Bí ẩn 3 lần "trở về" của quả chuông bị đánh cắp (3)

ANTĐ - Quả chuông bị mất cắp đến 3 lần nhưng kẻ gian không thể mang được ra khỏi địa phận xã lưu giữ nó.

Kẻ gian lấy trộm viên ngọc trong miệng rồng

“Báu vật gần trăm cân mà nặng như cả nghìn tấn. Mấy lần kẻ trộm khiêng mất, chúng mang ra chưa hết địa phận xã thì đành phải bỏ lại. Ban đầu chúng tôi nghĩ chắc kẻ gian chỉ lấy cắp viên ngọc trên quai chuông, nhưng lần sau lại xảy ra vụ mất tích, rồi bọn chúng phải vứt trả lại ở gần nơi trước đó từng vứt, sự thật này chẳng ai có thể lý giải tại sao lại có chuyện khó tin như thế”- ông Bùi Văn Củng, Công an xã Tân Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình khẳng định.

Ông Củng CAX Tân Phong nói về 3 lần quả chuông bị mất trộm và
kẻ gian không khiêng ra khỏi địa bàn được

Chuyện quả chuông ở trụ sở UND xã Tân Phong bị kẻ gian trộm cắp nhiều lần khiến người dân vô cùng bức xúc. Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nhưng rốt cục cả 3 lần không tìm được thủ phạm. Đáng nói hơn cả 3 lần bị mất, đều tìm thấy chuông nằm ở gần giao thông hào ngăn cách ranh giới địa phận xã Tân Phong. “Đây này, bọn trộm nó đẽo cả chữ nho, cả viên ngọc trên con rồng quai chuông. Chúng tôi lo như thế chuông kêu mất vang nhưng may thay khi mang về chuông vẫn ngân vang như cũ”- chỉ vào quả chuông đồng “tọa lạc” trong trụ sở CAX Tân Phong, ông Củng nói. 

Tôi thử nhấc quả chuông định lượng, hai tay vận hết sức nhưng thấy bất dịch, tuy nhiên sức vóc 2 người cũng có thể khiêng được. Vậy nhưng theo ông Củng, nhìn dấu vết kẻ gian để tại hiện trường dường như chúng đã vần vật này rất nặng nề, miệng chuông cày lún xuống nền đất như có vật cả nghìn tấn đè ấn.

“Lần đầu tiên quả chuông bị mất cắp vào năm 1976 thì bị kẻ gian đục viên ngọc đồng, những tưởng bọn trộm cắp lấy vật quý đó rồi thì thôi, ai dè năm 1978 lại xảy ra mất cắp lần thứ 2, chỗ vứt chỉ cách xa chỗ chúng từng vứt trước đó khoảng 200 m. Cả mấy lần đều do trẻ trâu phát hiện ra, chứ Công an điều tra nhưng không thấy dấu vết. Lần cuối cùng vào năm tám mấy tôi không nhớ chính xác nhưng lần đó có vết máu của kẻ gian dính ở thân quả chuông, dân làng đoán chắc kẻ cắp bị thương tích trong khi vận chuyển quả chuông” – ông Củng kể lại chuyện cũ.

Quả chuông 3 lần bị kẻ gian đột nhập khiêng đi và lấy trộm viên ngọc

Ông Củng là người trực tiếp đón nhiều đoàn về nghiên cứu “sự tích” quả chuông. Người am hiểu chữ nghĩa nhận định sơ về những dòng trên quả chuông như sau: chuông tên là Minh Trung Đình của chùa Nhất Huyền Trang, được đúc vào ngày 26 tháng 3 năm Cảnh Thịnh thứ 8, khoảng những năm 1790, cạnh đó có ghi một số triết lý nhà Phật, bí quyết đúc chuông để tiếng chuông có thể vang xa và còn có dòng chữ đại ý “chuông này là sự hòa hợp giữa thần linh và lòng người".

Lúc quả chuông bị mất cắp cũng vào thời điểm nạn đào bới và buôn bán cổ vật rầm rộ nhất ở 4 xứ Mường của Hòa Bình. Bởi trước đó mảnh đất Mường Thàng – Cao Phong - là nơi ở của ông quan lang khét tiếng có tên Đinh Công Tuân. Nhân vật mà người già biết tiếng không chỉ tàn bạo mà còn cai quản của cải vật chất lớn nhất vùng (phần này sẽ nói rõ trong bài sau). Chính vì nạn buôn bán cổ vật diễn ra rầm rộ nên cơ quan Công an cũng đã xác định manh mối của kẻ cắp.

