Bể bơi quá tải, nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm

ANTĐ - Vào mùa hè, hầu hết các bể bơi trên địa bàn Hà Nội đều chật kín khách do nhu cầu tăng cao. Vì quá tải nên điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước hạn chế, chưa đảm bảo tiêu chuẩn, thiếu phương tiện cấp cứu… khiến nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe vẫn tồn tại.

Các bể bơi ở nội thành luôn chật kín khách 

(Ảnh minh họa)


Bể bơi nào cũng quá tải

Nhận định trước nhu cầu tắm mát, học bơi của người dân Thủ đô sẽ tăng đột biến trong mùa hè, từ đầu tháng 5 vừa qua, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội đã có công văn yêu cầu các quận, huyện phải tăng cường kiểm tra các bể bơi trên địa bàn, nhằm nhắc nhở và xử lý kịp thời các bể bơi vi phạm, không đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng cho khách bơi. Hiện tại, toàn thành phố có khoảng 50 bể bơi lớn nhỏ, gồm cả bể bơi ngoài trời và trong nhà. Qua kiểm tra, vào những ngày nắng nóng hầu hết các bể bơi đều đông. Trung bình mỗi ngày, một bể bơi ở Hà Nội có khoảng 200-300 khách, thường tập trung vào một thời gian cao điểm nên mức quá tải là không nhỏ.

Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết tất cả bể bơi trong khu vực nội thành đã mở cửa hoạt động từ hơn một tháng trở lại đây. Thời điểm này, một số bể bơi ngoài trời như Thái Hà, Nguyễn Quý Đức…, lượng khách không chỉ dừng lại ở mức 200-300 khách mà những hôm nắng nóng còn tăng lên đến 500, thậm chí 600 khách/ ngày. Giá vé ở phần lớn bể bơi cũng đã tăng đáng kể. Chẳng hạn như tại bể bơi Đặng Tiến Đông, giá vé đã tăng từ 50.000 đồng lên 65.000 đồng/người lớn, 40.000 đồng/vé trẻ em, bể bơi Thái Hà áp dụng giá vé dành cho người lớn là 20.000 đồng/vé, giá vé ở bể bơi Nguyễn Quý Đức là 40.000đồng/vé người lớn,… Hầu hết các bể bơi này cũng bán vé tháng và tổ chức các khóa tập bơi cho trẻ em với mức giá dao động trên 1 triệu đồng/khóa…

Anh Nguyễn Trường Giang, ở Hoàng Ngân (quận Thanh Xuân) cho biết, hè mọi năm anh luôn là khách thường xuyên mỗi buổi chiều tại bể bơi Thái Hà do giá cả phải chăng và thoáng mát. Tuy nhiên đợt nắng nóng đầu hè vừa rồi, đi bơi mấy buổi thấy quá đông nên anh quyết định “đầu tư” hơn 1 triệu đồng để mua vé tháng tại bể bơi trong nhà 14 Đặng Tiến Đông, vì vắng khách và yên tĩnh hơn. Anh Giang tâm sự, bỏ ra trên dưới 1 triệu đồng để chi phí cho việc đi bơi thường xuyên không phải là khoản tiền nhỏ, tuy nhiên những khách hàng quen như anh khó từ bỏ được. 


Còn nhiều vi phạm

Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Giám đốc TTYTDP Hà Nội cho rằng, qua những đợt kiểm tra, dù hầu hết các bể bơi đều quá tải nhưng rất khó xử lý vi phạm này vì họ kinh doanh theo mùa. Điều đáng lo ngại nhất chính là vấn đề vệ sinh môi trường, chất lượng nước có đúng theo tiêu chuẩn, đảm bảo sức khỏe cho người bơi và có các thiết bị cứu hộ cần thiết hay không? Bởi theo quy định, các bể bơi phải trang bị máy chích clo, đảm bảo lượng clo trong nước luôn ổn định ở ngưỡng tiêu chuẩn cho phép nhưng thực tế qua kiểm tra các đợt trước đây, phần lớn bể bơi thường cho hàm lượng clo lớn hơn cho phép, vào khoảng 0,7mg/lít trong khi theo qui định là 0,3 - 0,5mg/lít. 

Theo ông Bình, các vi phạm chủ yếu ở bể bơi là vệ sinh môi trường, chất lượng nước, công tác cứu hộ... thường được mặt nọ, mất mặt kia, không vi phạm lỗi này thì vi phạm lỗi khác. Thậm chí vẫn có nơi vi phạm qui định về cứu hộ, thiếu các phương tiện, lực lượng đảm nhiệm công tác cấp cứu ở bể bơi, đây là lỗi rất nặng vì dễ xảy ra hậu quả đáng tiếc. Những trường hợp tử vong tại bể bơi hầu như năm nào cũng gặp, chủ yếu là do trẻ đuối nước… Để siết hoạt động này, trong tháng 6, TTYTDP Hà Nội dự kiến sẽ phối hợp với các đơn vị tiến hành phúc tra chất lượng các bể bơi trên địa bàn. Trường hợp không đạt yêu cầu, sẽ xử lý và tái kiểm tra, nếu cơ sở không khắc phục sẽ đình chỉ hoạt động.

TTYTDP Hà Nội khuyến cáo, vệ sinh, chất lượng nguồn nước bể bơi không đảm bảo là nguy cơ gây các bệnh ngoài da, dị ứng, bệnh về mắt, hơn nữa do bể bơi tập trung nhiều người nên cũng có nguy cơ lây truyền bệnh truyền nhiễm. Để đảm bảo an toàn, người đi bơi không nên uống nhiều rượu, bia; nếu vừa tập thể thao quá căng thẳng thì không được xuống bơi ngay bởi rất dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Trước khi bơi, nên khởi động và tắm tráng, sau khi bơi tắm tráng lại lần nữa bằng nước sạch; Đối với người mắc các bệnh ngoài da, tiêu hóa (tả lỵ, thương hàn…), huyết áp, tim mạch thì không nên đi bơi.