Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến các vấn đề như bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, xây dựng công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo... một cuộc tọa đàm trực tuyến đã được Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội tổ chức vào sáng 23-11. Cuộc tọa đàm cũng là điểm nhấn nhìn lại hành trình bảo tồn di sản của Thủ đô nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Chuyển tải sức mạnh văn hóa thành lợi thế

Là một trong số ít các Thủ đô, thành phố trên thế giới có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, trải qua hơn 1.000 năm với biết bao biến đổi, thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội trở thành mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, hội tụ khí thiêng sông núi, tinh hoa, sức mạnh dân tộc, tỏa sáng hình ảnh đất nước một cách tập trung nhất, tiêu biểu nhất, là “trái tim của cả nước” - nơi kết tinh và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hiến, lòng nhân nghĩa và yêu chuộng hoà bình của con người Việt Nam.

Theo ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, 2 năm vừa qua thực sự khó khăn cho ngành văn hóa Thủ đô do những khủng hoảng dịch bệnh. Mọi ngành, mọi nghề, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, ngành di sản và văn hóa Hà Nội với những nỗ lực mạnh mẽ đã đảm bảo an toàn dịch bệnh tại các điểm di tích, di sản. Nhiều hình thức tổ chức tham quan, triển lãm đã kịp thích ứng, đổi mới. Ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, ngành Văn hóa Thủ đô đã tham mưu để Thành uỷ, UBND TP sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với những điều khoản cụ thể trong lĩnh vực văn hóa. Tham mưu để UBND TP ban hành Kế hoạch 176 thực hiện Chương trình công tác số 06 về Phát triển văn hóa xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; Nghiên cứu đổi mới các hoạt động và sản phẩm văn hóa, dịch vụ phục vụ khách tham quan tại các điểm di tích tiêu biểu như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn…

Trao đổi tại cuộc tọa đàm, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết thêm, trong thời gian tới, để phát triển văn hóa Thủ đô, cần tiếp tục thay đổi, đặc biệt là về nhận thức, lấy hạnh phúc của người dân làm cơ sở thay đổi, ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo. Bên cạnh đó, những người làm văn hóa Thủ đô tiếp tục lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, người dân - những di sản sống quý giá. Chắt chiu những tinh hoa để từ đó có thể “xếp thành nền tảng” lớn hơn trong thời gian tới.

Hà Nội là nơi kết tinh và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hiến, lòng nhân nghĩa và yêu chuộng hòa bình

Hà Nội là nơi kết tinh và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hiến, lòng nhân nghĩa và yêu chuộng hòa bình

Phát triển công nghiệp văn hóa từ vốn di sản

Đóng góp ý kiến cho bảo tồn và phát triển văn hóa Hà Nội, PGS.TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, khái niệm công nghiệp văn hóa khá mới mẻ, người ta chỉ nói về nó sau thời điểm UNESCO phê chuẩn Công ước 2005 về Bảo vệ sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Và trong công ước đó UNESCO nhấn mạnh, tất cả các nền văn hóa của nhân loại đều bình đẳng, đều rất đáng quý, chúng ta hãy trân trọng, giữ gìn và biến thành sản phẩm sáng tạo cho xã hội ngày hôm nay. Đó cũng là cái triết lý của tinh thần công nghiệp văn hóa.

Bà Lê Thị Minh Lý cho biết thêm, trước đó từ rất lâu, trong lĩnh vực phi vật thể, cha ông ta đã tiến hành công nghiệp văn hóa rồi, tức là thế hệ đi trước đã biết khai thác giá trị di sản của chính mình tạo nên một Hà Nội 36 phố phường với rất nhiều làng nghề. Biết biến trí tuệ, tài năng, giá trị ngàn đời thành các sản phẩm phục vụ xã hội. Bây giờ, chúng ta chỉ việc dựa vào đó tiếp tục trao truyền, sáng tạo ra sản phẩm mới. Đó là triết lý nhìn thấy ở góc độ phi vật thể.

