Hồi sinh từ những tấm lòng (1)

Bé Tiên đi bằng... hai tay

ANTĐ - Từng rơi vào hoàn cảnh khốn cùng tưởng như không còn lối thoát, song chị Quý, bé Tiên, em Tiến… lại nhìn thấy ánh sáng cuộc đời, nhờ những tấm lòng, trái tim nhân hậu. Giờ họ sống ra sao, điều chúng tôi trăn trở ấy hẳn cũng là điều mà bạn đọc, những người đã nhường cho họ một phần cơm áo của mình, muốn biết. Những dòng viết này lật giở một phần quá khứ, cũng là để dõi theo quãng đường đã đi của những con người bất hạnh mà chúng tôi, cùng bạn đọc, đã có nhân duyên...

Bé Tiên khi nằm viện cách đây 3 năm....

“Tuổi thơ dữ dội”

Tôi xin được dẫn câu chuyện bằng tên của tác phẩm văn học nổi tiếng để khái quát tuổi thơ của bé Trần Xuân Tiên. Có lẽ, nhiều bạn đọc vẫn còn nhớ, thậm chí bị ám ảnh về nỗi đau tột cùng khi biết bé Tiên bị chiếc xe tải nghiến đứt tương lai lúc mới lên 4 tuổi. Vụ tai nạn thương tâm ấy xảy ra ngày 8-3-2011 tại Phủ Lý, Hà Nam đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân của cô bé vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi, và cả tính mạng bà ngoại - người vừa là bà, vừa là mẹ từ khi bé Tiên còn đỏ hỏn.

Ngày bé Tiên bị nạn, ông Trần Xuân Vĩ - ông ngoại bé cuống cuồng trong cơn mê hoảng bởi những tai vạ bất ngờ ập xuống đầu mà không biết xoay sở thế nào. Cháu ruột thì cụt chân cần người ngày đêm săn sóc tại bệnh viện. Linh cữu vợ thì vẫn để ở nhà nhờ họ hàng lo tang lễ. Trong túi không còn một đồng để lo viện phí, ông bối rối đến cực độ. Rất may lúc đó, bác sỹ Lương Nhất Việt - Phó Trưởng khoa Nhi bệnh viện Việt Đức đã gọi đến Báo An ninh Thủ đô gửi lời cầu cứu. Bài báo “Phận nhỏ, bất hạnh lớn” sau đó đã phát đi một thông điệp đến bạn đọc cả nước kêu gọi ủng hộ giúp đỡ bé Tiên. Đã có hàng trăm, hàng nghìn bạn đọc tìm đến để sẻ chia với ông cháu cô bé này những mất mát, khổ đau. Số tiền sau đó bạn đọc gửi tới cho cô bé lên tới con số hơn 1 tỷ đồng.

Hơn một năm rưỡi sau ngày đó, chúng tôi có dịp quay trở lại căn nhà nhỏ lọt thỏm dưới chân núi đá vôi trong thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam của hai ông cháu. Mẹ bé Tiên vẫn chưa về. Người đàn bà ấy, vì cuộc mưu sinh khó nhọc, hay vì quyết dứt tình mẫu tử, đã không hề trở lại từ lúc bỏ ra đi, dù những câu chuyện về tuổi thơ bất hạnh của bé Tiên thì xuất hiện liên tục suốt một thời gian trên báo. So với lần gặp trong bệnh viện, ông Vĩ khác trước nhiều. Ông già và gầy, tóc đốm muối tiêu. Lại còn thêm căn bệnh gan hành hạ, chẳng làm lụng được nhiều, căn nhà thiếu sự vun vén của người phụ nữ càng vì thế mà trở nên xộc xệch, tuềnh toàng. Khoản tiền bé Tiên nhận được, ông Vĩ bảo giờ còn hơn 100 triệu đồng, ông gửi tiết kiệm lấy lãi hàng tháng nuôi cháu. 

