Bị chê lai căng, "Ký ức Hội An" phiên bản 2.0 đã sửa chữa 30% so với bản gốc

ANTD.VN - Sau nhiều lùm xùm khi ra mắt vào đầu năm 2018, vở diễn thực cảnh "Ký ức Hội An" với sự tham gia của 500 diễn viên vừa ra mắt phiên bản 2.0 được cho là đã có thay đổi, sửa chữa tới 30% so với bản gốc.

Với thông điệp “Một ngày Hội An - Trăm năm hoài cổ”, chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” nhằm tái hiện khung cảnh thương cảng Hội An sầm uất thế kỷ 16-17. Điểm đến trên con đường tơ lụa huyền thoại và những câu chuyện tình lãng mạn, những tích truyện được ghi danh trong sử sách và những dấu mốc có chiều dài suốt 400 năm từ khi hình thành Hội An cho đến nay... là điểm nhấn của chương trình.

Nhà tổ chức "Ký ức Hội An" cho biết, vở diễn được xây dựng với mong muốn đem đến cho du khách những trải nghiệm tinh thần khác biệt, tạo xu hướng du lịch khám phá văn hóa miền đất di sản. Ở đó, với các màn trình diễn được dàn dựng khá công phu, du khách có thể nhìn thấy một Hội An qua những nhà cổ mái ngói lô xô, những tà áo dài tha thướt, thương cảng sầm uất với sự hội tụ, giao thoa về văn hóa…

Vở diễn "Ký ức Hội An" là chương trình biểu diễn thực cảnh công phu, gợi nhớ về khung cảnh thương cảng Hội An thế kỷ 16 và 17.

Tuy nhiên, sau một thời gian công diễn, chương trình “Ký ức Hội An” đã nhận được những phản ứng trái chiều từ dư luận xung quanh các nội dung về lịch sử, trang phục, áo dài, vũ điệu, che mắt người phụ nữ, sự hội nhập và các yếu tố nước ngoài… Đặc biệt, không ít các ý kiến cho rằng, "Ký ức Hội An" bị ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Quốc.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, nhà tổ chức đã cho ra mắt vở diễn thực cảnh "Ký ức Hội An" phiên bản 2.0 với sự tham gia của 500 diễn viên và được cho là đã sửa chữa tới 30% so với bản gốc.

Sau khi xem "Ký ức Hội An" phiên bản 2.0, GS.TS KH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Một sân khấu hoành tráng như thế này tạo cho người ta cảm xúc Hội An không hề bé nhỏ nữa. Đó là một tầm vóc mà ta có thể nhìn thấy, vô cùng rộng lớn...”

Trong vai trò cố vấn của hai chương trình thực cảnh lớn đầu tiên ở Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, làm nghệ thuật thực cảnh là đề tài rất khó. Bản thân ông cũng đã xem một vài vở thực cảnh ở nước ngoài nên theo ông, họ chủ yếu dựa vào tích truyện rồi giới thiệu những nghệ thuật sắc thái khác nhau và thực hiện kéo dài trong nhiều năm, trên cơ sở lắng nghe, bổ sung.

Với phiên bản 2.0 của Ký ức Hội An, nhà sử học Dương Trung Quốc tin rằng đó sẽ là một trải nghiệm văn hóa mới mẻ, sẽ trở thành xu hướng.

"Ký ức Hội An" phiên bản 2.0 đã sửa chữa 30% so với bản gốc

Tuy vậy, “Ký ức Hội An” phiên bản 2.0 vẫn chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng bởi khán giả mong muốn chất Hội An đậm đặc hơn nữa. TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Du lịch Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội lấy làm tiếc về việc yếu tố cộng đồng chủ nhà (diễn viên người bản địa) chưa được đưa vào nhiều như chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ngoài Bắc.

Còn GS. TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương lại cho rằng, lỗi lớn dẫn đến dư luận trái chiều và cả sự hiểu nhầm trong “Ký ức Hội An” một phần xuất phát từ tầm nghệ thuật, tính hình tượng của vở diễn đã vượt xa khuôn khổ một chương trình giải trí đơn thuần. Hoặc tên chương trình “Ký ức Hội An” quá hẹp so với tầm vóc chương trình – ký ức cả một vùng đất mới mà Hội An chỉ là đại diện.  

Trước sự phản hồi của các nhà nghiên cứu và khán giả về bản diễn "Ký ức Hội An" phiên bản 2.0, ông John Nguyễn, Chỉ đạo sản xuất chương trình "Ký ức Hội An" khẳng định: “Chúng tôi luôn lắng nghe tất cả các ý kiến đóng góp của dư luận với tinh thần cầu thị và đã chỉnh sửa, sẽ tiếp tục chỉnh sửa để liên tục đổi mới, hấp dẫn công chúng quay lại nhiều lần". Ông John Nguyễn cũng cam kết luôn đồng hành với địa phương về đóng góp xã hội, về giải quyết nhanh nhất những vấn đề phát sinh, đặc biệt liên quan đến môi trường, dòng chảy…

Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam kỳ vọng chương trình là sản phẩm du lịch mới sẽ giúp tăng thời gian lưu trú của khách du lịch tại địa phương. "Tỉnh sẽ đưa sản phẩm vào các chương trình xúc tiến du lịch chính thống và khích lệ doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm tương tự tại Quảng Nam", ông Hồ Tấn Cường cho biết.