Tuy nhiên, do dân làng và chính quyền xã Tân Phong, xin không tiếp tục điều tra vì đã tìm thấy, một mặt họ không muốn dấy lên sự mâu thuẫn với nhau. “Dân làng không bắt tận tay nhưng cũng có thể đoán vạch mặt được kẻ gian. Bởi những trả giá sau đó họ phải hứng chịu vì phạm vào báu vật đình chùa, giời phạt họ” – Cụ Bùi Văn Ểu ở xóm Quyền, xã Tân Phong góp chuyện- Cụ Ểu cho hay, sau này một người thì dở điên, dở dại, còn một người thì bị rắn độc cắn chết bất đắc kỳ tử khi đi ngang qua rừng. Tất cả những chuyện liên quan đều được người thân của họ “khai” với thày mo trong dịp làm lễ cầu xin thần thiêng xá tội.

Chùa Vèng Ang nằm giữa vườn hoa núi Cối, nay là bát ngát cánh đồng mía


Tìm nơi quả chuông linh thiêng từng tọa lạc

Mùa xuân, vườn hoa núi Cối thành tâm điểm của những điệu múa, tiếng chiêng của bà con xứ Mường. Trung tâm của Mường Thàng khi ấy là vườn hoa núi Cối (thuộc xã Tân Phong). Truyền thuyết kể về vườn hoa núi Cối xuất phát từ mo Mường được thầy cúng kể lại trong 12 đêm đưa tiễn người đã khuất về với Mường Trời. Cun trưởng Lý Vi Thàng giàu sang nhưng "chưa có bà về ngồi võng lại, chưa có mái về ngồi võng bên” nên đã nhờ ậu (người ở) hỏi nàng chúa Nguyệt, là người con gái đẹp ở vùng chợ Hạc, bến Đông về làm vợ.

Để làm nàng chúa Nguyệt vui, hội Vèng Ang mở bốn mùa. Sau đó vì lý do thủy chung, công chúa Nguyệt đã tự vẫn và giao cho 2 nàng hầu xinh đẹp ở lại hương khói. Tưởng nhớ đến công lao mở mang cõi và chuyện tình của cun trưởng Lý Vi Thàng, hàng năm người dân trong vùng đã tổ chức lễ hội vườn hoa núi Cối vào ngày 8-9 tháng giêng âm lịch để mong một mùa màng no ấm, một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc.

Những thân cây hoa đại vài trăm năm tuổi ở sân chùa Vèng Ang

Giữa vườn hoa núi Cối mênh mông tọa lạc ngôi chùa cổ kính có tên Vèng Ang. Đó là ngôi tự cổ linh thiêng, hướng về núi Cối vời vợi, cây đại thụ tỏa bóng. Những năm Pháp thuộc, ngôi chùa bị phá hoại chỉ còn nền móng với hàng cây hoa đại già cỗi u tịch. Cũng từ khi ngôi chùa không còn, hàng đại già trổ hoa rất ít, thậm chí có mùa không nở bông nào.  

“Chùa bị hỏng, quả chuông phải đưa về lưu giữ tại UBND xã Tân Phong. Khi ấy, nhà cửa còn tạm bợ nên bị kẻ gian đột nhập lấy trộm quả chuông mấy lần”- ông Bùi Văn Củng lý giải chuyện chuông lại nằm ở UBND xã.

Chuyện mang đậm màu huyền thoại ở Tân Phong mà bà con ai cũng biết đó là chuyện về hàng cây đại thụ ở sân chùa Vèng Ang. “Hàng cây rất thiêng, đám trẻ trâu không ai dám leo lên hàng cây đại trước sân chùa. Đây chính là lý do hàng cây tồn tại hàng trăm năm qua. Mấy lần các ông thợ kè bờ suối Nguối cho máy múc lên gần đó, bà con sợ làm chết hàng đại cổ thụ đã mắng cho đám thợ té tát”, vẫn ông Củng kể câu chuyện màu sắc.   

Ngôi chùa Vèng Ang đang được phục dựng tại vị trí cũ

Hiện nay, khu chùa Vèng Ang đang được tôn tạo lại trên nền móng xưa. Ngôi chùa bề thế khang trang, cột bê tông giả gỗ, ngói mới đỏ nổi bật giữa màu xanh của cánh đồng mía. Tuy việc phục dựng đã không lấy lại được vết tích của thời gian, nhưng bà con trong vùng mừng lắm. “Tới đây lãnh đạo huyện Cao Phong sẽ tổ chức khánh thành và đưa quả chuông linh thiêng trở về vị trí tọa lạc vốn có của nó” - Ông Bùi Văn Yển, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Phong cho biết.

Theo tài liệu, trước năm 1954, lễ hội Vèng Ang vẫn được xếp vào một trong những lễ hội to nhất của Mường Thàng. Đến ngày 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, khi mưa xuân bắt đầu lất phất, người dân khắp các vùng Mường Trang (xã Tân Phong), Mường Đỏng ( xã Dũng Phong), Mường Bảm (xã Tây Phong) lại nô nức kéo về Vèng Ang để dự lễ rước nước vào chùa cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Dân trong vùng vẫn tin rằng, đó là nơi linh thiêng, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt về lịch sử, về hăn hóa của xứ Mường ở Mường Thàng.