Không thành phố nào cũng có nhiều di sản như Hà Nội, bao gồm cả vật thể và phi vật thể. Cùng với đó là rất nhiều nhận diện loại hình mới như di sản tư liệu, di sản ký ức, di sản thuộc diện tiềm năng là di sản công nghiệp. Đó là những nhà máy đầu tiên, công trình đầu tiên ra đời ở Hà Nội như nhà máy điện, nhà máy cao su, nhà máy xà phòng, thuốc lá... Tất thảy đều là vốn văn hóa. Để làm được việc này, PGS.TS Lê Thị Minh Lý cho rằng, cần đánh giá lại vốn di sản hiện có, nhận diện thế mạnh để ưu tiên đầu tư, tránh dàn trải. Từ đó, đưa ra nhận thức, truyền thông kỹ càng, xây dựng cơ sở dữ liệu di sản trong đó. Bảo tàng Hà Nội được nhận định là một trong những thiết chế quan trọng, cùng với đó là xây dựng các quy tắc, vấn đề bản quyền và hệ thống quỹ bảo vệ bảo tồn văn hóa Thủ đô.

“Tâm - Tuệ” song hành

PGS.TS Trần Lâm Biền - cố vấn cao cấp của Cục Di sản văn hóa khẳng định, để bảo tồn được di sản văn hóa thì “Tâm” và “Tuệ” phải cùng song hành. Thiếu đi một trong hai yếu tố đó thì đều hỏng. Dẫn chứng một loạt các vi phạm trong quản lý và tu bổ di tích, PGS.TS Trần Lâm Biền kết luận, thực trạng hiện nay là: “Nhận một đề án tu bổ di tích mà không biết bảo tồn cái gì cho tử tế cả. Tu bổ như thế nào cũng không biết, chỉ cần biết duy nhất một điều là giữ sao cho nguyên trạng... Tôi nghĩ rằng, muốn bảo vệ di sản đúng bản chất, bản sắc người Việt phải giữ được cốt lõi. Và cũng phải có quyền được sửa chữa sai phạm của những của thời kỳ tu bổ trước đây. Hiện tại, công tác tu bổ di sản văn hóa tốt nhất mới đạt được 70% mà thôi”.

Lấy ví dụ rất cụ thể, cố vấn cao cấp của Cục Di sản văn hóa nói một cách hình ảnh: “Muốn lấy vợ thì phải biết vợ mình là ai, bố mẹ vợ như thế nào, không thì ít ra cũng phải rõ mặt mũi, tính nết cụ thể thì mới yêu, mới cưới được. Khi đã hiểu rõ về nhau rồi thì càng yêu sâu sắc hơn. Điều đó có nghĩa, chỉ yêu di sản chưa đủ mà trước hết phải hiểu rõ về nó. Muốn hiểu thì đương nhiên phải bỏ công bỏ sức ra mà hiểu cho bằng được”. PGS.TS Trần Lâm Biền nhấn mạnh, “Tâm” và “Tuệ” phải song hành. Có “Tâm” với di tích chưa đủ. Bởi có “Tâm” mà thiếu “Tuệ” thì dẫn đến mê tín dị đoan. Có “Tuệ” mà thiếu “Tâm” thì lạnh lùng, sai trái, cứng nhắc. Chỉ khi có trí tuệ mới có khả năng thực hiện cái tâm. Cái cần hiểu là kiến thức, không có kiến thức di sản thì không có cách nào bảo vệ, duy trì di sản cũng như văn hóa được.

Không thành phố nào cũng có nhiều di sản như Hà Nội, bao gồm cả vật thể và phi vật thể. Cùng với đó là rất nhiều nhận diện loại hình mới như di sản tư liệu, di sản ký ức, di sản thuộc diện tiềm năng là di sản công nghiệp. Đó là những nhà máy đầu tiên, công trình đầu tiên ra đời ở Hà Nội như nhà máy điện, nhà máy cao su, nhà máy xà phòng, thuốc lá... Tất thảy đều là vốn văn hóa.

PGS.TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam