Bệnh viện kêu thiệt tiền tỷ

ANTĐ - Trước kiến nghị khẩn thiết của các BV trực thuộc thành phố, Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ trình HĐND TP thông qua khung giá viện phí mới tại kỳ họp HĐND đầu tiên của năm nay và dự kiến sẽ chính thức áp dụng từ 1-7 tới.

Càng khám nhiều, càng lỗ…

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Quốc Kỷ, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội) chia sẻ, hiện BV có khoảng 80.000 thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh, bình quân mỗi năm khám cho khoảng 200.000-300.000 lượt bệnh nhân. BV có hai nguồn thu chính, một thu từ các dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh và một do quỹ BHYT chi trả. Phần thu lại từ quỹ BHYT chi trả chiếm tỷ trọng lớn, nhưng do BV vẫn đang áp dụng mức giá viện phí cũ nên ước tính mỗi năm BV mất đi khoảng 1 tỷ đồng (so với nguồn thu từ BHYT) nếu được thực hiện khung giá viện phí mới theo thông tư 04 của Bộ Y tế. 

Cũng vì mức thu theo viện phí cũ đã quá thấp, thu không đủ bù chi khiến cho BV Việt Nam – Cu Ba gặp rất nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động và phát triển, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cán bộ công nhân viên. Ông Kỷ dẫn chứng, trong năm 2012 vừa qua, do mức thu thấp, quỹ phúc lợi không đảm bảo nên 9 tháng liền toàn bộ nhân viên của BV không có tiền hỗ trợ ngoài lương (những năm trước đó khoản tiền này bình quân là 1,8-2 triệu đồng/người/tháng). Ngay đến thưởng Tết âm lịch vừa rồi, bình quân mỗi cán bộ nhân viên của BV cũng chỉ được thưởng khoảng 1 triệu đồng. 

Phân tích kỹ hơn về điều này, ông Kỷ cho biết, ngoài khoản tiền lương cơ bản được nhà nước cấp cho 207 (trên tổng số 300 cán bộ nhân viên đang làm việc tại BV) thì hầu hết các khoản chi còn lại BV đều phải tự hạch toán chi trả. Số lãi làm ra, BV phải dành 40% đầu tư cho quỹ phát triển, mua sắm trang thiết bị, còn lại là chi trả lương cho cán bộ hợp đồng và rất nhiều khoản khác, từ điện nước, thuốc men… Viện phí thấp, ngân sách nhà nước hỗ trợ eo hẹp nên càng khám nhiều càng lỗ. 

Sẽ áp dụng viện phí mới từ 1-7

Cảnh ngộ trên cũng là thực trạng chung mà hầu hết các BV của Hà Nội như BV Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn, BV đa khoa Hà Đông… đang phải đối mặt. Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc BV Xanh Pôn dẫn ví dụ, kỹ thuật đặt ống dẫn lưu màng phổi hiện BV được BHYT chi trả 64.000 đồng, tuy nhiên giá mua 1 sonde dẫn lưu đã là 240.000 đồng (theo giá đấu thầu). Như vậy, để chi phí điều trị không bị thâm hụt BV buộc phải sử dụng sonde Nelaton (là sonde dùng để thông tiểu) hoặc tận dụng dây truyền dịch để làm sonde dẫn lưu màng phổi, việc đảm bảo an toàn và chất lượng điều trị rất khó, hoặc không BV buộc phải chấp nhận bù lỗ. 

Tính đến thời điểm này, cả nước chỉ còn 3 địa phương gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quảng Ninh là chưa áp dụng khung giá viện phí mới. Do đặc thù riêng của Thủ đô có rất nhiều BV tuyến Trung ương và BV của các Bộ, ngành cùng đóng trên địa bàn nên suốt gần một năm nay, câu chuyện giá viện phí cũ và mới đang tạo ra sự mất công bằng đáng kể giữa cùng hệ thống khám chữa bệnh nhà nước. Theo lý giải của Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh, năm 2012, 2 địa phương này có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao nên HĐND TP lo ngại nếu tăng viện phí sẽ làm CPI tăng cao hơn nữa, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống nhân dân. Tại buổi làm việc với Hà Nội mới đây, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, hiện nay điều kiện đã cho phép nên UBND TP Hà Nội cần trình HĐND TP thông qua khung giá viện phí mới ngay trong năm 2013.

 Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã đề xuất thành phố điều chỉnh tăng viện phí với hơn 600 dịch vụ kỹ thuật, mức tăng giai đoạn 1 từ 70-75% so với khung giá tối đa mà Bộ Y tế ban hành theo thông tư 04. UBND TP sẽ trình HĐND TP thông qua khung giá viện phí mới này và dự kiến Hà Nội sẽ áp dụng từ 1-7-2013.