Bệnh nhi nhẹ tự ý vượt tuyến sẽ bị trả về

ANTĐ - Một trong những giải pháp mà Bộ Y tế sẽ triển khai nhằm giảm tải ở Bệnh viện Nhi Trung ương là huy động sự tham gia của các bệnh viện tuyến dưới. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, để san sẻ gánh nặng cho Bệnh viện Nhi Trung ương vào thời điểm này là rất khó.

Tình trạng nằm ghép tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang rất phổ biến do quá tải

Không ai muốn nhận

Trong thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương rơi vào cảnh quá tải trầm trọng, đặc biệt là quá tải bệnh nhi bị biến chứng nặng do sởi. Áp lực quá tải lớn đến mức trong 2 buổi làm việc liên tục với Bộ Y tế vào cuối tuần qua, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã phải “cầu cứu” rằng “đây không còn là vấn đề riêng của Bệnh viện Nhi Trung ương mà là vấn đề quốc gia, vượt tầm kiểm soát của chúng tôi”. Hiện tại, một trong những giải pháp khả thi nhất được đưa ra là cần phải huy động mạnh mẽ hơn sự tham gia của các bệnh viện tuyến dưới để san sẻ gánh nặng cho tuyến trên.

Theo khảo sát của chúng tôi tại khoa Nhi – Bệnh viện Thanh Nhàn, tình trạng quá tải bệnh nhi đã diễn ra trong hàng tháng nay nhưng chưa có dấu hiệu giảm. Khoa này dành riêng một phòng điều trị với gần 10 giường bệnh để chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhi mắc sởi nhưng hiện các giường đều phải nằm ghép. Mặc dù đã gắn biển “phòng cách ly” nhưng do quá tải, bệnh nhân mới ra vào liên tục nên cửa “phòng cách ly” luôn mở, thông với các phòng khác, còn bệnh nhi mắc sởi thì vô tư đi lại trong khoa, đứng đầy cả hành lang. Nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh sởi cho các bệnh nhi khác trong khoa là rất lớn. 

Hoàn cảnh của khoa Nhi – Bệnh viện Xanh Pôn cũng không khá hơn. Cả khoa có 120 giường bệnh thì thường xuyên phải tiếp nhận điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân. Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đặt vấn đề chuyển bớt 4 bệnh nhân sởi biến chứng nặng của Hà Nội về Bệnh viện Xanh Pôn để tiếp tục điều trị, nhằm giảm bớt áp lực, tuy nhiên, lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn cho biết bệnh viện khó có thể tiếp nhận thêm bệnh nhân nặng từ tuyến trên chuyển về bởi hiện khoa Nhi của bệnh viện chỉ có 4 máy thở, nếu 4 bệnh nhân nặng về “ôm” hết 4 máy thở thì các bệnh nhi nặng khác không thể giải quyết được.  

 

Sẽ siết chặt chuyển tuyến

Chuyển bệnh nhi tuyến trên xuống tuyến dưới để giảm áp lực quá tải cho Bệnh viện Nhi Trung ương vào thời điểm này, như đã phân tích, là rất nan giải. Do đó, biện pháp khả thi hơn là siết chặt tình trạng bệnh nhân tự ý vượt tuyến, chuyển tuyến không cần thiết từ tuyến dưới lên tuyến trung ương. PGS.TS Lê Thanh Hải đề xuất Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế có các văn bản siết chặt công tác này để Bệnh viện Nhi Trung ương có căn cứ làm chặt và tốt hơn công tác chuyển viện. Ngoài mong mỏi được sự chia sẻ hơn nữa từ các bệnh viện tuyến cơ sở, TS Lê Thanh Hải cũng đề xuất bệnh viện tuyến dưới không chuyển bệnh nhân nhẹ, trong khả năng chữa trị của mình lên tuyến trên. Thậm chí, ở các bệnh viện vệ tinh đã được trang bị máy thở, máy lọc máu nhưng hiệu suất sử dụng chưa cao thì khi cử học viên lên Bệnh viện Nhi Trung ương học nên mang theo các máy này để vừa phục vụ học viên học tập vừa phục vụ bệnh nhân, học xong lại mang về.

TS Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế Hà Nội đồng ý quan điểm nếu người dân chỉ mắc bệnh nhẹ mà tự ý vượt tuyến đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám thì Bệnh viện Nhi Trung ương có thể không tiếp nhận, chuyển trả về tuyến dưới. Cũng theo bà Liên, nếu chỉ tập trung giải quyết riêng cho Bệnh viện Nhi Trung ương cũng không giải quyết được quá tải mà lâu dài cần một giải pháp đồng bộ như xây dựng thêm cơ sở mới, tăng cường chuyên môn cho tuyến dưới, tuyên truyền người dân hiểu để không tự ý vượt lên tuyến trung ương nữa…