"Bệnh ngôi sao" trên sân khấu kịch

Sự ế ẩm của sân khấu Bắc nhiều năm nay đã trở thành chủ đề “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhiều lý do được đưa ra, nhưng “bệnh ngôi sao” của một số diễn viên sân khấu thì chưa ai nhắc đến, chưa ai nghĩ rằng đấy cũng là một “tội đồ” của sân khấu!

"Bệnh ngôi sao" trên sân khấu kịch

Sự ế ẩm của sân khấu Bắc nhiều năm nay đã trở thành chủ đề “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhiều lý do được đưa ra, nhưng “bệnh ngôi sao” của một số diễn viên sân khấu thì chưa ai nhắc đến, chưa ai nghĩ rằng đấy cũng là một “tội đồ” của sân khấu!

Chưa bao giờ hết cần "ngôi sao" cho sân khấu kịch
Chưa bao giờ hết cần "ngôi sao" cho sân khấu kịch

Thói thường, hẳn công chúng vẫn nghĩ, “bệnh ngôi sao” chỉ có ở các diễn viên điện ảnh sáng giá, những ca sỹ có tiếng, hoặc cùng lắm là những chân dài đắt sô- bởi người ta có cái cớ “vin” vào danh tiếng, nhan sắc, tiền bạc để mà kiêu với thiên hạ. Đã từ lâu, sân khấu phía Bắc không còn giữ được vị thế của mình trong làng giải trí. Sân khấu thua điện ảnh về tiếng tăm, sân khấu bị âm nhạc bỏ xa về tiền bạc và sự ồn ào. Và xin nhắc lại, sân khấu Bắc thất thu, ế ẩm, cánh gà khép kín, rạp tĩnh lặng và nghệ sỹ buồn nản suốt nhiều năm nay. Ở một nền sân khấu như thế lẽ nào lại có “bệnh ngôi sao”?

Ở Việt Nam có một nghịch lý, các diễn viên sân khấu- họ được đào tạo qua trường lớp để trở thành một diễn viên sân khấu, họ đầu quân cho các nhà hát sân khấu- nhưng, lại trở thành “ngôi sao” nhờ điện ảnh, truyền hình. Những sinh viên tốt nghiệp khoa Diễn viên, ĐH Sân khấu Điện ảnh, được đào tạo về căn bản lối diễn xuất sân khấu. Khi ra trường, sinh viên nào cũng khao khát về bằng được một nhà hát, để còn có “chỗ đi, chỗ về”, và nhất là khi, không có bất kỳ một hãng phim nào có biên chế cho diễn viên.

Bởi thế, diễn viên nào ra trường cũng “yêu sân khấu”, cũng “gắn bó hết mình với sân khấu”, ai ai cũng tuyên thệ sẽ đi đến cuối đường với sân khấu, bởi suy cho cùng, đó là nơi duy nhất đón nhận họ về, cho họ một chỗ làm, với một mức lương thấp nhưng đủ nuôi dưỡng niềm tin, để đến một ngày khi đủ “chín” có thể tung cánh đến các phim trường. Sân khấu Bắc không đủ sức tạo nên “ngôi sao”, vì quá ít công chúng. Chính điện ảnh và truyền hình đã góp công lăng-xê những diễn viên tĩnh lặng của sân khấu thành các “ngôi sao” tăm tiếng.

NS Vân Dung trong một vai diễn
NS Vân Dung trong một vai diễn

Diễn viên sân khấu là lực lượng chính của phim truyền hình và một số chương trình truyền hình. Để những cái tên Chí Trung, Vân Dung, Quang Thắng, Minh Hằng… trở thành những “ngôi sao” đắt sô, và có sức hút với công chúng đến thế, nhà hát Tuổi trẻ phải cảm ơn… Gặp nhau cuối tuần! Ngay đến những cái tên sáng giá như Lê Khanh, Lan Hương, Anh Tú, Nguyệt Hằng, Hoa Thuý, Khánh Huyền… cũng từ phim truyền hình mà có. Sức quảng bá của truyền hình đã nhân thêm sự nổi tiếng cho những gương mặt đẹp và tài năng của sân khấu Bắc.

