Bênh bố - con đánh chết người, bố có phải là đồng phạm?

ANTD.VN - Khoảng giữa tháng 10-2016, ông Nguyễn Văn A (SN 1970) và một số người dân cùng nhau góp công sức xây bức tường bao bằng gạch nhằm ngăn không để trẻ em bị ngã xuống ao rìa đường thôn. Khi nghe tin Phạm Văn H (SN 1973) đang phá đoạn tường bao này, ông A đã ra chỗ tường bao bị phá và chửi mắng anh H.

Nội dung vụ việc:

Thấy anh H sừng cồ, lại còn tiếp tục đạp vào tường bao, ông A đã xông vào đánh  anh H. Trong lúc cả hai đang xảy ra xô xát thì Nguyễn Văn Đ (là con trai ông A) vì bênh bố nên đã lao vào đấm vào mặt và đầu H. Tiếp đó, Đ còn nhặt viên đá to bằng nắm tay đập một nhát vào phía sau đầu anh H.

Thấy anh H ngã ngửa ra đường, đầu chảy máu thì hai bố con Nguyễn Văn A bỏ chạy về nhà. Anh H sau đó được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Tại Bản kết luận giám định pháp y đã xác định nguyên nhân chết của anh Phạm Văn H là do sốc chấn thương sọ não. 

Vấn đề đặt ra là Nguyễn Văn Đ đã phạm tội gì? Nguyễn Văn A có phải là đồng phạm của Đ hay không?

 Ý kiến bạn đọc:

Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người

Theo tôi, khi Nguyễn Văn Đ đập viên đá vào đầu anh H thì anh ta hoàn toàn không có ý thức chủ quan muốn tước đoạt tính mạng của anh H mà chỉ nhằm mục đích ngăn chặn không cho anh H tấn công bố mình nữa.

Hơn nữa, viên đá bị cáo dùng tấn công người bị hại không phải là viên đá to, do đó bản thân bị cáo không hề nghĩ rằng nó lại có thể gây thương tích nặng như vậy. Thêm vào đó, trong vụ việc này nạn nhân Phạm Văn H cũng có một phần lỗi. Do đó, chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm Nguyễn Văn Đ về tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người. 

Hoàng Quốc Đạt (Hai Bà Trưng - Hà Nội)

Nguyễn Văn Đ phạm tội giết người

Trong vụ việc này, có thể mặc dù Nguyễn Văn Đ không có ý thức tước đoạt sinh mạng của anh Phạm Văn H nhưng Đ phải ý thức được hành vi của mình có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

Pháp luật quy định, ai đó dùng hung khí hoặc chân tay tấn công vào những vị trí hiểm yếu trên cơ thể người khác hoặc thực hiện trong điều kiện, hoàn cảnh nguy hiểm thì buộc phải nhận thức được các hành vi đó có khả năng gây chết người và trên thực tế hậu quả chết người đã xảy ra.

Ngoài ra, trong những trường hợp này Nguyễn Văn Đ đã có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra vì sau khi gây án bố con Đ đã bỏ chạy về nhà. Do đó cần phải xử lý Nguyễn Văn Đ về tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp.

Nguyễn Thị Duyên(TP Hòa Bình - Hòa Bình) 

Hai bố con là đồng phạm 

Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Hình sự, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Theo tôi, trong vụ việc này mặc dù không có sự bàn bạc từ trước nhưng cả Nguyễn Văn Đ và Nguyễn Văn A đều đã tiếp nhận ý chí của nhau, cùng nhau dùng chân, tay đấm, đá anh H.

Sau đó, Nguyễn Văn Đ là người trực tiếp dùng viên đá đập vào đầu gây ra cái chết của anh H. Do đó, cả A và Đ đều là đồng phạm với vai trò là người thực hành. Do đó Nguyễn Văn A cũng phải bị xử lý với hành vi tương tự như Nguyễn Văn Đ.

Lê Văn Thanh (Phủ Lý - Hà Nam)

Nguyễn Văn A không đồng phạm giết người 

Theo nội dung vụ việc, khi Nguyễn Văn A đang dùng chân tay đánh nhau với anh Phạm Văn H thì Nguyễn Văn Đ cũng xông vào đấm, đá. Lúc đó, mặc dù Nguyễn Văn A không có hành vi ngăn cản Nguyễn Văn Đ nhưng cũng không có nghĩa rằng A đã thống nhất ý chí cùng với Đ để tước đoạt tính mạng của anh H.

Bởi lẽ, theo tôi thì khi xảy ra cãi vã, A có dùng chân tay đấm, đá anh H nhưng chỉ để đe dọa và ngăn chặn không cho anh H phá tường bao chứ không nhằm mục đích cố tình tước đoạt tính mạng của anh H. 

Nguyễn Vũ Hùng (Ứng Hòa - Hà Nội)

 Bình luận của luật sư:

Tội giết người và tội cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến chết người đều có những dấu hiệu giống nhau như: Hậu quả chết người xảy ra, thực hiện do lỗi cố ý và đều có hành vi khách quan như đánh, đâm, chém, bắn.

