Bẫy đa cấp từ cơn sốt tiền ảo Onecoin

ANTĐ - Sau một thời gian tạm lắng, những tháng gần đây cơn sốt tiền ảo đã quay trở lại với một loại tiền ảo mới mang tên Onecoin với những lời quảng cáo hấp dẫn, có thể mang lại lãi suất “khủng” cho nhà đầu tư.  Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, giống như “kẻ tiền nhiệm” Bitcoin, đồng tiền ảo Onecoin này chứa đựng nhiều rủi ro và nguy cơ mất trắng rất cao một khi sàn kinh doanh này bị đánh sập.
Bẫy đa cấp từ cơn sốt tiền ảo Onecoin ảnh 1

Onecoin tiếp nối Bitcoin

Trong thời gian gần đây khi việc đầu tư vào vàng và các kênh đầu tư truyền thống có nhiều biến động thì các nhà đầu tư tài chính Việt Nam quay sang xu hướng mới là tiền online. Nếu như trước đây đồng tiền Bitcoin đã từng tạo lên một cơn sốt của tiền tệ online nhưng sau đó nhanh chóng biến mất bởi không ít người đã bị “sập nợ” thì mới đây sự xuất hiện của Onecoin đã thực sự làm cho thị trường tiền ảo này sôi động trở lại.

Trước đây, khi đồng Bitcoin xuất hiện tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, đây không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, đồng thời khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo.

Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Thế nhưng khi Onecoin xuất hiện, những lời cảnh báo này hầu như đã bị bỏ ngoài tai. 

Giống như Bitcoin, Onecoin là một loại tiền kĩ thuật số dựa trên các thuật toán phức tạp. Tuy nhiên, nếu như đồng Bitcoin xuất hiện từ năm 2008 là sản phẩm của một lập trình viên hoặc một nhóm lập trình không rõ danh tính thì đồng Onecoin lại do Tiến sĩ, luật sư người Bulgaria có tên gọi Ruja Ignotava nghĩ ra. Đồng Onecoin xuất hiện đầu tiên tại châu Âu vào tháng 1-2015 và rất nhanh chóng chỉ một thời gian ngắn sau đó đã có mặt tại Việt Nam.

Ngay khi vừa xuất hiện, đồng Onecoin đã kịp tạo nên những cơn sốt nhỏ. Trên các diễn đàn, các mạng xã hội… rất nhiều người mời hấp dẫn tham gia mạng lưới Onecoin như: Đầu tư 5.000 euro, tức gần 150 triệu đồng bây giờ (tháng 4/2015), tháng 1/2016 bạn sẽ được 1-2 tỷ đồng, tháng 1/2017 bạn được 3-4 tỷ đồng, tháng 1/2018 bạn sẽ được 10-15 tỷ đồng. Đầu tiên, nhà đầu tư nộp lệ phí tham gia một khóa học tài chính và được tặng token, lượng token thu về tùy từng gói đầu tư mà người chơi tham gia để “đào” Onecoin. Giá Onecoin sẽ tăng từ mức dưới 1 Euro/coin hiện nay lên 50-100 USD/coin trong vài ba năm tới, nên chả mấy chốc, nhà đầu tư sẽ lãi “khủng” khi đầu tư. 

“Dụ” khách hàng theo kiểu đa cấp

Nếu đồng ý tham gia đầu tư Onecoin, đầu tiên, mỗi thành viên đóng 3,8 triệu đồng tham gia khóa học đào tạo tài chính. Sau khóa học, mọi người sẽ được tặng đồng tiền Onetoken (đây là loại tiền dùng giao dịch giữa các thành viên Onecoin). Đồng Onetoken sẽ được đổi sang đồng Onecoin theo tỉ lệ 10:1 (tức 10 đồng Onetoken đổi được 1 đồng Onecoin). Người tham gia đầu tư Onecoin sẽ được tham gia 4 gói, thấp nhất là 16 triệu cao nhất là 148 triệu đồng.

Theo đó nếu tham gia gói 16 triệu sẽ được tặng 5.000 đồng Onetoken tương đương 500 đồng Onecoin, số Onecoin này sẽ được nhân đôi trong tháng 6, như vậy với 16 triệu sẽ sở hữu 1.000 Onecoin. Trong khi giá 1 Onecoin là 1,68Euro, nhưng chỉ tính với giá 1 Onecoin = 1Euro như vậy 1.000 onecoin = 1.000 Euro tương đương đổi ra tiền Việt khoảng 24 triệu. Chỉ cần đầu tư 16 triệu sau 2 tháng đã lãi thêm 8 triệu (lãi thêm 50% số tiền bỏ ra ban đầu.

Nếu chỉ nhìn vào phép tính này sẽ thấy việc đầu tư Onecoin khá dễ ăn, nhưng trên thực tế là các sàn giao dịch tiền ảo Onecoin tại Việt Nam hiện nay được thực hiện theo mô hình gần giống kinh doanh đa cấp.

Khoản “thu nhập khổng lồ” mà các nhà đầu tư có được đến từ tỷ lệ hoa hồng khi họ lôi kéo thêm được thành viên mới tham gia vào cộng đồng Onecoin. Nếu nhà đầu tư mở được càng nhiều “chân rết”, lôi kéo thêm càng nhiều nhà đầu tư khác tham gia sàn Onecoin thì sẽ càng có thêm được nhiều lợi nhuận. Người tham gia kinh doanh Onecoin được chia ra 4 cấp độ và hưởng lợi nhuận lũy tiến bậc thang. Người ở cấp độ 1, 2 sẽ được hưởng 10% giá tiền đầu tư, cấp độ 3 được hưởng 20% và cấp độ 4 được hưởng 30%.