Và ai cũng biết, khi băng-rôn quảng cáo cho đoàn kịch có dãy dài tên các “ngôi sao” hút khách thì giá vé của sân khấu sẽ được cải thiện nhiều tới mức nào. “Ngôi sao” là một cứu cánh hữu hiệu của sân khấu. Có “ngôi sao”, có khác.

Khi cái tên Xuân Bắc đình đám ở Gặp nhau cuối tuần và Đuổi hình bắt chữ, (không phải ngẫu nhiên), anh trở thành cái tên sáng giá có mặt trong hầu hết các vở bi, hài của nhà hát kịch Việt Nam. Nổi tiếng sau hàng loạt phim truyền hình, Trung Hiếu, Thu Hà, Minh Hoà, Minh Vượng… trở thành những gương mặt trụ cột của nhà hát kịch Hà Nội.

Và khi chắc thắng mình đã thành “sao”, xuất hiện đều đặn trong các phim truyền hình, nghiễm nhiên “xí phần” hầu hết vai chính trong các vở diễn của nhà hát, nhiều diễn viên vô tình mắc “bệnh ngôi sao”, mà không hề biết rằng, đó cũng là một cách xa rời công chúng.

Giới truyền thông nhắc đến diễn viên trẻ T là toát mồ hôi vì sự đỏng đảnh điển hình của “sao”. Nổi lên sau một vài bộ phim truyền hình có tiếng, T trở thành cái tên sáng giá của sân khấu. Tuy vậy, T nổi tiếng kiêu và rất né tránh với truyền thông. Không ít phóng viên hẹn phỏng vấn K.T, được cô cho giờ hẹn đàng hoàng, nhưng đúng giờ hẹn là… tắt máy, hoặc không nhấc máy. Không hiểu vì tránh rắc rối cho đời tư, hay vì “tính thích thế”. Đôi khi chỉ muốn hỏi về một vai diễn mới, một vở kịch mới dựng của nhà hát do cô đóng đào chính, nhưng hẹn được K.T chỉ là… “Niềm tin bị đánh cắp”.

Có những diễn viên chỉ mong đến được với công chúng
Có những diễn viên chỉ mong đến được với công chúng

Đôi khi vì lý do đời tư, đôi khi vì lý do công việc bận rộn, đôi khi chẳng hiểu vì lý do gì, một số diễn viên sân khấu “ngại” ra trước công chúng. Diễn viên xinh đẹp đang giữ những vai chính trong các vở kịch mới dựng của nhà hát Tuổi trẻ Q.T.P luôn lấy lý do “Chẳng có gì để nói về mình cả”, để sống khép mình lại. Dường như, cuộc sống trên sân khấu, cuộc sống với từng vai diễn, với một số diễn viên trẻ- thế đã là cống hiến hết mình rồi. Xét ở khía cạnh nào đó, là người của công chúng phải cần bản lĩnh hơn thế…

Tiếp xúc với công chúng chân thành là một cách quảng bá hình ảnh tích cực, và cũng là một cách thu hút khán giả cho sân khấu. Khán giả đến xem một vở diễn đôi khi không phải vì nội dung của nó, mà giản dị chỉ vì, vở diễn có diễn viên họ yêu quý đóng một vai trong đó. Đã có những khán giả phía Nam xếp hàng dài đợi mua vé vào xem… Thuý Nga, Hồng Vân đóng kịch mà không hề biết tên vở kịch. Cũng đã có những khán giả chen chân mua vé vào xem Đời cười chỉ vì muốn nhìn thấy tận mặt Vân Dung… Khán giả lúc nào cũng chân thành, và nhiều tình cảm như thế.

Đã xác định là người của công chúng, thì phải luôn đối diện với công chúng, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Người thông minh sẽ biết chọn cách riêng của mình… Nhưng nhất định không phải là sự lẩn tránh, im lặng, hay “kiêu ngạo” giữ tiếng chỉ vì sợ rắc rối. Mặt trái của sự nổi tiếng chắc chắn không bao giờ ngọt ngào, để chấp nhận được điều ấy, người nghệ sỹ cần phải có bản lĩnh.

PV

Theo Dân trí