Bê bối chấn động, Chủ tịch Hạ viện Indonesia từ chức

ANTĐ - Chủ tịch Hạ viện Indonesia Setya Novanto ngày 16-12 đã từ chức do bị vướng vào cáo buộc “vòi” số cổ phần trị giá 1,8 tỷ USD từ Freeport McMoRan Inc, công ty khai thác đồng và vàng hàng đầu thế giới để công ty này có thể gia hạn hợp đồng khai mỏ ở Indonesia. Đây được coi là một trong những vụ bê bối tham nhũng lớn nhất nước này.
Bê bối chấn động, Chủ tịch Hạ viện Indonesia từ chức ảnh 1

Ông Setya Novanto trước tòa nhà Quốc hội ở Jakarta hôm 17-11

Đoạn băng chứa bí mật “khủng”

Đơn từ chức của ông Setya Novanto được đưa ra sau khi Ủy ban Đạo đức Quốc hội (MKD) Indonesia kết thúc cuộc điều tra đối với cáo buộc rằng, ông Novanto đã đưa ra yêu cầu trên với Tổng Giám đốc Công ty Freeport Indonesia để đổi lấy cam kết rằng hãng này có thể tiếp tục hoạt động từ năm 2021 đến 2041. “Để bảo vệ nhân phẩm, danh dự của Hạ viện Indonesia, tôi xin tuyên bố từ chức Chủ tịch Hạ viện giai đoạn 2014-2019”, ông Novanto viết trong bức thư gửi MKD. Tuy rời bỏ cương vị Chủ tịch Hạ viện song ông Novanto sẽ vẫn là một nghị sĩ Quốc hội.

Trước khi đơn từ chức nói trên được công bố, cuộc điều tra kéo dài 2 tuần của Ủy ban Đạo đức Quốc hội Indonesia đã khép lại với 15 trong số 17 thành viên cho rằng, Chủ tịch Hạ viện Novanto đã sai phạm, trong đó 9 người cho rằng, ông đã vi phạm đạo đức “ở mức vừa phải”, 9 người khác cho rằng, “vi phạm đạo đức nặng nề”. 

Chủ tịch Hạ viện Novanto đối mặt với sức ép kêu gọi từ chức từ vài tuần trước, khi Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản Indonesia, ông Sudirman Said, trình lên MKD một đoạn băng ghi âm cho thấy ông Novanto đang đòi ông Maroef Sjamsoeddin - Tổng Giám đốc Freeport Indonesia chia 20% số cổ phần công ty để được tiếp tục khai thác tại tỉnh Papua. Đáng chú ý, ông Maroef Sjamsoeddin là một cựu lãnh đạo ngành tình báo, ông nói rằng việc ghi lại cuộc nói chuyện với Chủ tịch Hạ viện là nhằm “tự vệ”. Ông Maroef Sjamsoeddin cho biết, ông có trách nhiệm nộp đoạn băng cho Bộ trưởng Sudirman Said, người đầu tiên lên tiếng công bố sự việc.

Trong băng ghi âm dài 80 phút được đưa ra trong buổi điều trần của Quốc hội, CEO Sjamsoeddin và Chủ tịch Hạ viện Novanto thảo luận về việc gia hạn hợp đồng của Freeport, việc bán cổ phần và một nhà máy điện quy hoạch ở Papua. Theo đó, ông Novanto cho biết, ông có mối quan hệ thân tình với Tổng thống Joko Widodo và một số bộ trưởng cấp cao khác, hàm ý rằng nếu cắt 20% cổ phần cho ông Novanto, Freeport sẽ có được hợp đồng.

 Ông Novanto đã thừa nhận có dự cuộc gặp mặt này vào hồi tháng 6 tại một khách sạn sang trọng ở Jakarta. Ông cũng nói rằng, ông đã nói đùa và những lời ông nói đã bị hiểu sai. “Tôi cảm thấy mình bị đối xử không công bằng khi bị nghe trộm, tôi bị sốc”, ông Novanto cho biết hồi tháng trước trên tờ nhật báo Kompas. 

Ám ảnh “bóng ma” tham nhũng

 Freeport, tập đoàn có trụ sở tại Mỹ đã thu về  2 tỷ USD trong khai thác đồng và 1,4 tỷ USD vàng trong năm 2014 từ mỏ      Grasberg ở tỉnh miền Đông Papua và họ đang muốn gia hạn hợp đồng khai thác vốn sẽ hết hạn vào năm 2021. Chính phủ Indonesia cho biết, chỉ bắt đầu đàm phán về việc này vào năm 2019. Được biết, một trong những điều kiện đàm phán là Freeport Indonesia phải bán khoảng 20% cổ phần cho Chính phủ Indonesia.

 Về phía Chính phủ, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi mở cuộc điều tra minh bạch cáo buộc đối với ông Novanto, Văn phòng Tổng chưởng lý cũng đang xem xét vụ việc. Theo Reuters, sự việc đã tạo ra sự chú ý đặc biệt của dư luận về tình trạng tham nhũng ở Quốc hội Indonesia cũng như có thể làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư đối với nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Vụ bê bối phần nào làm lộ rõ hơn các nguyên tắc ngầm trong kinh doanh ở Indonesia, trong đó có những cuộc thương thảo tối mật giữa chủ doanh nghiệp lớn với giới chính trị gia. Năm 2014, Indonesia đứng thứ 107 trong số 175 quốc gia và vùng lãnh thổ về tham nhũng theo xếp hạng của tổ chức Minh bạch Quốc tế. Tổng thống Jokowi khi lên nắm quyền vào năm ngoái đã cam kết diệt trừ tham nhũng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.