Bệnh viện tự chủ, người nghèo sẽ ra sao?

ANTĐ - Báo cáo về giá dịch vụ khám chữa bệnh tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin từ năm 2018 trở đi theo lộ trình điều chỉnh, giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ được tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ, và đi cùng với nó, các bệnh viện sẽ không còn được cấp ngân sách mà sẽ tự “sống” bằng các khoản thu phí dịch vụ khám chữa bệnh. 

Lần đầu tiên, Chính phủ công bố lộ trình để biến các bệnh viện trở thành một đơn vị tự chủ hoàn toàn, một đơn vị cung cấp dịch vụ để tồn tại và tích lũy để phát triển. Quả thật với rất nhiều người, không còn ngân sách bao cấp cho khám chữa bệnh là cả một sự lo lắng lớn, thậm chí là sự sợ hãi.

Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia về y tế, nếu thực hiện tốt được các chính sách an sinh xã hội, đó sẽ là một bước tiến mới của ngành y tế Việt Nam thúc đẩy công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Nhưng lo lắng vẫn là lo lắng. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi: Tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh, đương nhiên sẽ phải tăng gấp bội viện phí, số phận của người nghèo mắc bệnh sẽ ra sao?

Bệnh viện tự chủ, người nghèo sẽ ra sao? ảnh 1

Chi phí khám chữa bệnh đang đè nặng lên vai người bệnh

Trong 30 năm qua, nền y tế Việt Nam phát triển vượt bậc nhưng gánh nặng về y tế vẫn đè nặng lên vai người dân. Nếu năm 1995, cả nước mới có gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh thì năm 2013 có gần 13.600 cơ sở. Tổng số giường bệnh cũng tăng từ 192.000 (năm 1995) lên hơn 280.000 giường (2013); diện bao phủ BHYT cũng tăng mạnh nhưng số tiền chi cho y tế còn quá thấp.

Thống kê năm 2012 của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy Việt Nam mới chi 85 USD/người/năm (hơn 1,7 triệu đồng) là số tiền quá thấp so với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

GS-TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, hàng triệu người dân Việt Nam đang đứng trước chi phí thảm họa về y tế và mắc phải cái bẫy nghèo đói vì bệnh tật bởi tỉ lệ các hộ gia đình phải chi trả chi phí y tế tương đối cao.

Chi phí thảm họa là khi chi phí từ tiền túi lớn hơn hoặc bằng 40% tổng chi phí phải chi trả. Việt Nam có khoảng 4,2% dân số đang phải gánh chịu chi phí thảm họa và 2,5% dân số bị nghèo hóa vì không có khả năng chi trả mà phần lớn do các gánh nặng về y tế.

Trong khi đó, một tính toán khác cho thấy hiện Việt Nam có khoảng 1 triệu hộ dân rơi vào chi phí thảm họa và gần 600.000 hộ dân đã rơi vào bẫy đói nghèo do chi phí y tế. Khi chi phí từ tiền túi của hộ gia đình so với tổng chi cho y tế càng lớn thì khả năng chia sẻ rủi ro về tài chính càng ít và người nghèo càng khó tiếp cận các dịch vụ y tế; thậm chí họ phải cắt giảm các khoản cần thiết khác như lương thực, thực phẩm, quần áo, nhu yếu phẩm, giáo dục...

Các nghiên cứu cũng chỉ ra nếu chi từ tiền túi cho y tế vượt quá 30% thì khó đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân. Theo GS-TS Phạm Mạnh Hùng, việc người dân phải tự trang trải quá nhiều chi phí y tế phản ánh một nền y tế mất cân bằng, sẽ dẫn đến sự khác biệt lớn giữa các nhóm dân cư.

Tỉ lệ bao phủ của Bảo hiểm y tế (BHYT) tại Việt Nam đạt hơn 70% dân số, tuy nhiên, mức đóng còn thấp nên có tình trạng 100 người đóng BHYT không đủ trả viện phí cho 1 người. Lưu ý, khi người dân có BHYT thì phần được chi trả chỉ chiếm một phần chi phí trực tiếp, còn các khoản chi ngoài y tế (ăn, ở, đi lại) thì người dân phải tự chi trả và phần chi này chưa hề được tính vào chi phí chữa bệnh. 

