Bê bối khiến Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu rơi vào tình trạng hỗn loạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều tháng nay, Frontex - Cơ quan bảo vệ biên giới Liên minh châu Âu và người đứng đầu của nó là Fabrice Leggeri rơi vào một loạt vụ bê bối. Frontex đã bị cáo buộc liên quan đến việc hồi hương bất hợp pháp những người tị nạn và có tình trạng gian lận. Sự thật của mớ bòng bong này là gì?
Cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ cứu một cháu bé trên chiếc thuyền chở người di cư vượt biển Aegean

Cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ cứu một cháu bé trên chiếc thuyền chở người di cư vượt biển Aegean

Vị giám đốc tai tiếng

Trụ sở chính của Frontex nằm trong một khu văn phòng ở quận Wola, Thủ đô Warsaw (Ba Lan). Trong nhiều năm, chỉ có một số quan chức làm việc ở đây biên soạn báo cáo về các tuyến đường di cư. Lực lượng biên phòng EU thực tế được mượn từ lực lượng cảnh sát quốc gia, nhưng cơ quan này đã đươc rót vốn ngân sách từ hơn 6 triệu euro vào năm 2005 lên 460 triệu euro vào năm 2020.

Đến năm 2027, những người nộp thuế ở châu Âu sẽ cung cấp 5,6 tỷ Euro tài trợ cho cơ quan này. Frontex hiện có lực lượng bảo vệ biên giới của riêng mình, được gọi là đoàn thường trực. Máy bay và UAV (máy bay không người lái) sẽ sớm được bổ sung nhằm giám sát tốt hơn biển Aegean. Sự nổi lên của Frontex có liên quan rất nhiều đến Giám đốc Fabrice Leggeri.

Leggeri, 52 tuổi, sinh ra ở Mulhouse, vùng Alsace của Pháp và nói thông thạo tiếng Đức. Ông học tại École Nationale d'Administration ở Strasbourg, một trường đại học từ lâu đã đào tạo ra giới thượng lưu Pháp. Bắt đầu từ năm 2013, ông làm việc tại Bộ Nội vụ ở Paris trong bộ phận nhập cư bất thường. Vào thời điểm đó, chính phủ ủng hộ việc mở rộng Frontex và 2 năm sau, Leggeri được chỉ định là người đứng đầu cơ quan này.

Trong quá trình Frontex mở rộng, Giám đốc Leggeri đã điều chỉnh cơ quan này để phù hợp với nhu cầu của mình. Tất cả các quyết định quan trọng đều do một nhóm nhỏ bên trong đưa ra. Các đồng nghiệp mô tả ông ta là một kẻ “cuồng kiểm soát”, thậm chí là “độc tài”. Các nhân viên Frontex đã gọi nhóm quản lý của Leggeri là “France Télécom”, ám chỉ vụ bê bối tại cơ quan viễn thông Pháp, liên quan đến việc bắt nạt và quấy rối có hệ thống đến mức khiến một số nhân viên phải tự tử.

Bê bối đẩy đuổi người tị nạn

Dưới thời Giám đốc Leggeri, Frontex đã liên tiếp vấp hết vụ bê bối này đến vụ bê bối khác. Mùa thu năm ngoái, hãng tin Der Spiegel của Đức cùng với các đối tác truyền thông quốc tế lần đầu tiên đưa tin rằng lực lượng Frontex ở biển Aegean đã tham gia vào việc hồi hương bất hợp pháp những người tị nạn.

Trung tâm Tình huống Frontex được trang bị nhiều màn hình, cùng với các máy bay giám sát và vệ tinh truyền hình ảnh thời gian thực từ các vùng biên giới. Từ bàn làm việc của mình, các nhân viên Frontex có thể theo dõi chặt chẽ các sự kiện đang diễn ra ở rìa châu Âu. “Bạn có thể thấy bao nhiêu người đang ngồi trên một chiếc thuyền tị nạn” - một người hiểu rõ về căn phòng này nói.

Việc thành lập Frontex - Cơ quan bảo vệ biên giới của Liên minh châu Âu là một trong những chính sách di cư quan trọng nhất của EU, mục đích là để kiểm soát nhập cư bất hợp pháp. Nhưng giờ đây Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên phải khoanh tay đứng nhìn khi nó trở thành tâm điểm của bê bối.

Đêm 19-4-2020, một máy bay giám sát Frontex bay qua biển Aegean. Ngay trước nửa đêm, các sĩ quan tuần tra biên giới của Hy Lạp đã chặn một chiếc xuồng cao su ngay phía Bắc đảo Lesbos và chuyển 20 đến 30 người tị nạn lên tàu của họ. Theo luật hiện hành, lẽ ra họ phải đưa những người này đến Lesbos, nơi họ có thể nộp đơn xin tị nạn. Tuy nhiên, thay vào đó, họ đưa những người tị nạn trở lại xuồng ba lá và sau đó đẩy họ trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Các quan chức Hy Lạp ở trung tâm điều phối ở Piraeus đã ra lệnh cho các phi công Frontex chuyển hướng tránh xa xuồng cao su. Vào lúc 3h15, máy bay Frontex bắt đầu cạn kiệt nhiên liệu. Phi công đã chụp một bức ảnh cuối cùng, cho thấy những người tị nạn đơn độc trên biển, cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khá xa. Phi công cho biết, không có đơn vị nào của Thổ Nhĩ Kỳ ở trong khu vực.

