Bí ẩn xung quanh lăng mộ đá Quận Vân (3): Chuyện cũ của ông lão 26 năm trông coi lăng mộ đá

ANTD.VN - Ông Trương Văn Tuân (90 tuổi), ở thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, TP Hà Nội là người đã trông coi khu di tích lăng đá Quận Vân từ năm 1992 đến nay.

Ông Tuân đã trông coi khu lăng mộ đá được 26 năm

26 năm lầm lũi, ngày nào cũng như ngày nào, không kể nắng hay mưa, đau ốm hay khỏe mạnh, ông cứ miệt mài đạp xe đến lăng mộ đá Quận Vân trông nom, quét tước và hướng dẫn cho những khách tham quan biết về lịch sử khu lăng mộ bí ẩn này.

Nghiêm khắc và kỷ luật 

Chúng tôi đến thăm nhà ông Trương Văn Tuân vào lúc đã giữa trưa. Cụ già hom hem ngồi bên mép giường nhìn ra, đôi mắt hấp háy nhìn khách, ông hỏi: “Hẳn là các bác muốn đến lăng đá Quận Vân. Sao không điện cho tôi theo số đã ghi ở khu di tích?”. ÔngTrương Văn Tuân đã ở tuổi 90 và tròn 26 năm làm công việc trông coi lăng đá Quận Vân ở giữa cánh đồng thôn Nỏ Bạn. Người làng này bảo, cứ đúng 7h30 sáng là ông đã có mặt ở khu lăng mộ. Ông Tuân cười, bảo đúng đấy. Vì đó cũng là một công việc nên phải đúng giờ. Trông coi lăng mộ, việc ít người muốn làm, thì ông lại làm sao cho người ta phải phục, phải nể vì cái tính nghiêm khắc và kỷ luật đã hình thành từ khi còn trẻ.

“Trước tình trạng khu di tích lăng đá Quận Vân xuống cấp, Phòng Văn hóa cũng có tờ trình đối với UBND huyện về việc tu bổ. Do không thuộc thẩm quyền và ngân sách của địa phương khó khăn nên xã chỉ có thể kiến nghị và đề xuất cấp trên”. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn (Phụ trách Văn hóa UBND xã Vân Tảo) 

Ông Trương Văn Tuân tâm sự: “Trước, tôi làm Công an viên của xã. Đấy là vào thời kháng chiến chống Mỹ. Sau khi về hưu, sợ khu di tích kia sẽ bị xâm phạm nên ra trông coi. Đó cũng là một việc nên làm để giữ gìn những điều quý giá còn sót lại”. Theo ông Tuân, đến ông là người thứ 3 trong thôn trông nom lăng mộ. Trước đó, từ năm 1982 khi Nhà nước khơi đất phục vụ khảo cổ thì ông cụ tên là Tha trông nom được 3 năm.

Sau đó đến cụ Khiêm trông nom được mấy năm thì sức khỏe yếu quá nên nghỉ. Trong thôn tìm người tự nguyện ra giúp đỡ mà hiếm quá. Thế là ông Tuân xung phong vào một công việc mà chẳng mấy ai mong muốn. Dù con cháu khuyên nhủ là đã có tuổi nên nghỉ ngơi nhưng ông Tuân vẫn nằng nặc phải làm. Ông Tuân bảo: “Thời xưa, cụ Đô đốc Đỗ Bá Phẩm dù không phải người làng, mà đã chọn đất sinh phần ở làng này thì cũng là đã coi trọng làng. Vậy tại sao mình không đáp lễ mà giữ gìn mộ phần cho cụ”.

Nhờ sự trông nom của ông Tuân mà mộ phần Quận Vân còn giữ được nguyên vẹn

Làm vì một chữ tâm

Cũng theo ông Tuân, một trong những lý do chẳng ai chịu đứng ra nhận trông nom khu lăng mộ đá Quận Vân, vì họ nghĩ làm việc ấy không đủ tiền uống nước mà lại rất mệt người. Khi ông bắt đầu nhận trông coi thì toàn bộ khu này hầu như bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm che lấp toàn bộ tượng người, voi, ngựa, hương án... Năm 2004, ông Tuân từng đề xuất ý tưởng xây tường bao và đào hồ trồng sen ở hai bên khu lăng đá Quận Vân lên chính quyền địa phương, nhưng liền nhận được những cái lắc đầu, vì họ cho là không cần thiết.

