Bé trai cũng có thể bị xâm hại tình dục, không bỏ lọt tội phạm ấu dâm

ANTD.VN - Không chỉ bé gái mà ngay cả bé trai cũng có thể trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục. Việc này gây ra những tổn thương kéo dài về tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển, thậm chí hủy hoại trẻ.

Bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở nhiều quốc gia và trong bất cứ hoàn cảnh nào thì những hành vi này đều gây tổn thương nặng nề về thể chất và tinh thần lâu dài đối với nạn nhân. Thời gian gần đây, những vụ xâm hại nghiêm trọng xảy ra với tần suất liên tục đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần có một cơ chế vững chắc hơn để bảo vệ trẻ em.

Bạo lực, xâm hại trẻ em là tảng băng chìm

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong 2 năm 2017 - 2018, toàn quốc đã xảy ra 3.499 vụ, với 3.546 trường hợp trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Trong 3 tháng đầu năm 2019, các cơ quan quản lý đã xử lý 310 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với số lượng là 325 trẻ. Phần lớn những hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý, nên những con số được nêu ra mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, còn một số lượng lớn các vụ việc chưa được xử lý vì gia đình, nạn nhân không tố giác, hoặc vì e ngại thông tin sẽ ảnh hưởng đến trẻ em trong gia đình.

Đánh giá chung về tình hình bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, qua theo dõi các vụ việc, xu hướng xâm hại tình dục ở trẻ em ở Việt Nam đang có diễn biến phức tạp. Cụ thể, xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là xâm hại trong đời thực mà còn xuất hiện cả trên môi trường mạng xã hội. Thủ phạm xâm hại trẻ em ngày càng đa dạng, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội thậm chí mang tính chất loạn luân. Đặc biệt, trẻ bị xâm hại ở nhiều lứa tuổi, thậm chí có em còn rất nhỏ, tình trạng xâm hại tình dục không chỉ xảy ra đối với trẻ em gái mà mọi trẻ em đều có nguy cơ.

Khủng hoảng, sợ hãi xảy ra với mọi đứa trẻ

Theo các nhà nghiên cứu, bạo lực, xâm hại đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em có thể gây nên những tổn thương kéo dài. Tổn thương về thể xác có thể do sự lây nhiễm những căn bệnh nguy hiểm qua đường tình dục. Nhưng nguy hiểm hơn là những chấn thương về mặt tâm lý, những rối loạn về hành vi của trẻ cũng hết sức nặng nề. Thực tế cho thấy, khi lạm dụng tình dục xảy ra, trẻ có thể sẽ nảy sinh những suy nghĩ, tình cảm và hành vi rất đa dạng, phức tạp.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho hay, về mặt tâm lý, trẻ bị xâm hại tình dục có thể cảm thấy tội lỗi, tức giận hoặc hổ thẹn dẫn đến lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống. Về mặt thể chất, trẻ bị xâm hại tình dục có thể bị tổn thương tùy mức độ, từ không có tổn thương hoặc xây xát nhẹ cho đến tổn thương nặng. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, trẻ nhỏ còn bị nhiễm trùng các vết thương, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục rất nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An cũng lưu ý, ngày nay nhiều bậc phụ huynh thậm chí cả cơ quan quản lý chưa có cái nhìn đầy đủ về việc xâm hại tình dục trẻ em. Vẫn còn định kiến về giới cho rằng, thật may mắn vì con trai không bị xâm hại tình dục, hoặc nghĩ rằng, là con trai nên chẳng mất gì. Những nhận định sai lầm này trong nhiều trường hợp đã tiếp tay cho những kẻ ấu dâm có thể ngụy biện, chống chế cho rằng những hành vi họ thực hiện chỉ là hành động vui đùa bình thường.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An nhấn mạnh, khi trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục thì dù là bé trai hay bé gái đều bị ảnh hưởng, sang chấn tâm lý như nhau. Bé gái thường sẽ có biểu hiện như lo lắng, sợ người lớn, bỏ học, trầm cảm, thậm chí tự tử thì bé trai cũng tương tự như vậy. Nhưng có một điều đặc biệt nguy hiểm, trong nhiều trường hợp nếu trẻ trai không được hỗ trợ, giúp đỡ để hàn gắn những tổn thương tâm lý, khi lớn lên có thể trở thành những người rất hung hãn, dễ gây tội ác, có hành động bạo lực, xâm hại một thế hệ trẻ em mới. Chính từ đó hình thành nên vòng tròn xâm hại, tạo ra những thế hệ nạn nhân khác và những kẻ phạm tội trong tương lai.

Để ngăn chặn tội ác

Gần đây, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em có dấu hiệu phức tạp. Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và cũng là quốc gia tham gia sớm vào các Công ước về quyền trẻ em. Dù vậy, vẫn còn những vụ trẻ bị xâm hại tình dục chưa được xử lý thỏa đáng do chưa đủ chứng cứ theo quy định. Cho nên, cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa ra những giải pháp mạnh hơn mới có thể bảo vệ trẻ em khỏi những kẻ ấu dâm.

Theo bác sỹ Nguyễn Trọng An, chúng ta phải bổ sung những thiếu hụt trong văn bản pháp luật như: Khái niệm thế nào là dâm ô trẻ em; Xây dựng chế tài xử phạt nghiêm khắc và răn đe; Bổ sung cơ chế giám sát độc lập, nâng cao vai trò và sự tham gia giám sát của các tổ chức xã hội, tổ chức chuyên môn phi lợi nhuận nhằm đảm bảo tính khách quan và minh bạch trong quá trình thực thi quyền trẻ em và thực thi luật pháp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong khi chờ hoàn thiện luật pháp, chúng ta phải bảo vệ trẻ em bằng việc xây dựng các kỹ năng phòng tránh. Chúng ta cần sớm kiện toàn mạng lưới cán bộ công tác xã hội và cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Mạng lưới này không chỉ hỗ trợ kỹ năng, kiến thức bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục cho các bậc cha mẹ, mà còn làm tốt công tác phòng ngừa thông qua hoạt động tư vấn cộng đồng, phát hiện các gia đình có nguy cơ, ngăn chặn sớm các vụ việc.

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý, nhà trường, xã hội, các chuyên gia cũng khuyến cáo, cha mẹ chính là người giáo dục kiến thức, hướng dẫn, trang bị kỹ năng phòng vệ xâm hại cho trẻ một cách gần gũi, hiệu quả nhất. Nhiều gia đình nghĩ con còn nhỏ, ngần ngại giáo dục giới tính sớm cho trẻ hoặc bố mẹ mải đi làm, không quan tâm đến con khiến con họ bị xâm hại tình dục trong thời gian dài không hề hay biết. Cho nên, các bậc phụ huynh phải thay đổi suy nghĩ của chính bản thân mình. Ở mỗi gia đình, các ông bố bà mẹ hãy cùng con chia sẻ những kiến thức về giới tính theo từng độ tuổi. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần bổ sung kỹ năng trò chuyện, làm bạn với trẻ cung cấp những kiến thức cũng như chia sẻ những vấn đề “nhạy cảm” để trẻ có thể tự tin làm chủ bản thân, tránh những rủi do như xâm hại tình dục. Nếu như các cơ quan bảo vệ pháp luật, gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội cùng chung tay thực hiện các giải pháp, trong tương lai, nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục chắc chắn sẽ giảm.