Chiếc xuồng ba lá không có động cơ và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hy Lạp đã ở ngoài khơi. Những người tị nạn, bao gồm 4 trẻ em, chỉ được Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu vào lúc 6h52 sáng hôm sau. Thời điểm vài tháng trước đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp đã hành động cứng rắn với thuyền tị nạn. Họ chặn người di cư xuất hiện trong lãnh hải Hy Lạp và đôi khi phá hủy động cơ trước khi đẩy họ trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. “Giám sát hung hãn” là thuật ngữ chính thức mà Athens đưa ra để mô tả hoạt động này, trên thực tế là bất hợp pháp.

Sự việc hôm 19-4 đã được các sĩ quan Frontex ghi lại đầy đủ và nó nhạy cảm đến mức ông Leggeri ra lệnh điều tra nội bộ. Và đến ngày 8-5, ông đã viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Hàng hải Hy Lạp Ioannis Plakiotakis. Trong đó, ông Leggeri đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc bảo vệ quyền con người, rằng liệu có phải Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hy Lạp đã đặt cuộc sống của những người di cư vào tình trạng nguy hiểm bằng cách bỏ rơi họ trên biển trong một chiếc xuồng không có động cơ.

Nhưng phía Hy Lạp trả lời rằng, trong vụ việc đó họ không thể tiếp nhận người di cư vì nguy cơ lây lan đại dịch Covid-19, và không ai trong số họ đăng ký xin tị nạn. Tạm hài lòng với báo cáo đó, người đứng đầu Frontex, nơi duy nhất có được chứng cứ về vụ việc đã ỉm đi. Không chỉ lần này, đã nhiều lần các quan chức Frontex làm theo tấm gương lãnh đạo của họ, đó là “nếu chỉ thấy nghi ngờ thì nên im lặng”.

Ông Fabrice Leggeri - Giám đốc Frontex cũng đang là đối tượng điều tra liên quan đến nhiều cáo buộc đối với cơ quan này

Ông Fabrice Leggeri - Giám đốc Frontex cũng đang là đối tượng điều tra liên quan đến nhiều cáo buộc đối với cơ quan này

Vẫn tồn tại vì được “chống lưng”

Vào tháng 1-2021, Văn phòng Chống gian lận châu Âu (OLAF) thông báo họ đã mở một cuộc điều tra về Frontex. OLAF luôn vào cuộc khi có nghi ngờ lợi ích tài chính của EU bị xâm phạm. Trước đó, hôm 7-12, các quan chức OLAF đã khám xét trụ sở Frontex ở Warsaw. Trong nhiều tuần, OLAF đã triệu tập nhân chứng và thẩm vấn các nhân viên Frontex. Một trọng tâm của cuộc điều tra là cáo buộc về gian lận.

Một công ty công nghệ thông tin của Ba Lan đã bán cho cơ quan này một giải pháp phần mềm kinh doanh trị giá hàng trăm nghìn Euro, một phần để phục vụ cho việc đào tạo lính biên phòng. Tuy nhiên, nhân viên Frontex đã phàn nàn với cấp trên của họ rằng phần mềm hoạt động không tốt. Nhưng công ty vẫn trả phần lớn giá mua đã thương lượng.

Bà Valentina Azarova thuộc Trung tâm Luật Quốc tế Manchester cho biết: “Theo quy định của EU, lẽ ra Giám đốc Frontex phải báo cáo ngay lập tức các trường hợp gian lận tiềm năng cho OLAF, nhưng điều đó không được thực hiện”. Công ty phần mềm Ba Lan được đề cập khẳng định rằng, cho đến nay họ đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ hợp đồng với Frontex. Và công ty vẫn đang nhận được các hợp đồng từ Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu, một số trong số đó trị giá hàng triệu USD.

Các nhà điều tra của OLAF dường như cũng quan tâm đến những nghi ngờ về quấy rối nơi làm việc tại Frontex. Họ hy vọng sẽ tìm ra liệu ông Leggeri hoặc cấp dưới của ông ta có la mắng hay quấy rối nhân viên của cơ quan hay không. Cuộc điều tra tuy đang diễn ra, nhưng rõ ràng đã có những dấu hiệu nghiêm trọng về hành vi sai trái cá nhân từ phía ông Leggeri. Người đứng đầu Frontex cho đến nay vẫn tồn tại bất chấp những cáo buộc về quản lý yếu kém.

Tuy nhiên, không phải Ủy ban châu Âu quyết định số phận của ông Leggeri, quyết định là do Ban quản trị Frontex đưa ra. Hội đồng quản trị về cơ bản bao gồm đại diện từ các quốc gia là một phần của khu vực Schengen, Ủy ban châu Âu chỉ có 2 đại biểu trong hội đồng. Trong quá khứ, các nước thành viên EU luôn ủng hộ ông Leggeri bởi họ bằng lòng với các phương pháp tàn nhẫn mà Frontex sử dụng để ngăn những người xin tị nạn vượt biên sang EU. Nghị viện châu Âu đã thông báo sẽ mở cuộc điều tra kéo dài 4 tháng đối với Frontex. Câu hỏi đặt ra là, liệu Ban quản trị Frontex có tiếp tục “chống lưng” cho Giám đốc Leggeri sau khi sai phạm đã lộ rõ?