Bệnh ung thư (4): Ăn uống ra sao để tránh tử vong vì suy kiệt?

ANTD.VN - Nhiều người khi được chẩn đoán mắc ung thư thay vì tới bệnh viện chữa trị và nghe theo chỉ định của bác sĩ, lại chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm kiếm những bài thuốc dân gian và những “mẹo” trị bệnh bằng cách ăn kiêng. Điều này không những không chữa khỏi bệnh cho họ mà còn khiến họ rơi vào tình trạng suy kiệt sức khỏe, nhiều người thậm chí còn chết vì suy dinh dưỡng trước. Vậy, để đảm bảo sức khỏe, bệnh nhân ung thư nên ăn uống thế nào cho phù hợp?

Mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và ung thư

Mặc dù nguồn gốc và các yếu tố gây ra ung thư đến nay vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải, nhưng y học cũng đã chứng minh rằng chế độ ăn uống góp phần quan trọng trong quá trình điều trị của bệnh nhân, thậm chí 1 thực đơn ăn uống không lành mạnh cũng là nguyên nhân dẫn tới ung thư và tái phát ung thư.

Nhóm các nhà khoa học tại Đại học y khoa Havard (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu về vấn đề này. Họ đã theo dõi hơn 90.000 người phụ nữ trong độ tuổi 26-49 trong suốt 12 năm từ năm 1991-2003. Cứ 4 năm 1 lần, nhóm nghiên cứu sẽ tới thu thập dữ liệu về thực đơn ăn uống của những đối tượng này và ghi chép về những căn bệnh họ mắc phải. Đến năm 2003, các nhà khoa học xác định hơn 1.000 người trong số đó mắc bệnh ung thư vú.

Kết quả của nghiên cứu này chỉ ra rằng, những phụ nữ ăn thịt đỏ (VD: thịt bò) với mức bình quân 150g/ngày có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với những người chỉ ăn dưới 300g/tuần. Eunyoung Cho, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng chính hoóc môn hoặc những hợp chất có tác dụng giống hoóc môn là tác nhân kích thích sự phát triển của ung thư vú.

Một nhóm các nhà khoa học khác ở Pháp cũng tiến hành thí nghiệm kéo dài 2 năm. Trong 2 năm đó họ nuôi chuột bằng loai ngô biến đổi gene NK603. Kết quả được công bố trên tạp chí Thực phẩm và hóa chất độc hại cho thấy, có khoảng 50-80% số chuột được đem làm thí nghiệm mắc bệnh ung thư, nhiều con khác bị tổn thương gan hoặc gặp các vấn đề ở thận hoặc hệ tiêu hóa. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, cả ngô biến đổi gene NK603 và thuốc diệt cỏ đều có tác dụng tương đương nhau lên chuột. Trong đó, nhiều con, đặc biệt là chuột cái, chết sớm hoặc mắc phải những tổn hại đáng kể.

Vì vậy muốn nâng cao chất lượng điều trị, phòng ngừa tái phát, di căn bệnh ung thư, không chỉ hoàn toàn dựa vào phẫu thuật, hóa, xạ trị mà cần nâng cao hệ thống miễn dịch kèm theo dinh dưỡng hợp lý. Tuy nhiên, tùy từng loại bệnh, giai đoạn, sức khỏe của người bệnh sẽ có những chế độ ăn phù hợp.

Người bệnh nên ăn gì và kiêng gì?

Bệnh ung thư (4): Ăn uống ra sao để tránh tử vong vì suy kiệt? ảnh 1

Chế độ ăn phù hợp với những người bệnh ung thư

Người bệnh ung thư cần có một chế độ ăn uống đặc biệt để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Phần lớn bệnh nhân đều rơi vào tình trạng chán ăn do sức khỏe suy yếu, kèm theo tâm lý chán nản do bệnh tật. Bởi vậy, trong quá trình điều trị và dự phòng ung thư, người bệnh cần tìm hiểu rõ về các giai đoạn bệnh và thể trạng của bản thân để lựa chọn một thực đơn ăn uống phù hợp nhất.

Nguyên tắc chung của việc này là chọn những thực phẩm dễ tiêu, hợp khẩu vị, chia nhỏ và ăn thành nhiều bữa để đảm bảo đầy đủ năng lượng, chất dinh dưỡng cho cơ thể để chống chọi lại căn bệnh ung thư.

Trên thực tế, cần tập trung ăn nhiều hơn vào các bữa sang và trưa do buổi sáng khả năng hấp thụ và tiêu hóa tốt hơn. Khẩu phần ăn cần tăng protein nhiều hơn so với mức bình thường. Các loại thực phẩm như đậu nành, trứng, cá, hải sâm, sò huyết, bào ngư, thịt gà, vịt.. là những nguồn cung cấp protein tốt đối với những bệnh nhân ung thư. Ngoài ra, người bệnh cũng cần uống nhiều nước, khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày, để đảm bảo sức khỏe trước sự thay đổi về chuyển hóa trong cơ thể, cũng như để làm giảm tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư. 

Bác sĩ cũng khuyến khích bệnh nhân sử dụng các loại rau củ có vỏ dày, ít bị ngấm các loại thuốc kích thích tăng trưởng, hoặc các chất bảo quản như bưởi, dừa, đu đủ, chuối, thanh long, bí xanh, bí đỏ, xu hào, khoai sọ, khoai lang, củ đậu, ngô non, và các loại rau như diếp cá, rau ngót, rau dền, súp lơ xanh… cũng được khuyên dùng. Người bệnh cũng có thể sử dụng 1 số loại vitamin tổng hợp hoặc chất khoáng hằng ngày với liều nhỏ để cơ thể khỏe mạnh.

Đối với những thực phẩm bệnh nhân ung thư nên kiêng, lưu ý hạn chế ăn các loại đồ ăn chế biến sẵn đóng hộp bởi trong đó chứa nhiều chất bảo quản. Nên tránh các món được chế biến bằng cách nướng, hun khói, rán, tẩm ướp đường vào thịt.

Ngoài ra, những thực phẩm có khả năng gây đầy hơi như đậu sống, tái, gia vị cay như ớt, hạt tiêu cũng phải tránh. Hạn chế ăn các loại thịt đỏ như lợn, trâu, bỏ... vì chúng chứa protein có cấu trúc phức tạp, khó tiêu, khó hấp thụ. Bên cạnh đó, những thực phẩm này còn có tính axit cao, dư chất kháng sinh, hormon tăng trọng, ký sinh không tốt cho bệnh nhân ung thư.

Cuối cùng, người bệnh cũng cần hạn chế sử dụng các loại bột dinh dưỡng có nguồn gốc từ các loại thực phẩm biến đổi gene và những loại đổ uống có chứa caffeine như cà phê, trà và sô cô la. Ngoại trừ trà xanh được khuyến khích sử dụng bởi trong đó có chứa loạt chất chống ung thư và có lợi cho sức khỏe bệnh nhân.

Tóm lại, cần có một chế độ ăn uống phù hợp theo tỷ lệ sử dụng 30% các loại hạt; 30% các loại củ; 20% rau, quả; 10% đạm động vật như cá, tôm, cá hồi... và 10% còn lại có thể từ các nguồn dinh dưỡng chế biến khác như tảo biển, tảo nâu (Fucoidan), phiêu sinh vật biển (Phytoplankton)… để đảm bảo chất dinh dưỡng hợp lý cho các bệnh nhân ung thư.