Mục đích của kẻ phạm tội giết người là cố ý tước đoạt tính mạng người khác, còn ở tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người chỉ là cố ý gây ra thương tích cho người khác. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất vẫn là cần xác định là ý chí chủ quan của người phạm tội. Đây là mấu chốt của vấn đề, để chúng ta có khả năng phân biệt được 2 tội này.

Để xác định được ý chí chủ quan cần dựa vào nhiều yều tố. Trước hết xuất phát từ nhận thức của can phạm về hành vi phạm tội, đồng thời thông qua hành vi phạm tội để xác định ý chí chủ quan về tội phạm. Ý chí chủ quan của người phạm tội được phản ánh ra bên ngoài bằng hành vi khách quan.

Do đó, khi xác định được rằng trong khi hành động, hành vi cố ý gây thương tích của người phạm tội là có nhiều khả năng làm chết người và bản thân bị cáo cũng nhận thức được điều đó (pháp luật buộc người phạm tội phải nhận thức được điều đó ngay cả khi người phạm tội cố tình lừa dối nhận thức của mình) như dùng vật dao sắc, nhọn đâm vào nơi hiểm yếu của cơ thể hay dùng vật nặng, cứng đập vào đầu người khác… thì không coi là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người mà phải định là tội giết người.

Trên thực tế, cần phải căn cứ vào từng tình tiết cụ thể của từng vụ án để xem xét khách quan và toàn diện để xác định ý chí chủ quan của người phạm tội.

Căn cứ theo nội dung của vụ việc này, theo tôi có cơ sở để khẳng định Nguyễn Văn Đ đã phạm vào tội giết người được quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự. Hành vi của Nguyễn Văn Đ đã xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng của anh Phạm Văn H, là khách thể được luật hình sự bảo vệ. Về mặt chủ quan của tội phạm, lỗi của Nguyễn Văn Đ là lỗi cố ý gián tiếp.

Trong tình huống trên, ta nhận thấy rõ hành vi phạm tội của Đ xuất phát từ việc thấy bố mình bị đánh, Đ đã dùng đá đập vào phía sau gáy anh H dẫn đến anh H bị chết khi được đưa đi cấp cứu.

Về lý trí, Đ hoàn toàn có thể nhận thức được rằng hành vi của mình rất nguy hiểm bởi việc dùng vật cứng đập vào sau gáy hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của người khác. Nếu chỉ mong muốn gây thương tích cho H, Đ hoàn toàn có thể đập vào những khu vực ít nguy hiểm như tay, chân, lưng...  Ở đây, vì bực tức vì thấy bố mình bị đánh nên Đ đã dùng đá đập vào sau gáy của anh H và sau đó để mặc hậu quả xảy ra. 

Trên thực tế, khi xem xét giữa tội giết người (hoàn thành) và tội cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến chết người thì cần phân biệt việc bị can không có mục đích giết người nhưng trong quá trình hành động biết rằng hành vi của mình tất yếu sẽ làm nạn nhân chết mà vẫn thực hiện; bị can không có mục đích giết người nhưng sử dụng hung khí nguy hiểm hoặc kể cả sử dụng chân tay tấn công vào các vị trí hiểm yếu trên cơ thể nạn nhân hoặc trong điều kiện, hoàn cảnh gây nguy hiểm cao... làm nạn nhân chết hoặc bị can không có mục đích giết người nhưng có ý thức để mặc hậu quả xảy ra thì cần định tội danh là giết người.

Trong vụ việc này, ta thấy rõ ràng cái chết của anh H là hậu quả trực tiếp từ hành vi của Đ. Theo những cơ sở trên đây ta có cơ sở khẳng định được H đã phạm tội giết người chứ không phạm tội cố ý gây thương thích dẫn đến chết người.

Về trường hợp của Nguyễn Văn A, tôi cho rằng Nguyễn Văn A không phải đồng phạm tội giết với Nguyễn Văn Đ. Bởi lẽ, đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia.

Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Chế định đồng phạm quy định tại Điều 20 Bộ luật Hình sự được hiểu là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

Bộ luật Hình sự quy định có 2 loại mà theo khoa học luật hình sự gọi là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp (phạm tội có tổ chức). Đồng phạm giản đơn là trường hợp tất cả những người cùng thực hiện một tội phạm đều là người thực hành.

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 3 Điều 20 Bộ luật Hình sự) là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu và là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia.

Trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Như đã phân tích ở trên, việc Đ dùng viên gạch đập vào đầu anh H là hoàn toàn do ý thức chủ quan và bột phát của Đ. Hơn nữa sự việc xảy ra quá nhanh, chỉ trong vòng vài giây đồng hồ nên A cũng không có thời gian để ngăn cản và cũng không mong muốn Đ thực hiện hành vi này.

Do đó, Nguyễn Văn A không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của Đ. Hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A không nhằm mục đích gây thương tích hay tước đoạt tính mạng của anh H và thực tế hành vi của A cũng chưa hề gây ra thương tích gì cho anh H. Do đó, Nguyễn Văn A chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội gây rối trật tự công cộng.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng(Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)