Nhưng khổ nhất vẫn là những day dứt về mặt tinh thần. Ông Vĩ bảo, giờ thì bé Tiên như con chim non sẽ chẳng bao giờ bay được. Nó sẽ mãi mãi bị tổn thương về mọi mặt. Đôi lúc, bé Tiên bất chợt hỏi ông sao con không có đôi chân? Ông nuốt nước mắt vào trong rồi nói dối, sau này lớn lên Tiên sẽ có. Ông đành cưng nựng bé Tiên theo cách của người lớn, cháu chưa có đôi chân mà vẫn được đi học này, vẫn leo trèo lên giường được này, như thế là giỏi hơn các bạn rồi đấy! Bé Tiên vẫn tinh nghịch hiếu động, nhảy nhót thoăn thoắt bằng đôi tay may mắn, “chạy” khắp nhà như chưa hề bị đớn đau, mất mát. Nó chưa thể hiểu được về mình, chưa cần biết tại sao mẹ lại bỏ đi từ khi nó còn đỏ hỏn. Nhưng sau này lớn lên, nó sẽ đối mặt với nỗi đau đó ra sao? Mỗi khi nghĩ đến điều này, ông Vĩ lại ứa nước mắt. Tôi dù gì cũng không thể  hiểu hết nỗi đau của một người cha có con bỏ đi biệt tích, của một người ông chăm cháu từ khi ẵm ngửa, rồi phải chôn vợ và một mình nuôi cháu. Nhất là giờ đây, cộng thêm nỗi ám ảnh về quy luật thời gian: biết đâu ông nằm xuống khi bé Tiên chưa kịp lớn lên... 

Bé Tiên giờ đây phải dùng đôi tay để di chuyển

Sau cô nhi viện là gì?

Cố gạt đi những nỗi buồn, chúng tôi mỉm cười khi gặp bé Tiên được ông Vĩ đón ở trường về. Nếu chỉ nhìn khuôn mặt, thật khó nhận ra. Bé Tiên tròn trĩnh hơn, chứ không còi cọc như trước. Khi ông ngoại chỉ vào chúng tôi hỏi bé có nhớ chú nào đây không thì Tiên cười hồn nhiên rồi bảo “con quên mất rồi”.  Hơn 1 năm qua, bé Tiên đã tự học được cách di chuyển bằng tay, nhiều việc có thể tự làm mà không phải bận đến ông. Bé Tiên giờ đã đi học lớp 1. Ngày đi học Tiên không có mẹ dắt tay đến trường như bao bạn cùng trang khác, mà được ông ngoại bế đi. Ông ngoại vẫn bế và sẽ bế Tiên đến trường khi còn sức. Tôi nhớ lại chuyện ông ngoại bé Tiên nhờ hỏi giúp ông mà thấy quặn lòng. 

Kể từ khi bé Tiên bị tai nạn, chúng tôi trở thành cầu nối giữa bạn đọc với bé Tiên. Trong suốt quãng thời gian dài, mỗi lần có dịp tiếp xúc hay làm việc ở ngôi trường nào đó, chúng tôi cũng thể theo nguyện vọng của ông ngoại cháu, hỏi giúp xem có nơi nào nhận để gửi bé Tiên đi học. Cũng đã có rất nhiều trường thiện chí, nhưng hoàn cảnh của Tiên thật khó, bởi Tiên còn quá nhỏ, lại không còn chân đi, nếu nhập học thì phải có người thân ở cùng chăm sóc, giúp bé sinh hoạt hàng ngày trong nhiều năm nữa. Vì thế, hiện nay bé Tiên vẫn đang học lớp 1A tại trường Tiểu học Ba Sao, cách nhà đoạn đường ngắn. 

Hồn nhiên chơi đùa, cô bé không hề biết mình sắp phải xa ông để đến sống trong Cô nhi viện. Ông Vĩ buồn rầu: “Bé con là cháu tôi chẳng muốn xa nó, cũng chẳng muốn nó phải tiếp tục gánh chịu nỗi khổ xa ông. Nhưng biết làm sao bây giờ, tôi bệnh tật, già yếu nếu không chuẩn bị thì nó sẽ khổ hơn nhiều nữa. Con trai tôi mà nó gọi bằng cậu thì không thể chăm sóc, con bé suốt cuộc đời con bé được bởi nó còn phải lấy vợ, còn cuộc sống của nó nữa. Tôi buồn lòng lắm, nhất là kể từ hôm tôi liên hệ được cho bé đến ở Cô nhi viện tại Xuân Trường, Nam Định. Tôi chẳng nề hà cách xa mà buồn vì phải xa cháu”- mắt ông Vĩ ngấn đỏ. Vậy là, đôi vai bé bỏng của bé Tiên sẽ lại phải gánh thêm một nỗi đau. Với những dòng viết này, chúng tôi chỉ mong một điều giản dị, mẹ bé Tiên ở nơi xa nào đó đọc được, sẽ trở về...

(Còn tiếp)