Ngoài ra, còn tặng vé du lịch, đồng tiền vàng, được nhân đôi số token… Rất nhiều người ảo tưởng vào hình thức kiếm tiền “siêu lợi nhuận” đã khiến cho cơn lốc tiền ảo Onecoin càng thêm mạnh mẽ. Và cũng chính vì mức hoa hồng quá “khủng” này nên các thành viên của các nhóm phát triển Onecoin luôn tìm đủ mọi cách để lôi kéo người khác tham gia. Và để chiếm được niềm tin, dụ dỗ thêm nhiều người chơi đưa ra nhiều lời kêu gọi hấp dẫn và hứa hẹn một tương lai thành “tỉ phú”, chính vì vậy rất nhiều người đã bất chấp mọi cảnh báo để lao vào “cơn lốc” Onecoin. Khi khách hàng đã tham gia sẽ tìm mọi cách để lôi kéo người, thậm chí cả những người thân vào vòng xoáy kinh doanh “ảo” để hưởng lợi nhuận theo hình kim tự tháp

Thận trọng kẻo mắc bẫy lừa đa cấp

Theo chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, về bản chất đồng tiền Onecoin chỉ là một sản phẩm ảo mặc định từ thuật toán phức tạp, khó thấy, khó hiểu và khó kiểm chứng, do cá nhân tạo ra và bị lạm dụng biến thành đối tượng kinh doanh “hàng ảo” thuần túy trên mạng. Onecoin không được Nhà nước phát hành và bảo hộ giá trị, không nằm dưới sự kiểm soát của bất kỳ Chính phủ hay Ngân hàng Trung ương nào, lại càng không thể đóng vai trò thước đo giá trị, phương tiện thanh toán, dự trữ, lưu thông như một đồng tiền quốc gia chính thức. Nói cách khác, không thể ngộ nhận Onecoin là tiền, dù là “tiền ảo”. Việc coi Onecoin là “tiền ảo” chỉ là cố tình “lập lờ đánh lận con đen” và một mánh khóe tung hỏa mù, chủ ý dẫn dụ người chơi vào bẫy “kinh doanh tiền ảo” đa cấp, bất hợp pháp và đầy rủi ro.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong phân tích, sức sống của Onecoin không từ sản xuất và dựa trên chuẩn giá trị vật chất nào, mà được nuôi dưỡng thuần túy bởi sự tin tưởng và đồng thuận ảo, cũng như lòng tham, sự mù quáng, tự bịt mắt hay bị “lừa dối hào nhoáng” của nhóm người chơi, được tiếp sức bởi sự vô tình, lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quản lý, được nhân bội bởi hệ số mức hoa hồng đầy mê hoặc cho người trung gian và giá trị ảo từ cơ chế kinh doanh đa cấp hình kim tự tháp quen thuộc.

Người chơi còn buộc phải tin tưởng thụ động và bất lực hơn khi phải chấp nhận bị áp đặt kết quả đào giúp “mỏ vàng onecoin” dựa trên thuật toán mà chỉ tác giả và công ty tổ chức kinh doanh Onecoin nắm được và độc quyền vận hành. Hơn nữa, không chỉ gặp vấn đề thanh khoản trong chuyển đổi sang tiền mặt, mọi giao dịch Onecoin còn không hề có văn tự giấy làm bằng chứng, mà chỉ được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số, nên sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ bị lừa đảo, lạm dụng, tấn công, đánh cắp, thay đổi và tranh chấp dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch, “sập sàn” có chủ ý...

Không khó để thấy rằng, kẻ hưởng lợi cuối cùng trong kinh doanh ảo Onecoin chỉ có thể là các nhà tổ chức và đội ngũ chân rết, cò mồi, hoặc một số ít nhà đầu tư  “ăn non”, chốt lời sớm. Một khi dòng tiền thật mới đổ vào cuộc chơi bị đình nghẽn, Onecoin sẽ đổ vỡ niềm tin và giá trị bong bóng, thậm chí biến mất không dấu tích cùng các nhà tổ chức vốn không có và không chịu bất kỳ sự ràng buộc pháp lý chính thức nào. Khi đó, người chơi, những nhà đầu tư - doanh nghiệp và người vay tiền từ ngân hàng mong muốn làm giàu “chỉ sau một đêm” sẽ trắng tay, rơi vào bẫy nợ. 

Do Onecoin không được pháp luật Việt Nam thừa nhận, đây cũng không phải là tiền tệ và cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó những nhà đầu tư tham gia vào “đào” Onecoin hay Bitcoin sẽ không được pháp luật bảo vệ. Thiếu tá Vũ Đức Thành - Đội phó Đội 3, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội cảnh báo, hoạt động đầu tư tiền điện tử đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, mạo hiểm. Về bản chất, giá trị tiền điện tử không được điều tiết bởi Ngân hàng hay Chính phủ, mà bị chi phối bởi “nhà cái” - người điều hành hoạt động giao dịch tiền “ảo”. Vừa đá bóng vừa thổi còi, “nhà cái” có quyền nâng - hạ giá trị tiền điện tử theo ý muốn.

Do không tuân theo các quy luật khách quan và ảnh hưởng từ thị trường thực tế nên số lượng nhà đầu tư bị thua lỗ do đầu cơ, mua bán tiền “ảo” luôn chiếm đa số. Đặc biệt, khả năng mất trắng toàn bộ số tiền đầu tư có thể xảy ra nếu sàn giao dịch bị đánh sập. Các chuyên gia nhận định, sau khi phía quản lý sàn giao dịch bán ra một lượng lớn tiền “ảo” và không muốn nhà đầu tư có cơ hội rút vốn, “nhà cái” sẽ tìm cách “xóa sổ” diễn đàn cũng như loại tiền “ảo” đã tạo ra. Lúc này, khả năng đòi lại tài sản đã đầu tư là rất khó.