Bị cáo kể khổ "trên đe, dưới búa" trong vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm

ANTD.VN - Nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cho rằng, việc làm sai của bị cáo xuất phát từ áp lực “trên đe, dưới búa”. Trong khi đó, nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch nói: “Ở PVC có những mệnh lệnh hành chính nói ra là phải làm, nếu không thì không thể tồn tại được”.

Biết là vi phạm, nhưng vẫn phải ký chuyển tiền tạm ứng

Sáng 11-1, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cùng 20 đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư.

Trước đó, cáo trạng truy tố các bị cáo cho thấy, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (Dự án Thái Bình 2), bị cáo Vũ Hồng Chương - nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án Thái Bình 2 biết rõ Hợp đồng EPC số 33 được ký trái quy định, việc lãnh đạo PVN chỉ đạo Ban QLDA tạm ứng cho PVC là trái quy định. Nhưng bị cáo này vẫn lập các thủ tục chi tạm ứng hơn 6 triệu USD và hơn  1.312 tỷ đồng chuyển PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 119 tỷ đồng.

Hành vi của bị cáo Vũ Hồng Chương bị cáo trạng quy vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", theo khoản 3, Điều 165-BLHS năm 1999.

Bị cáo Vũ Hồng Chương - nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án Thái Bình 2 trả lời các câu hỏi luật sư nêu ra.

Trả lời thẩm vấn của luật sư tại tòa, bị cáo Chương khai: Khi bị cáo về làm việc tại Ban quản lý dự án thì hợp đồng 33 đã ký và dự án đã khởi công. Luật sư chất vấn bị cáo Chương: “Tại sao bị cáo biết rõ hợp đồng 33 có nhiều khiếm khuyết, không đủ cơ sở pháp lý mà Ban quản lý dự án vẫn chuyển tiền tạm ứng cho PVC?”. Bị cáo Chương giải thích, bị cáo đã trình báo về những bất cập ở hợp đồng 33 nhưng không có kết quả.

“Vì bị cáo là đơn vị cấp dưới, là đơn vị phụ thuộc nên phải nghe theo cấp trên, phải thực thi mệnh lệnh của cấp trên theo chủ trương” – nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án Thái Bình 2 phân trần. Theo bị cáo Chương, trước sức ép của công việc, áp lực “trên đe, dưới búa”, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch tập đoàn và bị cáo chỉ là mắt xích nhỏ trong cả chuỗi của tập đoàn. Do đó, bị cáo buộc phải ký chuyển tiền tạm ứng, dù biết việc này là vi phạm.

"Nếu không ký, họ sẽ cho tôi là nhũng nhiễu nhà thầu, cản trở dự án, sẽ khó khăn cho tôi", lời của bị cáo Chương. Vẫn theo lời khai, nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án Thái Bình 2, nhiều lần nhận được công văn chỉ đạo của Tập đoàn yêu cầu phải chuyển tiền tạm ứng cho PVC ngay trong ngày (ngay khi Ban quản lý dự án nhận được tiền từ PVN chuyển về - PV).

Trả lời trước tòa, bị cáo Chương khai thêm, bị cáo này từng có 2 công văn yêu cầu tổng thầu phải báo cáo việc sử dụng vốn tạm ứng như thế nào nhưng PVC không có hồi âm. Phải đến tháng 9-2011, tổng thầu mới có công văn thừa nhận việc sử dụng tiền tạm ứng trái mục đích. Sau đó, cuối năm 2011, bị cáo Chương đã ra lệnh phải hoàn trả tiền tạm ứng.

Trước lời khai của nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án Thái Bình 2, luật sư quay ra hỏi bị cáo Đinh La Thăng: 

- Với vai trò là Chủ tịch HĐTV của PVN, theo bị cáo, nếu ông Chương không chuyển tiền thì có chống lệnh cấp trên không?

Bị cáo Đinh La Thăng đáp: 

- Lãnh đạo PVN khi chỉ đạo đều yêu cầu các đơn vị phải làm theo đúng quy định pháp luật. Việc thúc ép tiến độ là cần thiết nhưng phải đúng quy định của pháp luật. Không vì lý do gì mà biết sai vẫn thực hiện.

