Bí ẩn sau chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ

ANTĐ - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phải ra đi. Sau hơn 21 tháng giữ chức, ông Hagel bị Tổng thống Obama “mời” khỏi chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. 
 Bí ẩn sau chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ ảnh 1

Theo lời các giới chức cao cấp thì ông Hagel, vị bộ trưởng Cộng Hòa duy nhất trong chính quyền Dân Chủ, phải từ chức vì những áp lực ở Nhà Trắng. Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lại cho rằng, ông Chuck Hagel là “nạn nhân” đầu tiên của việc phe đảng Cộng hòa giành thắng lợi tuyệt đối trước phe đảng Dân chủ của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama.

Theo báo New York Times, việc ông Hagel phải ra đi vì Tổng thống Obama và chính sách an ninh quốc gia thường không nhất quán, hay thay đổi vào lúc có những thử thách tầm quốc tế, nhất là vụ IS ở Iraq, Syria và cuộc chiến ở Afghanistan. Ngân sách quốc phòng cũng là một nguồn gây va chạm giữa ông Hagel với Nhà Trắng, nhất là những ép buộc do chủ trương cắt giảm chi quốc phòng. Nhà Trắng đang tìm ra người kế nhiệm ông Hagel sẵn sàng nhận một “cái ngai” tương đối yếu thế này. Ứng viên cũng có nhiệm vụ thay đổi Lầu Năm Góc trong chỉ hai năm còn lại của Tổng thống Obama. 

Cùng với Ngoại trưởng, Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Ngân khố, Bộ trưởng Quốc phòng là một trong "tứ trụ" quan trọng bậc nhất trong hệ thống điều hành của chính quyền Mỹ. Thế nhưng, nếu ở nhiều nơi trên thế giới, Bộ trưởng Quốc phòng thường là người xuất thân từ quân nhân thì tại Mỹ, đứng đầu lầu 5 góc phải là người từ giới dân sự. Thậm chí, ngay cả quân nhân về hưu cũng không được đảm đương chức vụ này trong vòng 7 năm kể từ khi họ giải ngũ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được sự giúp sức của các Thứ trưởng quốc phòng, các vị Bộ trưởng Không quân, Lục quân và Hải quân Mỹ. Tất cả các vị nắm chức danh kể trên đều là người của giới dân sự. Khi cần việc gì cần đến việc binh đao thì tướng lĩnh cao cấp nhất trong Bộ Quốc phòng là Tổng tham mưu trưởng sẽ lo việc điều phối quân giúp Bộ trưởng Quốc phòng. Ngoài Tổng thống Obama, ông chủ Lầu Năm Góc là người duy nhất có thể ra chỉ thị tiến quân và rút quân trên mọi mặt trận mà không cần thông qua Quốc hội.  

Trong đơn từ nhiệm, ông Chuck Hagel, 68 tuổi, cho biết ông đồng ý tiếp tục nhiệm vụ cho đến khi có người chính thức thay thế. Nhưng giờ đây Đảng Cộng Hòa đã chiếm được đa số ở cả hai viện Quốc hội và người Cộng hòa vẫn thường mạnh mẽ phê phán chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Obama. Do đó việc chuẩn nhận người được chỉ định nào đó vào chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, chắc chắn cũng rất khó khăn và có thể kéo dài. Các quan sát viên cho rằng việc này sẽ không thể hoàn tất trước tháng Giêng, khi tân Quốc hội Mỹ họp. 

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed, một cựu quân nhân đã tự rút lui khỏi danh sách ứng viên ngay sau khi ông Hagel tuyên bố từ chức. Mới đây, thêm một trong những ứng cử viên chính cho chức lãnh đạo Lầu Năm Góc đã đề nghị được rút tên khỏi danh sách đề cử, một động thái có thể làm phức tạp thêm nỗ lực tìm kiếm người thay thế ông Chuck Hagel của Tổng thống Barack Obama.

Theo Foreign Policy, bà Michèle Flournoy - người sáng lập và đồng thời là Giám đốc điều hành của Trung tâm An ninh New American (CNA), một chuyên gia cố vấn - đã từ chối đề cử của ông Obama cho vị trí nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Mỹ. Lý do được bà Flournoy đưa ra để giải thích cho động thái trên là do hoàn cảnh gia đình (các con đang đi học và sức khỏe yếu). Sự rút lui của bà Flournoy đồng nghĩa với việc danh sách đề cử sẽ được rút gọn chỉ còn lại một ứng cử viên duy nhất là cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ashton Carter. 

Sự rút lui của bà Flournoy và ông Reed đã nhấn mạnh tới những thách thức rất lớn mà ông chủ tiếp theo của Lầu Năm Góc sẽ phải đối mặt. Nó cũng cho thấy sự hòai nghi và lo sợ của các quan chức cấp cao Mỹ về một vị trí quyền lực nhưng phải đối phó với Nhà Trắng đang can thiệp nhiều vào chính sách và quyết định chiến lược của Lầu Năm Góc.