BHXH Hà Nội lý giải số nợ BHXH tăng gần 1.000 tỷ: Doanh nghiệp lấy cớ Covid-19 để chây ỳ

ANTD.VN - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết, bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 thì không ít doanh nghiệp vẫn cân đối được thu chi nhưng lấy cớ dịch bệnh để chây ỳ, trốn đóng BHXH…

Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Vũ Đức Thuật thông tin về tình hình nợ BHXH

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, đến tháng 5-2020, toàn Hà Nội có 57.610 đơn vị nợ tiền BHXH với tổng số tiền nợ phải tính lãi là 1.970 tỷ đồng (tương đương 4,02%), tăng 990,8 tỷ đồng so với năm 2019. Ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội đã trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ về vấn đề này.

PV: Nợ BHXH tăng tới gần 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng là số tiền rất lớn. Phía BHXH TP đánh giá vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Đức Thuật: Đúng vậy, gần 58.000 đơn vị nợ BHXH, số nợ tăng 990,8 tỷ đồng so với cuối năm 2019, tức tăng 101,8% thực sự là rất đáng nó ngại.

Không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu được giao của ngành BHXH, ảnh hưởng đến an sinh xã hội trên địa bàn thành phố mà nghiêm trọng hơn là nó khiến quyền lợi của hàng trăm nghìn lao động ở các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng.

Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chính khiến nợ BHXH gia tăng là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp không cân đối được nguồn tiền để đóng BHXH. Đây là nguyên nhân khách quan.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp thực sự khó khăn thì Chính phủ, thành phố, BHXH Việt Nam đã có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như cho tạm ngừng đóng BHXH.

Tính đến ngày 22-5, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 113 đơn vị được phê duyệt dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với 10.832 lao động, tương ứng với số tiền dừng đóng là trên 31 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều đơn vị có biến động về lao động được giãn nợ BHXH. Đến nay, BHXH TP đã xác nhận được 56 đơn vị với 920 lao động đủ điều kiện cho giãn nợ BHXH…

Ngược lại, thực tế có không ít doanh nghiệp vẫn cân đối được thu chi, vẫn có nguồn đóng BHXH nhưng lợi dụng, dựa vào tình hình dịch bệnh Covid-19 để lấy cớ chậm đóng, cố tình kéo dài thời gian, nợ đọng tiền BHXH.

Thực tế, chúng tôi phối hợp với cơ quan quản lý thuế để theo dõi và nắm được có những đơn vị vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, doanh thu bị giảm không nhiều, vẫn đóng thuế đầy đủ nhưng không đóng BHXH.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân chủ quan từ các giải pháp thu hồi nợ của ngành BHXH chưa phát huy hiệu quả.

Vậy cơ quan BHXH thành phố có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Kể cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, cán bộ, viên chức các đơn vị BHXH đã nỗ lực tập trung rà soát danh sách đơn vị sử dụng lao động, số người lao động tham gia BHXH, số nợ của từng đơn vị.

Trên cơ sở đó, có các giải pháp đôn đốc thu nợ như gọi điện, gửi văn bản đến các đơn vị nợ BHXH.

Song cái khó là cả nước đang chống dịch Covid-19, thời điểm này khi dịch đã được kiểm soát thì chúng ta phải tạo mọi điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh nên các giải pháp thu nợ BHXH chủ yếu vẫn chỉ là đôn đốc.

Tới đây, chúng tôi sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động , kiên quyết xử phạt, kiến nghị xử phạt hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định nhằm giảm tỷ lệ nợ đọng, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Cảm ơn ông!