Bệnh nhân đã không còn phải nằm ghép

ANTĐ - Nếu như trước đây, tại nhiều bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối, bệnh nhân phải nằm ghép 4-5 người/giường bệnh thì đến cuối năm 2015, số bệnh viện còn tình trạng nằm ghép đã giảm mạnh và chỉ để nằm ghép 2 bệnh nhân/giường. Lãnh đạo Bộ Y tế đã khẳng định như vậy tại hội nghị Tổng kết công tác y tế toàn quốc năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016, diễn ra sáng 15-1.

Bệnh nhân đã không còn phải nằm ghép  ảnh 1Năm 2015, ngành y tế Hà Nội đã đồng loạt triển khai đề án tiếp sức người bệnh

Trên 80% bệnh viện tuyến cuối giảm quá tải

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2015, ngành y tế đã bổ sung trên 4.500 giường bệnh tại các bệnh viện tuyến trung ương và tăng đáng kể số giường bệnh thực kê tại các cơ sở khám chữa bệnh. Quy trình khám chữa bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước, so với năm 2012 thời gian khám bệnh đã giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám bệnh. Cùng đó, nhờ hoạt động hiệu quả của mô hình bệnh viện         vệ tinh, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến đã giảm mạnh (từ 65-100%) nên tại trên 80% số bệnh viện trung ương và tuyến cuối, tình trạng quá tải, nằm ghép cơ bản đã được giải quyết.

Dù vậy, Bộ Y tế thừa nhận trong công tác này còn không ít tồn tại, cả những tồn tại gây bức xúc dân sinh như: việc liên doanh, liên kết lắp đặt trang thiết bị y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập còn có tình trạng lạm dụng kỹ thuật, xét nghiệm, chiếu chụp dẫn đến tăng chi phí khám chữa bệnh của dân… Qua kiểm tra đối với 6.309 cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, phát hiện  tới 1.421 cơ sở có vi phạm.

Cũng trong năm 2015, dịch bệnh cơ bản được khống chế, tình hình mắc và tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm lưu hành đều giảm so với năm 2014. Ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn gia đình lẫn bếp ăn tập thể có xu hướng giảm. Dù vậy, theo nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế, sai phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn là vấn đề rất nhức nhối, hàng thực phẩm chứa chất cấm, chất độc hại, hàng lậu, hàng giả vẫn còn phổ biến, đe dọa sức khỏe và tính mạng nhân dân.

Qua thanh tra, kiểm tra đối với 350.729 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong năm 2015, các địa phương đã phát hiện tới 78.130 cơ sở vi phạm… Một điểm đáng chú ý khác là trong năm 2015, lần đầu tiên tại Việt Nam đã có những ca mang thai hộ được pháp luật công nhận. 

8 vấn đề ngành y tế cần khắc phục

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả khá toàn diện mà ngành y tế đã đạt được trong năm 2015, đây là bước tiến dài trong công cuộc bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân và đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Theo Thủ tướng Chính phủ, từ lĩnh vực y tế dự phòng đến chất lượng khám chữa bệnh đều được đánh giá cao, nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu của Việt Nam đã sánh ngang tầm thế giới. Dù vậy, cũng còn rất nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân nên vì thế ngành y tế không thể chủ quan mà cần nỗ lực hơn nữa để phát huy điểm mạnh, hạn chế khó khăn, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành y tế cần đặc biệt lưu ý làm tốt hơn lĩnh vực y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, vì phòng bệnh hơn chữa bệnh, kiên quyết không để dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh lớn bùng phát. Muốn vậy, từ bộ cho đến y tế các địa phương phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tập trung triển khai quyết liệt công tác này, không chủ quan, lơ là với dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân các biện pháp chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh; phát triển mạnh hơn mô hình bác sĩ gia đình. 

Vấn đề thứ hai mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chưa thể an tâm, đó là an toàn thực phẩm. Theo Thủ tướng, đây là lĩnh vực còn rất nhiều việc phải làm. Từ Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Công an đến Bộ Y tế đều phải chung sức, phối hợp chặt chẽ để kiểm soát tốt hơn. Cùng đó, Thủ tướng đề nghị ngành y tế phải chăm lo đào tạo đội ngũ thầy thuốc có năng lực, trình độ chuyên môn và y đức tốt; mở rộng thêm mạng lưới bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện lớn; phát triển mạnh hơn các trung tâm y tế chuyên sâu, chất lượng cao.                  

Nhiều thẻ BHYT luân chuyển từ huyện này sang huyện khác

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, tính đến hết năm 2015, trên cả nước có 69.973.000 người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 4,7 triệu người so với năm 2014; đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 76,52% dân số.

Dù vậy, vẫn còn 15% học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT; tỷ lệ hộ gia đình tham gia BHYT còn hạn chế, mới đạt 31,3%. Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh, từ 1-1-2016, ngành y tế bắt đầu thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT ở tuyến huyện, qua giám sát của BHXH Việt Nam đã phát hiện có nhiều thẻ BHYT được luân chuyển từ huyện này sang huyện khác có thể nhằm mục đích trục lợi.