Có thể nói rằng, chi phí khám chữa bệnh đến thời điểm này vẫn là gánh nặng ghê gớm đè lên vai người bệnh, đặc biệt người bệnh nghèo. Vậy theo lộ trình như được công bố, viện phí sẽ tiếp tục tăng, số phận người nghèo mắc bệnh sẽ ra sao? Quả thật là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên, những giải trình của các nhà hoạch định chính sách về y tế lại khá lạc quan.

Không ảnh hưởng đến người nghèo

BHYT được xác định là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Qua hơn 20 năm thực hiện chính sách BHYT đến nay đã có trên 60 triệu người, chiếm gần 70% dân số cả nước tham gia BHYT, trong đó toàn bộ người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người nghỉ hưu, bảo trợ xã hội và các nhóm yếu thế đều được thụ hưởng chính sách BHYT.

Bệnh viện tự chủ, người nghèo sẽ ra sao? ảnh 2

Việt Nam đã xác định lộ trình tiến tới BHYT toàn dân với mục tiêu bao phủ 80% dân số vào năm 2020. Bộ Y tế khẳng định, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được gắn với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Giá dịch vụ y tế tăng cũng không tác động nhiều đến một số nhóm đối tượng, trong đó có người cận nghèo. Cụ thể, người cận nghèo đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% để tham gia BHYT (hiện có 40% có thẻ BHYT).

Khi đi khám, đối tượng này được BHYT thanh toán 95%, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước ngày 31-12-2014 chỉ được hưởng 80%, đồng chi trả 20%) nên mức độ tác động không nhiều. Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% bị ảnh hưởng nhưng không nhiều vì nếu chưa tính đúng tính đủ bệnh nhân phải trả thêm một số khoản chi phí, nhưng khi tính đúng tính đủ thì người bệnh sẽ không phải trả những khoản này nữa.

Mặt khác, từ 1-1-2015, người tham gia BHYT từ 5 năm trở lên khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ bản thì chỉ thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ bản.

Trước việc giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục tăng, người dân đang rất lo lắng về gánh nặng kinh tế, chi phí khám chữa bệnh tăng cao. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, hiện nay khoảng 70% dân số đã tham gia BHYT nên dù giá dịch vụ y tế có tăng thì mức tác động từ điều chỉnh viện phí không lớn.

Những trường hợp phải đồng chi trả thì chỉ đóng thêm 5% hoặc 20% của số tăng thêm nên cũng không phải là gánh nặng quá lớn. Những nhóm đối tượng được BHYT thanh toán 100% đương nhiên không bị ảnh hưởng.

 Áp dụng chính sách mới, gánh nặng của các bệnh viện cũng rất lớn. Khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ, bệnh viện không được ngân sách cấp kinh phí hoạt động mà phải dựa vào nguồn thu của hoạt động khám chữa bệnh. Lúc đó, bệnh viện muốn tồn tại và phát triển được thì phải nâng cao chất lượng chuyên môn.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận: “Chúng tôi chịu áp lực rất lớn với sự thay đổi giá dịch vụ y tế. Bởi lẽ bệnh viện buộc phải nâng cao chất lượng hoạt động. Đây là vấn đề sống còn của bệnh viện, lấy bệnh nhân làm trung tâm vì nếu không có bệnh nhân sẽ không có nguồn thu. Làm sao vừa làm hài lòng bệnh nhân vừa nâng cao chất lượng đời sống cho nhân viên y tế?”.

Dĩ nhiên, đi cùng với việc các bệnh viện tự chủ, tăng viện phí sẽ có nhiều chính sách kèm theo. Trước hết, chắc chắn phải tăng tiền đóng bảo hiểm y tế tùy theo đối tượng, giảm thủ tục mua và thanh toán bảo hiểm, và như lời bình của một lãnh đạo ngành y tế, đến 2018, BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh cho tất cả các đối tượng có BHYT. 

Dẫu lo lắng, nhưng với quy luật của nền kinh tế thị trường, chắc chắn các bệnh viện sẽ phải tự chủ và người dân sẽ phải lo BHYT và người không có BHYT sẽ phải thanh toán tất cả chi phí khám chữa bệnh.