Bé gái la hét và chuyện bị “quên” ở trường

ANTĐ - Tuần qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tiếp nhận 1 bé gái học lớp 3 luôn la hét, nói lảm nhảm, hoảng loạn khi gặp người lạ… Sau nhiều ngày điều trị, em bé đã bình yên nhưng rất sợ khi phải nhắc đến trường lớp, đi học… “Bệnh thành tích của nhà trường, sự đòi hỏi con mình phải bằng bè bằng bạn của cha mẹ, phải chăng đã vô tình gây nên những sang chấn tâm lý cho trẻ?

Hãy để trẻ mãi hồn nhiên. Minh họa: Internet

Trẻ em bị stress vì áp lực

Anh Đặng Tuấn Đức ở đường số 9, phường 9, Gò Vấp, TP.HCM tâm sự: Đang mùa thi học kỳ, con trai tôi học lớp 2 trường tiểu học LTV, do mải chơi, học không tập trung, cô giáo nhắc không được nên thường xuyên đập lên đầu… Tuần qua cháu về không nói năng gì, kém ăn, uể oải và không thiết tha học tập. Tra hỏi mãi mới biết bị cô giáo la mắng, nói là đồ khó bảo, ngu lâu, rồi đánh lên đầu. Uất quá tôi đến trao đổi trên tinh thần xây dựng với cô, cô giáo lại phủ nhận.

Anh Lê Văn Vũ, cán bộ Công an quận Bình Thạnh bức xúc: Con gái tôi học lớp 5, do mắt kém nên khả năng viết lại những thông tin trên bảng chậm hơn các bạn. Thầy giáo đã không thông cảm lại thường xuyên chê “con bé này chảnh” học không chịu học, suốt ngày… điệu, khiến các bạn lấy cớ đó trêu chọc, cháu rất uất ức và đã có lần xô xát với bạn cùng lớp. Lẽ ra thầy giáo phải tìm hiểu nguyên nhân, chia sẻ cùng con trẻ để giúp cháu học tốt hơn, đằng này thầy nhiều lần viết giấy yêu cầu gia đình phải dạy dỗ, mà không đề nghị phối hợp để giáo dục cháu…

Cô giáo Võ Thị Lan Hương ở trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh chia sẻ: Trẻ vốn hiếu động, ham chơi. Dù đã đưa ra các đề thi, trắc nghiệm rèn cho các con từng ly, song khá nhiều trẻ vẫn không đáp ứng yêu cầu. Trường lại là trường điểm, thành tích thi đua lớp, tổ bộ môn rất cao nên khó tránh chuyện, có giáo viên dùng áp lực buộc trẻ và gia đình phải tập trung ôn tập cho kỳ thi đạt kết quả tốt nhất. Đó là lý do, Khoa tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa điều trị một bé gái 8 tuổi  nhập viện trong tình trạng nôn ói, nói nhảm, hoảng loạn. Kết quả thăm khám ghi nhận bé bị rối loạn tâm thần. Theo người nhà bệnh nhân, do bé bị sốt nên nghỉ học, khi đi học lại, bé mệt nên khóc, cô giáo chủ nhiệm cho rằng bé nhõng nhẽo nên đã đề nghị thầy hiệu trưởng xử lý... Không biết cuộc “trao đổi” thế nào nhưng bé liên tục khóc, lên cơn sốt, nói nhảm, la hét…

Bác sỹ chuyên khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2, ông Trương Quốc Cường cho biết, với trẻ tiểu học, trước đây những sang chấn tâm lý có thể xuất hiện khi chứng kiến cha mẹ cãi nhau, sợ cha mẹ không thương, sợ cô giáo đánh, sợ bị bạn bắt nạt, sợ bị ép ăn… song gần đây, kỳ vọng con mình phải xuất chúng hơn người nên bố mẹ ép con mình học đủ thứ, luyện thêm toán, tiếng Việt, luyện chữ đẹp, rồi tiếng Anh, học vẽ, đàn piano… rất nhiều trẻ, nhất là trẻ ở nội thành TP.HCM, các em phải dậy từ 6h, bắt đầu học từ 7h đến 16h, có trẻ đến 20h mới về nhà sau 1-2 lớp học thêm, thứ bảy, chủ nhật, vẫn học…

Cần giảm áp lực cho trẻ

Một nghiên cứu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, trên 1.026 học sinh nhằm xác định mối liên quan giữa đau bụng tái diễn (có ít nhất 3 cơn đau bụng trong 3 tháng) với các sang chấn tâm lý (stress) cho thấy tỷ lệ trẻ mắc đau bụng tái diễn là 4,2%, nữ nhiều hơn nam, độ tuổi 11 mắc nhiều nhất và trẻ học trường chuyên thường xuyên bị đau bụng hơn.

Chuyên gia tâm Lý  Nguyễn Văn Nam - Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng: Trẻ em bị áp lực về học tập dẫn đến bị trầm uất, rối nhiễu tâm lý có chiều hướng gia tăng ở thanh thiếu niên các thành phố nhưng đáng quan ngại khi nó bắt đầu xuất hiện ở trẻ độ tuổi 6-11. Xã hội phát triển, có nhiều tiện nghi và những sinh hoạt của các gia đình cũng được nâng lên. Tuy nhiên những kỹ năng sống, tính chịu trách nhiệm và sự dũng cảm của trẻ thì người lớn chúng ta dường như bỏ quên. Dẫu rằng trong trường học các em đã học những bài học làm người về những giá trị đạo đức, song nhiều kiến thức này chưa thực sự sống động và hấp dẫn trẻ, có em nhớ, có em quên… Một phần khác chính từ nội tại của gia đình. Trong mắt trẻ, bố mẹ là những thần tượng, đùng một cái, vì cuộc sống khó khăn, nợ nần, bố mẹ bất hòa, xung đột, ly hôn...

Một số liệu đáng quan tâm: sang chấn tâm lý xảy ra với trẻ, do bố mẹ la mắng (49,9%), cãi nhau với anh chị em (29,6%); ở nhà trường bị thầy cô la mắng (31,3%), đổi trường (29,5%), học quá nhiều (27,5%)… Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của gia đình, cha mẹ trong quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ luôn là yếu tố tác động trẻ có hay không vượt qua áp lực, stress. Cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân, không nên quá căng thẳng khi tiếp xúc với con, nên trao đổi trực tiếp với cô giáo ở trường, giảm áp lực học tập cho trẻ; cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khoá, thể thao.