Bệnh viện - nơi giao tranh các băng đảng tại Mexico

(ANTĐ) - Trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, một nạn nhân đang bình thản nằm tiếp máu trên giường bệnh sau vụ đọ súng đêm trước đó. Đột nhiên, những tay lạ mặt xuất hiện, lạnh lùng nã đạn vào bệnh nhân. Lần này, nạn nhân chết chắc. Những tay đâm thuê chém mướn bám theo đối thủ vào tận những phòng chăm sóc đặc biệt và phòng cấp cứu để ra tay, những vụ nã súng trong hành lang bệnh viện, bác sỹ bị bắt cóc tống tiền hoặc bị đe dọa... đã trở lên phổ biến ở các bệnh viện Mexico.

Bệnh viện - nơi giao tranh các băng đảng tại Mexico

(ANTĐ) - Trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, một nạn nhân đang bình thản nằm tiếp máu trên giường bệnh sau vụ đọ súng đêm trước đó. Đột nhiên, những tay lạ mặt xuất hiện, lạnh lùng nã đạn vào bệnh nhân. Lần này, nạn nhân chết chắc. Những tay đâm thuê chém mướn bám theo đối thủ vào tận những phòng chăm sóc đặc biệt và phòng cấp cứu để ra tay, những vụ nã súng trong hành lang bệnh viện, bác sỹ bị bắt cóc tống tiền hoặc bị đe dọa... đã trở lên phổ biến ở các bệnh viện Mexico.

Các bác sỹ ở Tijuana lên tiếng phản đối bạo lực
Các bác sỹ ở Tijuana lên tiếng phản đối bạo lực

Những hệ lụy của cuộc chiến chống ma túy ở đất nước này đã lan đến tận những chốn tôn nghiêm như các bệnh viện, làm chấn động hệ thống y tế của nước này và đã khiến những người làm trong ngành này phải lo lắng cho chính mạng sống của mình trong khi họ đang hàng ngày nỗ lực để giành giật cuộc sống cho người khác. Bác sỹ Héctor Rico đã phải thốt lên, tình cảnh hiện nay giống như cảnh trong cuốn tiểu thuyết “Bố già”, Michael Corleone cứu cha nằm viện khỏi sự trả thù của một nhóm tay súng thù địch.

Bạo lực liên quan đến các tập đoàn ma túy ở Mexico đã khiến cho hơn 5.000 người thiệt mạng trong vòng một năm qua, gần gấp đôi con số của năm 2007. Khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico đã trở thành vùng đất bạo lực nhất với 60% tổng số những vụ án mạng của cả nước trong tháng qua. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại bạo lực có thể tràn qua biên giới.

Thực tế là nạn nhân trong những vụ tấn công phần lớn là thành viên của các tổ chức buôn bán ma túy. Tuy nhiên cũng có nhiều người vô tội bị vạ lây. Hình ảnh những xác chết bị vứt ở nơi công cộng đã khiến cho người dân lo ngại rằng họ cũng có thể trở thành nạn nhân bất cứ khi nào. Những người tưởng như không mấy dính líu đến bạo lực ma túy cũng bắt đầu lên tiếng. Các bác sỹ ở Tijuana đã xuống đường biểu tình phản đối tình trạng bạo lực gia tăng. Họ cảm thấy không an toàn ngay trong chính bệnh viện.

Có một nghịch lý là các bác sỹ giờ đây phải lựa chọn bệnh nhân để điều trị mà lẽ ra họ phải điều trị cho tất cả những ai đến với bệnh viện vì họ lo sợ những liên lụy từ những tập đoàn tội phạm. Đêm 5-10, hai người bị thương được đưa đến phòng cấp cứu tư nhân Clinica Londres.

Vì lo ngại những người này có liên quan đến các tổ chức tội phạm nên nữ y tá đã không dám tiếp nhận và hơn nữa cô cũng không có chuyên môn điều trị những người bị thương do súng đạn. Nhưng trong số những người đưa nạn nhân đến phòng khám có hai người mặc đồng phục cảnh sát (bọn tội phạm Mexico thường mặc quân phục cảnh sát) nên cô đã mở cửa.

Khi quân đội và cảnh sát ập đến phòng khám các nhân viên phòng khám mới ngớ ra nạn nhân là những tay buôn bán ma túy, còn hai người mặc quân phục cảnh sát đã biến mất. Còn bác sỹ phẫu thuật đa khoa hàng đầu Guzman bị bắt cóc hồi tháng 4 lại bị người dân địa phương nghi ngờ có móc ngoặc với bọn tội phạm. Vì chỉ hai tuần sau khi được bọn chúng thả tự do, phòng khám của ông đã tiếp nhận  một số nạn nhân của một vụ đọ súng.

Chính quyền cho biết những tay súng và nạn nhân của vụ tấn công trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Del Prado vừa qua đều có quan hệ với các tập đoàn ma túy. Trong 20 tháng gần đây, Bệnh viện đa khoa Tijuana đã hai lần bị cảnh sát và quân đội bao vây. Lần đầu tiên vào tháng 4-2007 khi một nhóm lạ mặt xông vào bệnh viện để cứu một thành viên đang được điều trị trong phòng cấp cứu và thanh toán đối thủ.

Lần thứ hai diễn ra hồi tháng 4 vừa qua, quân đội đã được đưa tới bệnh viện khi được báo có 8 tên buôn lậu ma túy đang được điều trị sau khi bị thương trong những vụ tấn công ở thành phố. Bạo lực đã trực tiếp ảnh hưởng đến hệ thống y tế, các bệnh viện đã phải tự trang bị cho mình những đội cảnh sát và bảo vệ riêng.

Các bác sỹ lên tiếng bằng cách đóng cửa phòng khám, hạn chế các dịch vụ y tế vào ban đêm... Dịch vụ cấp cứu 24/24 cũng buộc phải ngừng hoạt động trước 10 giờ đêm. Đến nay, đã có hơn 20 bác sỹ địa phương bị bắt cóc tống tiền. Số khác thì bị bệnh nhân là những tay thuộc các băng đảng ma túy thẳng thừng đe dọa bác sỹ khi nhập viện điều trị.

Hiếu Trung

(Theo NYT)