Bên trong môi trường thực nghiệm "sống thử" trên Sao Hỏa

ANTD.VN - Con người vẫn luôn mơ ước sống trên các hành tinh khác, nhưng sống ở Mặt trăng hay Sao Hỏa vẫn là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, tại Trung tâm Công nghệ Vũ trụ Ứng dụng và Trọng lực (ZARM) ở Bremen, phía Bắc nước Đức hiện giờ, người ta đã xây dựng một căn cứ mô phỏng môi trường sống thực để trải nghiệm sống và làm việc trên Sao Hỏa sẽ như thế nào.

Trên thế giới, hiện đã có hàng chục cơ sở mô phỏng môi trường sống khác với Trái đất, chủ yếu để nghiên cứu hiệu ứng tâm lý cuộc sống của các phi hành gia trong một không gian hạn chế. Trong khi đó, vẫn chưa có môi trường sống thực sự có thể hỗ trợ sự sống trong không gian. Mặc dù vậy, các nhà khoa học Đức hy vọng một ngày nào đó họ sẽ hoàn thiện nguyên mẫu cuối cùng cho một sứ mệnh trong không gian đầy tham vọng: mô hình có thể duy trì sự sống trên một Mặt trăng hoặc hành tinh khác. 

Bên trong môi trường thực nghiệm "sống thử" trên Sao Hỏa ảnh 1Mô-đun đầu tiên trong mô hình mô phỏng môi trường sống thực trên Sao Hỏa ở Bremen, phía Bắc nước Đức

Nguyên mẫu đầu tiên trên thế giới

Đó là mô-đun nguyên mẫu đầu tiên của cơ sở trong tương lai, được gọi là Mô phỏng Mặt trăng và Sao Hỏa (MaMBA). Vật thể hình trụ này cao 6m, đường kính 5m, được làm bằng gỗ và sơn màu xám kim loại. Mô hình được làm bằng gỗ để tiết kiệm còn vật liệu hiếm sẽ được sử dụng trong điều kiện xây dựng thực tế trên Mặt trăng hoặc Sao Hỏa trong tương lai.

Người đứng đầu dự án MaMBA là nhà địa vật lý Christiane Heinicke, người từng sống 1 năm cô lập trong môi trường sống trên Sao Hỏa giả định có tên HI-SEAS trên núi lửa Mauna Loa ở Hawaii. Năm 2017, Christiane Heinicke đã tham gia ZARM và bắt đầu xây dựng mô-đun nguyên mẫu đầu tiên. 

Có thể nói thách thức lớn nhất với MaMBA là sản xuất thực phẩm, tái chế đủ nước và không khí cũng như năng lượng. Một khía cạnh quan trọng khác trong thiết kế của MaMBA là lần đầu tiên nó cần tạo ra lá chắn khả thi để bảo vệ môi trường sống khỏi những cơn bão bụi có thể gây nguy hiểm cho các hệ thống hỗ trợ sự sống, cũng như bức xạ vũ trụ cực kỳ nguy hiểm.

Giống như Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), MaMBA được xây dựng từ 6 ô riêng biệt, được kết nối với nhau, mỗi mô-đun có 2 lối thoát bên cạnh đề phòng sự cố xảy ra ở đâu, người bên trong có thể thoát sang bên cạnh. Mỗi mô-đun phục vụ một mục đích đặc biệt: Ngoài phòng thí nghiệm, sẽ có một mô-đun cho xưởng làm việc, phòng tập thể dục kiêm nhà kính, nhà bếp, phòng giải trí và phòng ngủ. Hệ thống xử lý nước và liên lạc tương tự như hệ thống được sử dụng trên ISS cũng được tích hợp vào môi trường sống ở MaMBA.

Ở Trái đất mà vẫn “sống trên Sao Hỏa” 

Nguyên mẫu mô-đun đầu tiên được chế tạo như một phòng thí nghiệm mà các phi hành gia có thể sử dụng để mô phỏng nghiên cứu khoa học trên Mặt trăng và Sao Hỏa. Bà Birgit Kinkeldey, cán bộ của ZARM cho hay, MaMBA sẽ là môi trường sống được thiết kế để phục vụ các nhà địa vật lý, thiên văn học, sinh vật học, y học và tất cả các nhà khoa học khác quan tâm đến việc tiến hành nghiên cứu ngoài Trái đất.

Phòng thí nghiệm rộng khoảng 15m2, trong đó một nửa là không gian để làm việc và di chuyển xung quanh. Trong các giai đoạn tiếp theo của dự án, 5 mô-đun nữa sẽ được xây dựng, tạo ra toàn bộ môi trường sống hoàn thiện.

Đến nay, các nhà khoa học đã thực nghiệm cho 2 đội sống trong 2 tuần trong đó. Mọi chuyển động và tương tác của họ được theo dõi qua camera. Mạch đập của họ cũng được ghi lại bằng dây đeo cổ tay. Quá trình thực nghiệm sẽ rút kinh nghiệm xem loại thiết kế này có phù hợp với điều kiện làm việc hay không. Sau đó, các vướng mắc về kỹ thuật sẽ được giải quyết.

Dù không biết khi nào chúng ta sẽ lên được Sao Hỏa nhưng đó vẫn là chủ đề của rất nhiều bộ phim, sách, truyện tranh và nghệ thuật. Và việc xây dựng một môi trường sống tương tự Hành tinh Đỏ như MaMBA cho phép nhiều người hy vọng rằng ngày đó sẽ đến sớm hơn.

Kể từ khi con người bắt đầu thám hiểm không gian vào những năm 1950, các nhà khoa học đã nói về ước mơ được lên Sao Hỏa. Sao Hỏa là lựa chọn hấp dẫn nhất để con người có thể sống ngoài Trái đất, vì đây là hành tinh duy nhất trong hệ Mặt trời có bầu khí quyển. Tuy vậy, nó lại có điều kiện vô cùng khắc nghiệt, nhiệt độ có lúc lạnh tới -153 độ C, có mùa bão bụi lớn, thiếu tài nguyên hữu ích, bức xạ vũ trụ mạnh. Chưa kể, đường đến Sao Hỏa hiện giờ rất có thể chỉ là hành trình một chiều. Một khi muốn từ bề mặt Sao Hỏa trở lại quỹ đạo hoặc Trái đất, người ta sẽ cần hệ thống tên lửa đẩy như Soyuz hoặc Ariane nhưng điều kiện như vậy không thể thực hiện được.