Bí ẩn dòng sông Ma mang lời nguyền chết chóc

ANTĐ - Ở Hà Giang, dòng sông Ma mang hai nghĩa: Tên địa danh và sự ẩn chứa những bí mật của lời nguyền chết chóc. Câu chuyện kỳ bí mà dòng sông mang lại thực không hợp với những người yếu bóng vía.


Truyền thuyết Tam Tiên

Sông Ma đoạn dài và kinh hoàng nhất chảy qua xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên. Tuy đây là xã miền núi chưa thuộc chốn “thâm sơn cùng cốc” của tỉnh Hà Giang nhưng không khí lúc nào cũng u tịch, lạnh lẽo. Càng vào sâu trong rừng núi đá, cảm giác rờn rợn như nhân lên bội phần, nhất là khi thấp thoáng thấy dòng thác Tam Tiên chảy từ ngọn núi cao vài ngàn mét như một sợi chỉ bạc cắt đôi rừng xanh âm u.

Theo ông Vương Đức Trung - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tùng Bá thì sông Ma bắt nguồn từ núi Putakha (trung tâm của 3 huyện Vị Xuyên - Yên Minh - Bắc Mê) với địa thế vô cùng hiểm trở. Nơi cao nhất của đỉnh núi lên tới 2.535m so với mực nước biển nên lúc nào cũng mù mịt sương khói, ai đã vào thì khó tìm đường ra.

Truyền thuyết kể lại rằng, đó là nơi ở của 3 vị tiên giáng trần nên tên núi trong dân gian gọi là Ba Tiên. Trên ngọn núi ấy, có rất nhiều cây cổ thụ có thế đẹp như cam, quýt và khu giếng cổ có dòng nước trong vắt. Từ eo núi Ba Tiên là nơi phát nguyên ra dòng sông Ma huyền bí. Nhiều cao niên ở huyện Vị Xuyên cho rằng, dòng sông Ma là nguồn chảy từ ba nàng tiên trên núi.

Chính ông Trung và người anh của mình là Vương Quý Phát đã từng có lần đi buôn trâu bò vượt núi Ba Tiên. Trên núi ấy giống như truyền thuyết kể lại, có rất nhiều cam, quýt và các loại cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi. Cây cối bị rêu mọc xung quanh rất kỳ thú nên người dân cho rằng, đó là “mạy tiến khuôn” - tức là “người mọc râu”.

Đã có cầu bắc qua sông Ma, người dân đi lại không lo nguy hiểm

Lời nguyền từ… âm phủ

Theo lịch sử xã Tùng Bá, sông Ma đã được đặt tên từ thời Pháp thuộc. Từ đó đến nay, hầu như năm nào cũng có người chết trôi trên dòng sông này. Các cụ cao niên cho rằng, từ thời Pháp đặt tên cho dòng sông đã có một lời nguyền kỳ bí vô cùng mà không ai giải mã được.

Chuyện kể rằng, vào những năm 1900 trên vùng eo núi - nơi phát nguyên của dòng sông Ma có một người đàn ông Pháp đem lòng yêu cô gái Việt xinh đẹp sống trên đỉnh Tam Tiên. Vì quá si tình mà không được đáp lại tình cảm nên chàng trai Pháp đã nhờ một thầy địa lý làm bùa yểm rồi gieo mình xuống  dòng sông. Ở Hà Giang, hầu như không ai còn nhớ lời nguyền ấy thực hư thế nào, chỉ đại ý “sẽ còn nhiều người chết cùng ta”.

Không biết lời nguyền ấy hiệu nghiệm đến đâu và sự thực thế nào hay chỉ là lời đồn trong dân gian nhưng theo khẳng định của nhiều cao niên ở Vị Xuyên, thì đúng là năm nào trên dòng sông cũng có người chết. “Mới đây nhất là một công nhân của mỏ Hoàng Bách cũng chết trôi sông…”, ông Trung khẳng định.

Ông Đán Văn Viết - Trưởng công an xã Tùng Bá cũng khẳng định thông tin này. Ông Viết còn cho biết thêm, có năm dòng sông có vài người chết trôi mà không biết họ từ đâu đến. Họ trôi đến cuối dòng thì theo nước cuốn xuống sông Lô rộng lớn.

Theo lời kể của nhiều gia đình ở cạnh dòng sông Ma, thỉnh thoảng trong đêm khuya họ vẫn nghe thấy những tiếng khóc lúc thút thít, lúc thảm thiết quằn quại. Điều lạ là những tiếng khóc ấy lúc thảng thốt lúc âm ỉ mà không rõ từ đâu phát ra, chỉ tưởng tượng như nơi âm phủ khóc gào người sống trên cõi trần.

Có lẽ vì thế mà hầu như các ông bố bà mẹ nơi đây đều cấm con em mình ra tắm sông Ma vì sợ chuyện chẳng lành. Dù họ không cấm thì cũng chẳng ai dám ra sông tắm, ông Viết cho hay.

Thác Tam Tiên - nơi khởi nguồn của dòng sông Ma

Dòng sông tiền bạc

Sông Ma còn được gọi là sông Tác Ngần (tức là tiền bạc). Theo ông Vương Đức Trung, sông Ma còn một nhánh nữa là Tác Vàng (nhánh vàng). Dòng sông trước đây đã bị khai thác kiệt quệ. Thời phong kiến rồi đến thời Pháp thuộc, nhiều kẻ “săn vàng” đã đến lục tung dòng sông để tìm kiếm những thỏi bạc, thỏi vàng từ dưới đáy.

Ông Viết - Trưởng công an xã Tùng Bá cho biết, hiện nay thì không còn ai khai thác vàng trên sông nữa, chỉ thi thoảng có đội săn cá “hành quân” với đủ loại máy móc vì sông Ma có nhiều cá chày to như thân cây chuối nhưng khó bắt vì chúng rất khôn.

Người dân xã Tùng Bá và các địa phương ven dòng sông Ma vẫn dùng nước ở đây để tưới tiêu, giặt giũ quần áo nhưng đặc biệt họ không bao giờ ăn nước của dòng sông này. Vì theo ông Trung, thỉnh thoảng người dân lại thấy những xác người trôi nổi trên sông và sự ám ảnh bởi dòng sông Ma kỳ bí cứ thế ẩn vào tâm trí họ.

Ma là một thuật ngữ dân gian. Công trình nghiên cứu TK08 - 2009 đã giải thích rõ về điều này. Ma thường là vong của người chết đường chết chợ nên hay quấy phá mà dân gian quan niệm, kẻ chết trôi sông thì phải bắt được người chết cùng để được siêu thoát. Trước những thông tin mang tính chất tâm linh, người dân cần hết sức cảnh giác phân biệt thật giả, tránh tình trạng có một đồn mười gây hoang mang trong dư luận. (Thiếu tướng - Tiến sĩ Chu Phác, Chủ nhiệm Bộ môn cận tâm lý thuộc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người).