“Bẫy” thu nhập trung bình

ANTĐ - Quỹ Tiền tệ quốc tế mới công bố tăng trưởng năm 2013 của châu Á-Thái Bình Dương có thể đạt 5,75%, song cũng cảnh báo các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần hết sức thận trọng để khỏi rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình. Mặc dù tăng trưởng kinh tế không phải là ưu tiên số 1 trong mục tiêu phát triển của Việt Nam năm 2012, nhưng mức tăng trưởng GDP 5,03% là mức thấp so với GDP trung bình của các nước đã thành công trong việc thoát khỏi cái “bẫy” thu nhập trung bình.

Nếu thu nhập bình quân của người dân châu Âu là 30.000 USD/năm, thì Hàn Quốc mới vượt mức 20.000 USD, trong khi Trung Quốc vẫn ở mức 6.000 USD, Việt Nam mới đạt khoảng 1.200 USD, nhiều nước khác chưa vượt giới hạn 1.000 USD. Tuy nhiên, trong 3 năm liền từ 2010 đến nay, Việt Nam có mức tăng trưởng giảm sâu nhất và là nước duy nhất trong nhóm suy giảm tốc độ tăng trưởng liên tiếp. So với các nền kinh tế trong khu vực, dấu hiệu giảm sút trong năm 2012 khá khác biệt. Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư phát triển năm 2013 tùy thuộc vào phản ứng chính sách của Chính phủ nhằm đón dòng vốn đầu tư FDI, ODA đang chuyển dịch từ Trung Quốc, Ấn Độ vào ASEAN và Việt Nam.

Dự báo, năm nay dòng vốn FDI được cải thiện sẽ dẫn đến cán cân vốn tiếp tục tăng, ước đạt 5,956 tỷ USD, tăng so với 5,700 tỷ USD năm 2012. Báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế lưu ý rằng, chính sách vừa qua của Việt Nam vẫn nghiêng lệch về thu hút đầu tư nước ngoài, chưa thật quan tâm tới việc hỗ trợ doanh nghiệp sau khi cấp phép, giữ chân các nhà đầu tư lớn ở lại Việt Nam trước sức hút mạnh mẽ của các nước trong khu vực.

Đặc biệt, Việt Nam cần “lái” dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên; cần mạnh dạn loại bỏ những dự án đầu tư với công nghệ cũ, lạc hậu cũng như giảm tác động tiêu cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài lên doanh nghiệp trong nước. Muốn thoát “bẫy” thu nhập trung bình, theo các chuyên gia kinh tế quốc tế, Việt Nam cần giữ lạm phát ở mức tương tự như năm 2012, chú trọng các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế, nhất là khu vực kinh tế nhà nước, nhằm giảm sự thất thoát, lãng phí; tạo môi trường lành mạnh và bình đẳng. Vấn đề cốt lõi là trên thực tế, khó có một nền kinh tế nào thực sự cạnh tranh bình đẳng 100% bởi sự méo mó như độc quyền, nhóm lợi ích, dẫn đến sự  đánh đổi không thể tránh khỏi giữa lợi ích kinh tế và công bằng thu nhập. Chỉ khi nào có được nền kinh tế “cạnh tranh hoàn hảo” thì lợi ích cá nhân mới trùng hợp với lợi ích cộng đồng.

Để thoát “bẫy” thu nhập trung bình, đối với những nước như Việt Nam, một số nhà kinh tế học và xã hội học nhấn mạnh, cần phải tìm xem cái gì là động lực lao động của con người? Thu nhập chính là động lực lớn nhất của con người. Thu nhập càng chênh lệch giàu-nghèo thì những người có thu nhập thấp hoặc trung bình càng thấy kém hạnh phúc. Chỉ có bàn tay của nhà nước can thiệp mới có thể giảm khoảng cách bất bình đẳng thu nhập trong xã hội.