Bẻ khóa bảo mật, kiếm lời phi pháp

ANTĐ - Ngày 9-9, Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội đã thông báo kết luận điều tra vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền tác giả phần mềm máy tính liên quan đến hai đối tượng Vũ Xuân Toàn (SN 1982), trú tại Thái Thụy, Thái Bình và Đặng Minh Thái (SN 1986), trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai.

Bộ sản phẩm phần mềm giả được bán với giá như thật

Lợi dụng sơ hở

Khoảng cuối năm 2012, Phòng An ninh kinh tế CATP Hà Nội nhận được đơn tố cáo của Công ty CP Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ Tự động hóa trình bày sự việc bị một số đối tượng xâm phạm quyền tác giả phần mềm dự toán xây dựng ACITT. Đây là phần mềm được ứng dụng trong xây dựng cơ bản nên rất nhiều công ty, cá nhân tổ chức quan tâm, bởi có phần mềm này, người sử dụng chỉ cần cung cấp thông số về thiết kế công trình, phần mềm sẽ tự tính toán và ra được dự toán cho công trình xây dựng đó. Sản phẩm “Phần mềm dự toán xây dựng ACITT” của Công ty Tự động hóa đã được Cục Bản quyền tác giả Văn học Nghệ thuật cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho ông Phạm Quốc Toàn và chủ sở hữu là Công ty Tự động hóa.

Để phát triển kinh doanh phần mềm ACITT ra thị trường, Công ty Tự động hóa ủy quyền cho Công ty CP Tư vấn và Công nghệ xây dựng Toàn Đức làm đại lý phân phối sản phẩm này. Năm 2007, Vũ Xuân Toàn và Đặng Minh Thái xin vào làm tại Công ty Toàn Đức với công việc được giao là cài đặt, chuyển giao phần mềm ACITT cho khách hàng. Chính trong quá trình làm việc này, Toàn và Thái đã nảy sinh ý định bẻ khóa bảo mật, sao chép đĩa cài phần mềm ACITT giống như bộ cài đặt của Công ty Tự động hóa. 

Tháng 11-2009, Thái và Toàn đã xin nghỉ việc tại Công ty Toàn Đức rồi thành lập công ty riêng của hai người lấy tên là ATECH MT, đặt trụ sở tại phố Định Công, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. 

Kiếm tiền tỷ từ phần mềm “nhái”

Một bộ phần mềm ACITT chính hãng gồm sách hướng dẫn sử dụng, đĩa cài đặt phần mềm và quan trọng nhất là chiếc USB mã khóa bảo mật. Chiếc USB này chứa chương trình mã hóa và giải mã dữ liệu dùng riêng cho phần mềm ACITT. 

Do đó để có thể bán được phần mềm này, Thái và Toàn đã thuê một sinh viên trường Đại học Bách khoa nghiên cứu và thực hiện bẻ khóa bảo mật phần mềm ACITT. Sau khi người này bẻ được mã khóa bảo mật, Thái và Toàn đã đến cơ sở cung cấp USB cho chính Công ty Tự động hóa, mua USB trắng chuyên dụng tại đây và sao lưu toàn bộ dữ liệu đã được bảo mật vào chiếc USB này. Tiếp đến, Thái và Toàn sử dụng máy tính cá nhân để in sao chép đĩa cài đặt phần mềm, thuê cửa hàng photocopy trên phố Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng in tài liệu hướng dẫn sử dụng gần giống tài liệu hướng dẫn của Công ty Tự động hóa nhưng cắt bỏ thông tin số điện thoại của tác giả phần mềm nhằm tránh sự phát hiện của Công ty Tự động hóa và khách hàng. Thái và Toàn còn sử dụng máy in màu để in logo vỏ đĩa và tem đĩa, hoàn thành bộ sản phẩm gần giống với bộ sản phẩm của Công ty Tự động hóa.

Các đối tượng sử dụng mạng Internet và gọi điện thoại đến các khách hàng của Công ty Toàn Đức để chào bán phần mềm với giá 3,5 triệu đồng/bộ, thấp hơn giá của sản phẩm phần mềm thật. Nhằm tạo niềm tin cho khách hàng, trong quá trình giao dịch, cài đặt phần mềm ACITT và lập biên bản bàn giao sản phẩm, các đối tượng mạo danh là nhân viên của Công ty Tự động hóa nên các đơn vị, cá nhân mua “phần mềm ACITT” đều tin rằng mình đã mua được phần mềm ACITT có bản quyền. 

Tính đến thời điểm tháng 8-2012, số tiền Công ty ATECH MT thu được từ việc bán phần mềm ACITT là hơn 1,1 tỷ đồng. Tại cơ quan công an, Vũ Xuân Toàn còn khai mình đã sử dụng 28 hóa đơn VAT của Công ty Hải Việt để hợp thức hóa chứng từ thanh toán cho các khách hàng khi bán phần mềm. Ngày 29-5, Cơ quan CSĐT- CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can  đối với Đặng Minh Thái và Vũ Xuân Toàn để làm rõ hành vi truy cập bất hợp pháp vào thiết bị số của người khác được quy định tại Điều 226a và mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước được quy định tại Điều 164a Bộ luật Hình sự.