Bệnh viêm não trẻ em bất ngờ tăng mạnh

ANTĐ - Không chỉ tăng mạnh về số mắc, bệnh viêm màng não trẻ em tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thời gian gần đây đang diễn biến khó lường với nhiều trường hợp tai biến nặng. Thậm chí, nhiều bệnh nhi bị viêm màng não mủ được điều trị tại bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh cả tuần lễ cũng không phát hiện ra bệnh.
Bệnh viêm não trẻ em bất ngờ tăng mạnh ảnh 1

Bệnh nhi mắc viêm màng não tăng mạnh trong 2 tuần gần đây

Dễ nhầm với bệnh lý khác

Sau hơn 50 ngày điều trị, các bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai đã cứu sống được bệnh nhi Đồng Quốc Việt (8 tháng tuổi, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, Nam Định) bị viêm màng não mủ biến chứng rất nặng. Trước đó gần 2 tháng, bé Việt có triệu chứng ho, sốt 3 ngày, sau đó bị tiêu chảy, nôn nhiều lần, quấy khóc nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện huyện Hải Hậu.

Cháu bé được chẩn đoán viêm phổi và chỉ định điều trị bằng kháng sinh nhưng sau 6 ngày bệnh tình vẫn không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn, gia đình phải xin chuyển thẳng lên Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, mất thêm vài ngày theo dõi nữa, các bác sĩ mới chẩn đoán đúng bệnh của cháu là viêm màng não mủ chứ không phải viêm phổi. 

Do được chẩn đoán muộn, bệnh đã diễn biến ở tuần thứ hai (ngày thứ chín của bệnh) nên tình trạng bệnh nhi hết sức nguy kịch. Bác sĩ Phạm Văn Hưng, Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi Đồng Quốc Việt cho biết, viêm màng não mủ nếu phát hiện trong 3 ngày đầu sau khi có biểu hiện thì điều trị rất đơn giản, nhưng nếu phát hiện muộn hơn trong thời gian từ 3 - 7 ngày thì nguy cơ cao để lại di chứng, đặc biệt nếu phát hiện muộn hơn 7 ngày thì chắc chắn sẽ có di chứng.

Thực tế trong thời gian điều trị, có thời điểm bệnh nhi Việt rơi vào trạng thái hôn mê tưởng chừng không qua khỏi. Thế nên, khi bé được điều trị khỏi hoàn toàn sau hơn 50 ngày mà không để lại di chứng gì, đó thực sự là một kỳ tích.

Nằm điều trị tại khoa Nhi hiện có khoảng 20 trường hợp khác mắc viêm màng não. ThS Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi cho biết, hiện nay, ngày nào Khoa cũng tiếp nhận bệnh nhân mắc viêm màng não, cá biệt có ngày 2 - 3 trường hợp vào viện. Số bệnh nhân mắc tăng mạnh trong 2 tuần trở lại đây.

Tuy nhiên, do đang thời điểm nắng nóng nên bệnh này bị lẫn với rất nhiều bệnh khác có cùng triệu chứng sốt khiến việc chẩn đoán sớm gặp nhiều khó khăn. Hầu như 100% trường hợp đến khám vì nhầm với bệnh tiêu chảy, viêm phổi, sốt xuất huyết… chứ không nghĩ tới viêm màng não.

Ác mộng do lạm dụng kháng sinh

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chẩn đoán viêm màng não mủ ở trẻ dưới 1 tuổi khó hơn rất nhiều so với trẻ lớn và người lớn. Khó khăn lớn nhất mà các bác sĩ phải đối mặt hiện nay là tình trạng lạm dụng kháng sinh tràn lan khiến các biểu hiện điển hình của bệnh mất đi, thậm chí gần đây đã xuất hiện một số bệnh nhi bị viêm màng não mủ có triệu chứng ngược với bình thường. Nếu bác sĩ không đủ kinh nghiệm và không thường xuyên cập nhật các kiến thức mới thì không thể phát hiện được. 

“Khoảng 80-90% bệnh nhi đến Bệnh viện Bạch Mai đã tự uống kháng sinh trước đó. Việc lạm dụng kháng sinh đã khiến nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng diễn biến ngày càng phức tạp, việc chẩn đoán ngày càng khó khăn hơn. Đây cũng là lý do khiến không ít bệnh nhân bị viêm màng não mủ nhưng sau nhiều ngày điều trị tại bệnh viện tuyến huyện, tỉnh không phát hiện ra, giống như trường hợp của bệnh nhi Đồng Quốc Việt kể trên” – PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng phân tích.

Cũng theo bác sĩ Dũng, trong thời điểm viêm màng não đang tăng mạnh như hiện nay, các bác sĩ chỉ cần nghĩ đến trường hợp viêm màng não mủ thì phải lập tức cho bệnh nhân chọc dịch não tủy để chẩn đoán chính xác. Còn đối với người bệnh, bác sĩ Nguyễn Thành Nam khuyến cáo, khi trẻ có bất cứ triệu chứng nào giống như cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường như sốt, sổ mũi, đặc biệt là kêu đau đầu và nôn, sốt cao; triệu chứng buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn; sốt, đau đầu không rõ nguyên nhân thì cần đưa ngay tới bệnh viện để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm.