Bệnh dịch hạch có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh thông thường

ANTĐ - Ngày 4-12, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trần Đắc Phu cho biết: Bệnh dịch hạch có thể được điều trị khỏi bằng các loại kháng sinh thông thường và sẵn có như Streptomycin, Chloramphenicol, Tetracycline, Sulfonamide. 

Ông Trần Đắc Phu cũng cho biết: Song song với việc điều trị bằng kháng sinh, người bệnh cần phải điều trị triệu chứng chống nhiễm độc thần kinh, chống rối loạn thần kinh nội tiết, rối loạn đông máu, rối loạn cân bằng kiềm toan, nhất là trong các trường hợp bệnh nặng. 

Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Người mắc bệnh dịch hạch có triệu chứng khởi phát đột ngột như ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và sốt cao từ 39 đến 40 độ C, hoại tử các mô và cơ quan trong cơ thể dẫn đến tử vong. Có nhiều thể lâm sàng nhưng phổ biến nhất là dịch hạch thể hạch (chiếm hơn 90% các thể bệnh). Thể phổi, thể nhiễm khuẩn huyết và thể màng não rất ít gặp, thường là thể thứ phát sau thể hạch. Dịch hạch thể phổi là thể nguy hiểm nhất vì tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong rất cao và thường xảy ra ở người trên 15 tuổi.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trước đây biện pháp phòng, chống dịch hạch có thể được thực hiện theo cách gây miễn dịch bằng vaccine. Tuy nhiên, hiệu lực của vaccine thấp, thời gian miễn dịch ngắn và không phòng được dịch hạch thể phổi. Vì vậy việc phòng, chống dịch hạch chủ yếu là giám sát vật chủ và vi sinh vật, phát hiện sớm bệnh nhân và điều trị kịp thời bệnh nhân dịch hạch, điều trị dự phòng với những người tiếp xúc và có nguy cơ lây bệnh, trong đó diệt chuột và diệt bọ chét là một biện pháp rất quan trọng.

Trước tình hình bệnh dịch hạch đang diễn ra phức tạp tại Madagascar và một số nước, mặc dù chưa đưa ra khuyến cáo hạn chế đi lại hay thương mại, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng nhiều nước cần giám sát các chỉ số nguy cơ về dịch tễ học để phòng bệnh. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp vị trí cũng như cấu trúc nhà ở và kho tàng hợp lý tránh chuột chui rúc và làm tổ. Khi thấy nhiều chuột chết bất thường, người dân phải khai báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất; không diệt chuột khi đang xảy ra dịch ở chuột và ở người. Khi có các biểu hiện nghi dịch hạch (sốt, nổi hạch…), người dân phải đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị kịp thời.