Bẫy “trúng thưởng”

(ANTĐ) - Gần đây, trên địa bàn một số quận, huyện của thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo với thủ đoạn tinh vi và rất mới. Các đối tượng giả làm nhân viên siêu thị đi phát mỹ phẩm miễn phí để tiếp thị (có quà trúng thưởng), nhưng thực chất là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo:

Bẫy “trúng thưởng”

(ANTĐ) - Gần đây, trên địa bàn một số quận, huyện của thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo với thủ đoạn tinh vi và rất mới. Các đối tượng giả làm nhân viên siêu thị đi phát mỹ phẩm miễn phí để tiếp thị (có quà trúng thưởng), nhưng thực chất là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đầu tháng 11-2009, cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân nhận đơn tố cáo của chị Phạm Thị L, ở tỉnh Hải Dương, hiện cư trú tại quận Thanh Xuân. Vào một ngày cuối tháng 10-2009, có một phụ nữ ngoài 30 tuổi, đến nhà chị L và tự giới thiệu tên là Ngô Phương Lan, nhân viên một siêu thị có tiếng ở Hà Nội. Lan được siêu thị cử đi làm thẻ ra vào siêu thị cho các sinh viên theo chương trình khuyến mại. Lan đã thổ lộ với chị L rằng chị ta hiện làm tiếp thị cho hãng Uniliver, chuyên đi phát mỹ phẩm miễn phí. Lan đưa cho chị L một hộp sữa rửa mặt nhãn hiệu Pond’s để quảng cáo.

Chị L đã bóc hộp sữa rửa mặt ra và thấy bên trong có một tờ phiếu trúng thưởng một chiếc đồng hồ trị giá 1,1 triệu đồng. Thấy chị L trúng thưởng, Lan tỏ vẻ mừng rỡ, cười nói luyến thoắng và lấy một tờ giấy biên nhận trúng thưởng ghi tên Lan và chị L vào đó. Nhằm củng cố thêm lòng tin của chị L, người phụ nữ tự xưng tên Lan, nhân viên siêu thị đã cho chị L biết ngoài phần quà trúng thưởng trong hộp sữa rửa mặt, chị L còn được nhận thêm quà của nhà tài trợ Uniliver là một điện thoại di động hiệu Nokia N95, có trị giá 9 triệu đồng.

Giấy biên nhận rởm các đối tượng lừa đảo để lại cho người bị hại

 Giấy biên nhận rởm các đối tượng lừa đảo để lại cho người bị hại

Nói xong, Lan đưa ra lý do trước khi được nhận các phần quà hấp dẫn trên, người trúng thưởng phải bỏ ra 500.000 đồng để… làm từ thiện. Sau đó, Lan rút điện thoại gọi cho ai đó để thông báo một khách hàng của mình đã trúng thưởng. Tiếp theo, Lan quay sang nói với chị L rằng công ty của Lan cần thẩm định tài chính của chị L, xem có đủ khả năng làm từ thiện không?!

Vì tin Lan, chị L đưa thẻ ATM của Vietcombank, đọc mật mã pin của thẻ cho chị ta. Khi Lan đi rồi, chị L mới nhớ ra trong thẻ của mình còn hơn 4 triệu đồng. Khi kiểm tra lại thẻ ATM và thấy đã bị rút hết tiền, chị L biết mình gặp phải kẻ lừa đảo chuyên nghiệp. Đối tượng dựng lên màn kịch “trúng thưởng” với ý đồ để người bị hại hé lộ mật mã pin thẻ ATM của họ, rồi đi rút tiền tại các cây rút tiền tự động.

Trước đó, tại huyện Từ Liêm cũng xảy ra một vụ tương tự (Báo ANTĐ đã đưa tin). Một phụ nữ khoảng 30 tuổi tìm đến phòng trọ của chị Nguyễn Minh H, sinh viên trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, ở xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, tự giới thiệu là nhân viên siêu thị, đi mời khách hàng bốc thăm trúng thưởng. Cũng giống với chị L, chị H bốc được “giải thưởng” là một chiếc ĐTDĐ Nokia 6300, tài khoản được nhân đôi.

Người nhân viên siêu thị giải thích ngoài chiếc điện thoại, hiện chị H có bao nhiêu tiền nạp vào hết sẽ được nhân đôi số tiền đó. Chị H tin tưởng đó là thật, gom toàn bộ số tiền có trong ví và chiếc thẻ ATM được gần 5 triệu đồng đưa cho người nhân viên siêu thị và được dặn lại là đầu giờ chiều sẽ có người của siêu thị đến trao thưởng, tiền sẽ được nạp vào và nhân đôi. Đợi mãi vẫn không thấy giải thưởng đâu, chị H mới vỡ lẽ đã gặp kẻ lừa đảo.

Trên đây là thủ đoạn lừa mới, tinh vi của bọn tội phạm đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Các vụ án lừa đảo đang được cơ quan công an khẩn trương điều tra, làm rõ thủ phạm. Người dân cần đề cao cảnh giác, phát hiện đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động lừa đảo nêu trên, hãy báo ngay cho công an nơi gần nhất để giải quyết.

Huy Hoàng