Bệnh nhi nhập viện tăng mạnh do nắng nóng

ANTĐ - Theo khảo sát của PV vào ngày hôm qua, 20-5, mới đầu tuần song hầu hết các BV Nhi, khoa Nhi của các BV trên địa bàn Hà Nội, … đều có số lượng bệnh nhân đến nhập viện tăng đột biến. Ngoài ra, không ít trường hợp là người lao động phải làm việc ở môi trường ngoài trời trong những ngày nắng nóng vừa qua đã rơi vào tình trạng say nắng, thậm chí nguy kịch.

Sau mỗi đợt thay đổi thời tiết, số lượng bệnh nhi nhập viện đều tăng cao

Quy luật tất yếu

Tuần trước, trung bình mỗi ngày BV Nhi Trung ương đón tiếp khoảng 2.000-2.300 bệnh nhi đến khám và điều trị, chưa có dấu hiệu tăng đột biến so với những ngày trước đó dù thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, đến hôm qua, lượng bệnh nhân vào điều trị đã có dấu hiệu tăng mạnh, mới ngày đầu tuần đã lên đến gần 3.000 trường hợp. TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, thời tiết thay đổi đột ngột bao giờ cũng khiến cho số người đổ bệnh, nhất là người già và trẻ nhỏ phải vào BV điều trị tăng cao. Tuy nhiên trong những ngày đầu của một đợt thay đổi thời tiết, số bệnh nhân phải vào viện thường có xu hướng giảm chút ít chứ không tăng ngay. Lý do là vì thời tiết nắng nóng đầu mùa, các bậc cha mẹ có tâm lý ngại đưa con đi xa nên thường chọn cách đưa trẻ đến khám tại các bác sĩ, phòng khám tư nhân hoặc cơ sở y tế gần nhà, thậm chí cố gắng tự điều trị. 

Tuy nhiên, khi nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài, số trẻ đổ bệnh nhiều hơn, cộng thêm tình trạng nhiều bệnh nhân đã điều trị tại các cơ sở y tế gần nhà nhưng không đỡ buộc phải đến BV tuyến cao hơn, đó là lúc bệnh nhân ùn ùn nhập viện. TS Trần Minh Điển cho biết thêm, cùng với xu hướng bệnh nhi nhập viện bắt đầu tăng nhanh thì số bệnh nhân nặng đến điều trị tại viện trong thời gian này cũng chiếm tỷ lệ cao hơn. Đa số trẻ mắc các bệnh có liên quan đến thời tiết nắng nóng như bệnh đường hô hấp, viêm phế quản, viêm họng hoặc tiêu chảy do thức ăn đồ uống dễ ôi thiu… Các bác sĩ khoa Khám bệnh của BV này cũng cho biết, thời gian gần đây, nhiều trẻ mặc dù bị muỗi đốt, da mẩn ngứa nhưng các bậc phụ huynh tưởng nhầm là bệnh tay chân miệng nên đưa đi khám, góp phần khiến cho bệnh viện thêm quá tải. 

Tại Khoa Nhi - BV Bạch Mai, số trẻ đến khám trong ngày đầu tuần (20-5) đã tăng gần gấp đôi so với những ngày trước đó, lên đến gần 400 trẻ, trong khi cả khoa chỉ có 60 giường bệnh nên tình trạng nằm ghép đã diễn ra. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh cảnh nặng, bị hen suyễn, sốt siêu vi, viêm phổi… phải điều trị dài ngày. 

Có thể tử vong do say nắng

Với những trường hợp phải làm việc ở môi trường ngoài trời trong những ngày nắng nóng này, nguy cơ bị say nắng, gặp những phản ứng cấp do nhiệt độ cơ thể không được điều hòa kịp thời rất dễ xảy ra. Như ANTĐ đã đưa tin, tuần qua đã có một nạn nhân tử vong vì bị say nắng do phải làm việc ngoài trời trong tình trạng nắng nóng gay gắt. Nạn nhân là một nông dân ở huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), bị bất tỉnh trên ruộng lúa lúc đang gặt hái, được đưa vào nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, trụy mạch, rối loạn thần kinh trung ương và tử vong sau đó ít giờ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, khi ở quá lâu dưới ánh nắng mặt trời dễ bị tăng thân nhiệt, khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể bị mất, dẫn đến tình trạng say nắng. Lúc này, nạn nhân cần được nhanh chóng làm giảm thân nhiệt bằng cách đưa ngay vào chỗ thoáng mát, đặt nạn nhân nằm ngửa, gác chân lên cao, cởi bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối… để cơ thể hồi phục. Còn nếu bệnh nhân đã có dấu hiệu bị say nắng như chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, sốt cao đột ngột, hoa mắt… mà không được vào chỗ mát kịp thời thì dễ bị bất tỉnh ngay ngoài trời nắng, gây rối loạn và tổn thương các cơ quan, rối loạn hệ thần kinh trung ương, đe dọa tính mạng. 

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, không chỉ người lớn mà số trẻ nhỏ bị say nắng phải nhập viện cấp cứu cũng khá thường gặp, nguyên nhân là do trẻ ham chơi, hiếu động, vận động liên tục ngoài trời ngay cả khi đang nắng thiêu đốt. Do vận động liên tục, ra nhiều mồ hôi, mất nước nên cơ thể càng tăng nhiệt. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý khi trẻ đi ở ngoài trời nắng về, ra nhiều mồ hôi, không nên cho trẻ vào ngay phòng dùng điều hòa quá lạnh. Tương tự, khi trẻ đang ở trong phòng dùng điều hòa thì hạn chế để trẻ đi ra, đi vào giữa hai nơi có nhiệt độ chênh lệch nhiều lần bởi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột như vậy rất không tốt cho sức khỏe của trẻ, có thể gây tình trạng cảm lạnh hoặc cảm nóng rất nguy hiểm.