Ý tưởng của ông nhằm không cho nước xâm hại đến khu lăng đá bị dẹp bỏ, bởi chính quyền địa phương kêu không có kinh phí. Khi chính quyền địa phương lắc đầu, ông bắt đầu đi vận động các đoàn thể, bà con dân làng và quả quyết rằng bản thân ông sẽ huy động gia đình chịu 1/3 tổng kinh phí nếu dự án được tiến hành.

Nhưng mọi người dân ở Nỏ Bạn đều cho ông Tuân dở hơi, già rồi mà toàn đi làm những chuyện không đâu. Nên tất nhiên cuộc vận động của ông ở làng xóm cũng thất bại. Chẳng có kinh phí, ông Tuân đành bỏ tiền túi đi mua gạch về lát nền toàn bộ khu lăng đá. Khi đã có nền cứng cáp để mọi người bước đi, ông bắt đầu nghĩ đến việc trồng cây xanh để lấy bóng mát. Bởi ông nghĩ giữa đồng không mông quạnh, để người ta đứng dưới trời nắng tham quan, lễ bái thì rất tội.

Thế là ông đi khắp nơi tìm mua các loại cây giống từ cây bàng, đa tai tượng, xoài, tre đến các loại cây cảnh như hoa mẫu đơn, liễu đuôi gà về trồng xung quanh lăng đá. Có được cây xanh bóng mát rồi ông Tuân bắt đầu nghĩ đến việc sẽ đi tìm xin những cột đá gãy, phiến đá hỏng để về làm ghế ngồi cho du khách đến tham quan. Tất cả những việc làm ấy ông Tuân đều tự làm hoặc nhờ thêm con cháu phụ giúp.

Để khu lăng thêm vẻ đẹp và hài hòa, năm 2007, ông Tuân tự bỏ tiền ra thuê thợ làm một hòn non bộ ngay trước khu bàn ghế uống nước. Tất nhiên hòn non bộ cũng được ông Tuân làm bằng chất liệu đá. Còn phía nhà bia tám mái và khu hương án đã được mắc bóng điện chiếu sáng.

Đúng 7h30 sáng hàng ngày là ông Tuân đạp xe ra trông nom khu di tích

Chuyện cũ nhắc lại

Ở quanh khu di tích quốc gia lăng đá Quận Vân, có rất nhiều tích chuyện được truyền miệng lại. Có nhiều người xâm phạm đến mồ mả, đập búa vào đầu tượng đá mà bị quả báo. Hỏi ông Tuân điều đó có thực không? Ông Tuân ngẫm nghĩ nói: “Nói không thật thì không tin, mà nói thật thì chắc gì đã có ai tin. Nói chung, mồ mả thì không nên và không được phép xâm phạm đến”. Còn chuyện có nhiều nhóm tìm vàng đến lăng mộ đá cổ này dò tìm, ông Tuân khẳng định là không có. 

Đợt khai quật, các chuyên gia đã mang máy về dò và cẩu nắp mộ đá lên. Bên trong mộ không còn xương cốt gì nhưng thấy 1 đĩa vàng, 1 buồng cau bằng vàng và một số vật tùy táng như tượng hình nữ thần bằng vàng. “Sau một thời gian không thấy trả lại, địa phương có thắc mắc thì các nhà khoa học tham gia khai quật trả lời là hiện vật do Nhà nước quản lý. Cũng may là Nhà nước quản lý chứ nếu để vàng lại trong mộ thì không biết bao nhiêu kẻ săn tìm kho báu tìm về”, ông Tuân nói.

Chúng tôi hỏi ông Tuân, liệu ông coi đến khi nào thì nghỉ? Ông Tuân lắc đầu: “Tôi không trông thì không biết ai sẽ tiếp tục công việc này. Mình cứ làm việc cho đến khi nào về với tổ tiên thì thôi. Với lại, việc trông nom di tích lăng mộ cũng là việc phúc, nhờ vậy mà tôi khỏe mạnh lắm, chẳng đau yếu gì cả”.