối với 5 tổ chức tín dụng và nhiều cá nhân lên đến số tiền 155 tỷ đồng…

Tương tự như vợ chồng Quang - Quyên là vụ Nguyễn Thị Cúc ở Phú Xuyên. Bản thân Cúc đầu tiên cũng đi cho vay lãi và nhận thấy “cơ hội làm giàu” của “tín dụng đen”. Khoảng năm 2008, Cúc bắt đầu đi vay để đầu tư kinh doanh vàng và bất động sản. Cúc khai đến cuối năm 2010, vì mới sinh con và do giá vàng lên xuống thất thường, bất động sản chững lại, việc kinh doanh của Cúc… lao dốc. Mỗi tháng, Cúc phải trả lãi cả tỷ đồng. Hôm bị triệu tập đến văn phòng CSĐT, Cúc tường trình sở hữu 8 mảnh đất, trong đó có mảnh rộng cả nghìn m2. “Sao không bán đất đi mà trả nợ?”, tôi hỏi Cúc. “Bán mà trả được hết nợ thì em đã làm rồi. Nhưng 8 mảnh đất của em chưa đủ trả 1/5 số tiền gốc đã vay anh ạ…”.

(Còn nữa)