Bệnh viện ồ ạt xin... "xuống hạng"

ANTD.VN - Thời gian gần đây, thông tin một số bệnh viện chủ động xin “xuống hạng” để được áp dụng thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm thu hút bệnh nhân đã làm dấy lên nhiều nghi ngại về tính minh bạch. Tại Hà Nội, tình trạng này tuy chưa xảy ra, song việc siết chặt quản lý quỹ BHYT để tránh bị trục lợi do thông tuyến cũng là vấn đề cấp bách được đặt ra.

Bệnh viện ồ ạt xin... "xuống hạng"  ảnh 1Phải tăng cường kiểm soát tình trạng trục lợi quỹ BHYT 

Hạng 2 xin xuống hạng 3 vì lo mất bệnh nhân

Không thể phủ nhận việc triển khai thông tuyến khám chữa bệnh BHYT từ đầu năm 2016 đến nay đã mang lại thuận lợi và đảm bảo quyền lợi tốt hơn rất nhiều cho người bệnh, tuy nhiên mặt trái của chính sách này cũng đang bộc lộ ngày càng rõ, tác động lớn đến sự an toàn của quỹ BHYT. Điển hình, đầu tháng 8 này, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có thông báo kết luận về trường hợp Phòng khám đa khoa tư nhân Phương Nam (tỉnh Cà Mau) chi sai BHYT lên tới 35,6 tỷ đồng.

Theo đó, lợi dụng chính sách thông tuyến BHYT (người bệnh được tự do lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến, phòng khám tư nhân để khám bệnh mà vẫn được hưởng BHYT như khám đúng tuyến), Phòng khám Phương Nam đã sử dụng nhiều chiêu trò như tặng quà bệnh nhân BHYT đến khám, chỉ định “rộng rãi” các dịch vụ, thuốc men cho người bệnh… để thu hút  người khám, khiến lượng bệnh nhân đến phòng khám tăng đột biến hàng chục lần.

Lo ngại hơn khi gần đây, một số bệnh viện hạng 2 ở Biên Hòa, Đồng Nai, Nghệ An… đã xin xuống hạng 3 để được khám chữa bệnh BHYT ban đầu, tức thuộc diện bệnh viện được thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện trong cả nước. Trên thực tế, sau 7 tháng thực hiện chính sách thông tuyến BHYT đến nay, một số bệnh viện hạng 2 ở Đồng Nai, Biên Hòa… đã bị sụt giảm lượng bệnh nhân đến khám BHYT tới 50%, thậm chí có bệnh viện giảm tới 90%.

Nguyên nhân, theo lãnh đạo các bệnh viện này, khi bệnh viện được nâng hạng từ hạng 3 lên hạng 2 thì theo quy định sẽ không còn được tiếp nhận khám chữa bệnh BHYT ban đầu mà chỉ nhận các trường hợp chuyển từ tuyến huyện lên, trong khi với chính sách thông tuyến các bệnh viện tuyến huyện cũng nỗ lực giữ bệnh nhân.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng thừa nhận có thực trạng này và cho biết, trước tình trạng nhiều bệnh viện xin xuống hạng để được khám chữa bệnh thông tuyến BHYT, BHXH Việt Nam đang rà soát lại tình trạng này, nếu phát hiện bệnh viện nào cố tình xin xuống hạng để trục lợi quỹ BHYT sẽ cắt hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.

Bác sĩ khám là “chốt chặn” đầu tiên

Tại Hà Nội, theo đại diện BHXH thành phố, đến thời điểm này, chưa có bệnh viện công hay bệnh viện tư nhân nào xin xuống hạng vì lý do trên song qua thực tiễn từ khi triển khai chính sách thông tuyến BHYT đến nay có sự biến động nhất định về số lượng bệnh nhân ở các cơ sở khám chữa bệnh thuộc diện thông tuyến.

Cụ thể, qua khảo sát một số bệnh viện tuyến quận/huyện có chất lượng khám chữa bệnh được đánh giá cao đã ghi nhận lượng người đến khám BHYT từ khi thông tuyến tăng 10-15% do sự dịch chuyển bệnh nhân (bệnh nhân BHYT từ huyện này chuyển sang khám ở bệnh viện huyện khác vì thấy chất lượng tốt hơn). Trong đó, cũng phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám 3 lần/ngày và hơn 1.000 trường hợp đến khám 2 lần/ngày tại 2 bệnh viện tuyến huyện khác nhau.

Ngoài ra, một số bệnh viện tư nhân cũng nổi lên trở thành đối trọng của các bệnh viện công, cạnh tranh thu hút bệnh nhân từ bệnh viện công bởi với chính sách thông tuyến, bệnh nhân cũng có quyền đến khám chữa bệnh ban đầu tại các phòng khám tư mà vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, nhìn chung công tác khám chữa bệnh BHYT ở các bệnh viện thuộc Hà Nội chưa có biến động quá lớn từ khi triển khai thông tuyến, song nguy cơ lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT vẫn còn đó.

Một mặt, quy định thông tuyến BHYT đòi hỏi các phòng khám, bệnh viện trong diện thông tuyến phải tự nâng cao chất lượng, bởi nếu người bệnh thấy không hài lòng, lần sau họ sẽ tìm đến cơ sở y tế có dịch vụ tốt hơn và như vậy, nguồn thu của bệnh viện sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, nếu không kiểm soát chặt sẽ nảy sinh tình trạng cơ sở y tế tìm cách lôi kéo bệnh nhân BHYT để trục lợi quỹ, ngay bản thân người bệnh cũng sẽ lạm dụng để trục lợi. 

Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, BHXH TP Hà Nội đã tăng cường các biện pháp kiểm soát việc trục lợi quỹ BHYT từ các cơ sở y tế thông qua việc tăng cường đội ngũ giám định BHYT, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

BHXH TP Hà Nội đã lập danh sách những bệnh nhân đi khám nhiều lần/ ngày trong diện có khả năng lạm dụng BHYT gửi các cơ sở khám chữa bệnh để phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện đúng theo quy định.

“Chúng tôi đã có văn bản đề nghị các bệnh viện tuyến huyện yêu cầu bác sĩ khi khám bệnh cho bệnh nhân BHYT phải hỏi kỹ xem trong 1 tuần trước đó bệnh nhân đã đi khám ở bệnh viện nào chưa, khám bệnh gì, dùng thuốc nào rồi… để tránh tình trạng bệnh nhân vừa đi khám ở bệnh viện này hôm trước, hôm sau lại đến khám ở bệnh viện khác, thuốc được cấp cho dùng chưa hết lại xin cấp thuốc tiếp. Bác sĩ phải là khâu chốt chặn đầu tiên. Chốt kiểm soát tiếp theo là cơ quan BHXH sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra” - ông Nguyễn Đức Hòa nói.