Tai biến y khoa nghiêm trọng ở Hòa Bình:

Bệnh viện làm đúng quy trình, tại sao 7 bệnh nhân tử vong?

ANTD.VN - Làm việc với Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình về sự cố chạy thận sáng 31-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến truy vấn: bệnh viện nói nhân viên y tế tuân thủ theo quy trình, vậy tại sao xảy ra chuyện?

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra đơn nguyên chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

Tính đến chiều 31-5, 10 bệnh nhân gặp sự cố chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai đều đã ổn định, trong khi bệnh nhân nặng nhất phải giữ lại điều trị tại Hòa Bình vì không đủ điều kiện chuyển đi cũng đã có tiến triển.

Bệnh viện phải trung thực, lỗi đến đâu xác minh đến đó

Sáng 31-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có mặt tại Hòa Bình thăm hỏi, động viên gia đình có bệnh nhân chạy thận vừa qua đời và làm việc với Sở Y tế địa phương liên quan đến sự cố 18 bệnh nhân chạy thận sốc phản vệ, 7 người tử vong. Tại buổi làm việc này, sau khi nghe lãnh đạo Sở Y tế Hòa Bình báo cáo các nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã tuân thủ đúng quy trình chạy thận, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến truy vấn: “Đồng chí Giám đốc Sở Y tế có nói nhân viên y tế tuân thủ theo quy trình. Vậy tại sao xảy ra chuyện?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bà chia sẻ với các đồng nghiệp vì sự cố quá lớn, khiến các y bác sĩ đau đớn, hoang mang, song cũng đề nghị: “Tôi mong muốn các đồng chí trung thực, cầu thị để cơ quan điều tra sớm kết thúc, khoa sớm trở lại hoạt động, phục vụ bệnh nhân. Nếu không đẩy nhanh tốc độ sẽ càng áp lực cho y bác sĩ”.

Trong ngày 30 và 31-5, cơ quan Công an đã làm việc với các tổ chức, cá nhân liên quan để xác định nguyên nhân dẫn tới 7 người tử vong ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó có Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (trụ sở tại đường Trung Yên 3, phường quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Đây là đơn vị cung ứng thiết bị vật tư, bảo hành, bảo trì thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Theo hồ sơ, ngày 28-5, Công ty Thiên Sơn tiến hành kiểm tra, bảo trì, súc rửa hệ thống máy lọc nước tinh khiết liên quan tới các thiết bị lọc máu phục vụ bệnh nhân điều trị chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Theo ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hoà Bình, hiện Sở đã thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, truy tìm nguyên nhân sự cố nghiêm trọng vừa qua, gồm lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, bác sĩ điều trị, đại diện Sở Y tế, ngoài ra đã mời 4 chuyên gia đầu ngành tham gia. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Hội đồng chuyên môn này phải hoạt động tích cực, khách quan để sớm tìm ra nguyên nhân và ổn định tình hình, lỗi bệnh viện đến đâu phải xác minh rõ đến đó.

Trước mong muốn của Sở Y tế Hòa Bình về việc sớm khôi phục lại hoạt động của Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Đa khoa tỉnh để hơn 100 bệnh nhân suy thận không phải vất vả di chuyển về Hà Nội chạy thận, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, muốn Khoa trở lại hoạt động, bệnh viện phải nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, để cuộc điều tra chấm dứt, công bố nguyên nhân, công khai dư luận. 

Hiện tại, 10 bệnh nhân chạy thận được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai đều đã ổn định. Bệnh nhân nặng cuối cùng trong sự cố này là bà Nguyễn Thị Bích Nguyên (45 tuổi), hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (do không đủ điều kiện sức khỏe để chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai), tính đến sáng 31-5, sức khỏe đang có những diễn tiến thuận lợi. Dù vậy, bệnh nhân vẫn đang phải hồi sức bằng thở máy, lọc máu liên tục, truyền thuốc co mạch, trợ tim...

Đã kiểm thảo, xem xét 4 nguyên nhân 

Theo bác sĩ Hoàng Công Tình, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Bệnh viện đã tiến hành kiểm thảo, xem xét lại 4 nguyên nhân chính có thể gây ra tai biến. Đầu tiên về quy trình, tuy nhiên trong 7 năm qua bệnh viện vẫn vận hành như vậy mà không xảy ra vấn đề gì. Hơn nữa, nếu quy trình sai, máy móc sẽ không thể vận hành. Thứ hai, nếu quả lọc không đảm bảo cũng có thể gây tai biến cho người bệnh.

Tuy nhiên trong 18 bệnh nhân chạy thận sáng 29-5 thì có 1/3 số bệnh nhân sử dụng quả lọc mới cũng xuất hiện triệu chứng tương tự. Nguyên nhân thứ ba có thể do dịch lọc. Song dịch lọc cho 18 bệnh nhân này vẫn còn nguyên đai nguyên kiện nhận về từ phòng vật tư và số dịch lọc này trước đó đã tiến hành lọc thận cho các bệnh nhân mà không xảy ra tai biến. Thứ tư có thể là do hệ thống nước đi qua dịch lọc. Dù vậy, trước sự cố 1 ngày, hệ thống nước đã được bảo trì.

Ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện, Phụ trách đơn nguyên thận - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, hệ thống nước lọc thận được bệnh viện bảo trì ngày 28-5, khi không có bệnh nhân chạy thận. Việc bảo trì do phòng vật tư và một công ty tại Hà Nội phụ trách. Sau khi bảo trì xong họ đã bàn giao, có biên bản ký nhận đảm bảo chất lượng. Ông Khiếu nêu rõ, việc bảo trì này là thường quy. Sau khi được bàn giao, vào ca chạy thận, bác sĩ kiểm tra máy, chuẩn bị bệnh nhân đủ điều kiện đưa vào lọc máu. Suốt từ khi thành lập đến nay, quy trình này vẫn đảm bảo và không gây tai biến gì cho đến trước khi xảy ra sự cố vào sáng 29-5.