Không thực hiện chỉ đạo của cấp trên thì mất việc 

Trả lời phần thẩm vấn của luật sư trước đó, bị cáo Lương Văn Hòa – nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch (thuộc PVC) khai, việc lập 4 hợp đồng khống để lấy tiền chuyển về cho Tổng Công ty là yêu cầu của cấp trên và khi đó bị cáo phải chấp hành.

Theo Lương Văn Hòa, bị cáo này và các nhân viên dưới quyền nếu không thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên thì thậm chí là mất việc. 

Bị cáo Lương Văn Hòa - nguyên Giám đốc điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch trình bày về nỗi khổ với "sếp" trước tòa án.

Nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch khai, không biết các nơi khác như thế nào nhưng ở PVC có một mệnh lệnh hành chính, kể cả giao nhiệm vụ bằng miệng nếu không làm thì không được. Nói về quá trình hình thành của PVC, bị cáo Hòa cho biết tiền thân doanh nghiệp là một xí nghiệp xây lắp dầu khí ở Vũng Tàu, sau đó chuyển ra Hà Nội và lập thành Tổng công ty PVC.

"Từ Vũng Tàu chuyển ra Hà Nội, những người cũ của PVC gần như không còn ai nữa. Lý do thì có nhiều, trong đó có những mệnh lệnh hành chính mà không thực hiện thì không thể được. Sau này chỉ còn 2 người lớn tuổi là anh Nguyễn Ngọc Quý và anh Nguyễn Minh Hòa. Đó là những người dễ bảo và được sắp xếp vào những vị trí tốt”, lời của nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch.

Vẫn theo lời trình bày của bị cáo Hòa, khi anh Thanh (Trịnh Xuân Thanh) về làm Chủ tịch PVC thì không tuần nào không có người bị điều chuyển chỗ nọ chỗ kia vì không tuân theo mệnh lệnh.

“Bị cáo nói ra những chuyện như thế là muốn nói rằng ở PVC có những mệnh lệnh hành chính nói ra là phải làm nếu không thì không thể tồn tại được. Những người như bị cáo Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch) là nhân viên của bị cáo, rồi đến bị cáo, thậm chí kể cả anh Minh (Nguyễn Anh Minh, Phó tổng giám PVC) khi đã có chỉ đạo, kể cả chỉ đạo miệng cũng đều phải làm” - bị cáo Lương Văn Hòa trải lòng.

Và theo nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch, đó là nguyên nhân khiến khi bị cáo này nhận được yêu cầu chuyển tiền về cho Tổng công ty thì bằng mọi cách phải làm cho bằng được.

Về nguồn tiền chuyển cho PVC, bị cáo Hòa khai đó là tiền trong tài khoản của Ban điều hành, là tiền để dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh do chủ đầu tư thanh toán. Và nguồn tiền thứ hai là từ các hợp đồng khống. “Bị cáo khẳng định việc chỉ đạo này chính là cấp trên trực tiếp của anh Minh và anh Minh bị chỉ đạo trực tiếp từ anh Thanh. Những lần anh Minh chỉ đạo bị cáo, anh ấy đều nói là do anh Thanh chỉ đạo” - nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch khai.

Trước đó, cáo trạng truy tố các bị cáo về hành vi tham ô tài sản xác định, với vị trí là Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch (thuộc PVC), bị cáo Lương Văn Hòa đã cùng bị cáo Nguyễn Anh Minh lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỉ  đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.

Trong đó, cá nhân Lương Văn Hòa - theo cáo trạng - được ăn chia hơn 757 triệu đồng. Hành vi của bị cáo Hòa phạm vào tội "Tham ô tài sản", quy định tại khoản 4, Điều 278 –BLHS năm 1999. Trong quá trình điều tra, bị cáo khai báo thành khẩn và đã có trách nhiệm cùng với gia đình khắc phục hậu quả số tiền hơn 2,4 tỉ đồng.