“Bẫy nợ” từ “ma trận” ứng dụng cho vay trực tuyến ở Philippines

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại Philippines, khi ứng dụng cho vay tiền trực tuyến nở rộ cũng là lúc nhiều khách hàng rơi vào tình huống bị “bẫy nợ”, lừa cho vay với lãi suất cao và chịu nhiều chiến thuật “bẩn” để thu hồi nợ.
Sinh viên Bobbie ở Manila, Philippines bị “khủng bố” bằng các cuộc gọi điện thoại và tin nhắn đe dọa sau khi vay tiền từ các ứng dụng cho vay trực tuyến

Sinh viên Bobbie ở Manila, Philippines bị “khủng bố” bằng các cuộc gọi điện thoại và tin nhắn đe dọa sau khi vay tiền từ các ứng dụng cho vay trực tuyến

Từ sáng sớm đến đêm khuya, anh Lance, 31 tuổi, sống ở Thủ đô Manila, Philippines nhận được hàng trăm tin nhắn đe dọa và hàng chục cuộc gọi nhỡ mỗi ngày. Khi bắt máy, đầu dây bên kia lúc thì có người cúp máy ngay lập tức, lúc lại đe dọa rằng anh sẽ “tới số” nếu không trả nợ ứng dụng cho vay trực tuyến.

Là người kiếm tiền chính trong gia đình, Lance đã 2 lần mất việc làm trong thời gian phong tỏa vì Covid-19. Không đủ điều kiện vay ngân hàng, anh đã chuyển sang các ứng dụng cho vay trực tuyến. Từ một ứng dụng ban đầu, do tình huống cấp bách không trả nợ đúng hạn, Lance “vay nóng” ứng dụng khác. Kể từ năm 2021, người đàn ông này đã nợ gần 1 triệu peso trên hơn 20 nền tảng cho vay khác nhau. Giờ anh đã vay được ngân hàng để trang trải các khoản phí phạt tăng nhanh.

Ở Philippines, nhiều người giống như Lance cảm thấy mình đã bị các app cho vay lợi dụng khi phải trả lãi suất “cắt cổ” và sau đó liên tục bị thúc ép trả nợ. Bobbie, một sinh viên đại học 22 tuổi ở Manila cho biết, anh đã dùng ứng dụng cho vay MocaMoca sau khi bị hấp dẫn bởi quảng cáo cho vay tiền hứa hẹn xử lý cực nhanh, lãi suất thấp và thời hạn hoàn trả trong vòng 90 ngày. Bobbie đăng ký vay 2.500 peso Philippines (42 USD) nhưng ứng dụng chỉ chuyển cho anh 1.500 peso (25 USD), số tiền chênh lệch gọi là phí xử lý. Sau đó, đột nhiên anh được thông báo rằng có 7 ngày để trả 2.300 peso cùng 90 ngày để trả 200 peso còn lại. “App đó chỉ cho bạn biết điều này sau khi đã cho bạn vay tiền!”, Bobbie cho biết. Do trễ ngày thanh toán, Bobbie nhận được cuộc gọi dọa sẽ dùng vũ lực và bắt anh vào tù. Mocamoca cũng áp dụng mức phạt 400 peso vì trả chậm vào ngày hôm sau. Để theo kịp việc trả nợ, sinh viên này phải vay từ các ứng dụng khác, giờ tổng số nợ lên tới 200.000 peso (3.421 USD).

Các ứng dụng cho vay đã trở nên phổ biến trong thời kỳ đại dịch ở Philippines, thu hút hàng triệu lượt tải xuống. Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, số lượng khách hàng mới của các nền tảng cho vay trực tuyến đã tăng vọt 64% lên 47,5 triệu người. Trong khi, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Philippines (SEC) đã cấp giấy phép cho 140 công ty cho vay kỹ thuật số. Cho đến nay, giấy phép của gần 40 nền tảng đã bị thu hồi vì sai phạm trong hoạt động thu nợ.

Ông Robert Dan Roces, chuyên gia kinh tế trưởng của Security Bank Philippines, nhận định, các nền tảng này đã trở thành “kẻ phá hoại” trong thế giới tài chính. Chuyên gia này phân tích, những người không có tài khoản ngân hàng và không đủ điều kiện vay ngân hàng thấy rằng vay tiền trực tuyến dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều. Nhưng ông lưu ý, dù chúng có thể hấp dẫn đối với những người đang trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng đó là hoạt động “săn mồi” khiến người vay phải trả giá đắt.

Bà Kikay Bautista, người sáng lập Phong trào Nạn nhân United OLA (Ứng dụng cho vay trực tuyến) cho biết, hệ lụy xấu từ các nền tảng cho vay trực tuyến đang gia tăng ở Philippines. Kể từ năm 2022, SEC đã ấn định lãi suất hàng tháng và các khoản phí bổ sung mà hầu hết các nền tảng trực tuyến có thể tính cho khách hàng ở mức 15%. Tuy nhiên, những người đi vay như Bobbie đã phát hiện ra rằng nhiều nền tảng tính phí cao hơn nhiều trong thực tế. Các nền tảng cho vay cũng đã bị chỉ trích vì thu thập dữ liệu và quyền riêng tư. Nhiều “con nợ” ngập trong các cuộc gọi và tin nhắn rác sau khi sử dụng dịch vụ. Theo bà Bautista, “khủng bố tinh thần” là điều khó khăn nhất mà nhiều người phải đối mặt. Nhóm của bà biết rằng ít nhất 2 thành viên đã có ý định tự tử. Vào cuối năm ngoái, Bautista đã thu thập hàng trăm khiếu nại gửi đến SEC và Cảnh sát quốc gia Philippines, tố cáo các nền tảng như MocaMoca, Digido và MoreGold là tệ hại nhất.

Tháng 6-2023, Cơ quan chống tội phạm mạng (ACG) của Cảnh sát quốc gia Philippines đã đột kích văn phòng của một số nền tảng cho vay trực tuyến do ‘con nợ” bị gửi hoa tang đến nhà như một lời đe dọa ngấm ngầm. Ông Jay Guillermo, Giám đốc ACG xác nhận, chính quyền chỉ có thể hành động dựa trên các khiếu nại chính thức, và khó khăn nhất là không xác định được hành vi đe dọa đến từ cá nhân hay từ một công ty. Ông khuyên dân chúng tránh xa các ứng dụng này nhưng thừa nhận rằng “nếu có nghĩa vụ nợ, hãy hoàn thành để đỡ rắc rối”.

Theo điều tra, người phụ trách các ứng dụng phần nhiều là công dân Trung Quốc. SEC cho biết, công ty cho vay tiền trực tuyến dù thuộc sở hữu nước ngoài hay không đều phải tuân thủ nghiêm quy định và minh bạch hóa hoạt động của mình.