“Bay” trong thành phố

ANTĐ - Những hệ thống cáp treo đang được áp dụng như một phương tiện giao thông tại nhiều nơi trên thế giới đã giảm áp lực cho hệ thống giao thông truyền thống, đồng thời giúp kết nối các khu vực kém phát triển, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội.

Giải pháp tối ưu

Giao thông đô thị ở Thủ đô hành chính La Paz của Bolivia là những dòng lên xuống liên tục. Nằm trong một lòng chảo lớn giữa các dãy núi ở độ cao hơn 3.000 mét so với mực nước biển, thủ đô vùng núi Andes là một trong những thành phố cao nhất thế giới. Dân cư đông đúc của thành phố này sống tập trung trên các ngọn đồi, trong đó gồm cả trung tâm thành phố nhộn nhịp, nằm ở trên độ cao hơn khoảng 400m hướng phía thành phố vệ tinh El Alto.

Trong khi vị trí cao đã tạo cho Thủ đô La Paz một cảnh đẹp, đặc biệt về ban đêm khi các sườn núi được chiếu sáng bởi ánh đèn của hàng nghìn ngôi nhà và đường phố, thì việc đi lại với các phương tiện giao thông truyền thống lại không được thuận tiện với địa hình đồi núi dốc ở thành phố này. Những chuyến xe buýt thường chỉ đi vài dặm nhưng có thể mất đến hàng tiếng đồng hồ trong giờ cao điểm. 

Tuy nhiên, sắp tới, một hệ thống giao thông hoàn toàn mới được hoàn thành sẽ giảm gánh nặng cho những con đường đông đúc chật hẹp này. Hệ thống cáp treo của đô thị La Paz sẽ bao gồm ba dòng dịch vụ riêng biệt trải dài trên một khu vực thành phố dài 10,7 km. Hệ thống cấu trúc khổng lồ này, vốn rất phổ biến ở những khu trượt tuyết hay các điểm du lịch trên đỉnh núi, sẽ phục vụ với công suất 9.000 hành khách  bằng chi phí  253 triệu USD. Với vận tốc 18km/h vận chuyển từng nhóm hành khách mỗi lượt, hệ thống cáp treo cung cấp một hệ thống vận chuyển nhanh hơn so với phương thức truyền thống của giao thông vận tải trong thành phố nhiều lần. “Vào buổi sáng, thông thường, một người đi từ Al Alto đến khu vực phía nam thành phố phải đi mất hai tiếng rưỡi. Nhưng với những chiếc “giỏ  bay” này, hành trình đó giờ chỉ mất 24 phút” - ông Javier Telleria, Giám đốc điều hành của Doppelmayr Bolivia, công ty phụ trách dự án này nói. 

Lợi ích kinh tế - xã hội

Những lợi ích này cũng đã được nhà thiết kế Michael McDaniel của Công ty thiết kế Frog Design đưa ra khi ủng hộ một “đô thị giỏ treo” cho Austin, Texas (Mỹ) trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm nay. Ông Michael ước tính, chi phí xây dựng một hệ thống giao thông “giỏ treo” dao động trong khoảng từ 3-12 triệu USD cho mỗi 1,6 km đường (1 dặm), thấp hơn nhiều so với mức 400 triệu/dặm cho hệ thống tàu điện ngầm và 36 triệu USD cho mỗi dặm giao thông bằng hệ thống đường sắt siêu tốc.

Lợi ích kinh tế này là chìa khóa trong việc thuyết phục các thành phố ở Nam Mỹ như La Paz rằng đô thị giỏ treo là một giải pháp giao thông khả thi và tiết kiệm. Nhiều đô thị như Rio de Janeiro (Brasil), Melellin (Colombia) và Caracas (Venezuela) đã giới thiệu các hệ thống tương tự trong những năm gần đây. Khi các dự án này thành công, đã mang lại một loạt lợi ích về kinh tế, xã hội.

Ông Steven Dale, người sáng lập trang web The Gondola Project có trụ sở ở Canada nói rằng, hệ thống “giỏ treo” đô thị sẽ mang lại lợi ích to lớn khi được đưa vào đô thị phù hợp. “Có khả năng kết nối mọi người từ một hòn đảo, tới những thành phố lớn hơn, nơi họ có thể tiếp cận các cơ hội kinh tế, xã hội, văn hóa, đó là giá trị thực sự. Bạn không thể làm điều đó ở những nơi không có hệ thống “giỏ treo” trong khi giao thông đi lại khó khăn do thách thức về địa hình. Với những lợi ích tiềm năng mà đô thị “giỏ treo” mang lại, nhiều thành phố trên thế giới đã và đang xem xét đưa vào sử dụng  loại hình giao thông này.